WHO: Đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sự lây lan của dịch bệnh ngày càng gia tăng bởi sự chủ quan cũng như không thống nhất về các biện pháp y tế công cộng ngăn ngừa dịch bệnh.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch COVID-19 “còn lâu mới kết thúc”, tuy nhiên đến nay chúng ta đều biết dịch bệnh này có thể được kiểm soát bằng các biện pháp y tế công cộng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/4 rằng: “Chúng tôi đều muốn thấy các nền kinh tế mở cửa trở lại, xã hội quay lại trạng thái bình thường, du lịch và thương mại được nối lại”.

Đại dịch đang gia tăng với cấp số nhân

Chuyên gia phụ trách đại dịch COVID-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, đại dịch đang gia tăng theo cấp số nhân, với mức tăng 9% số ca mắc vào tuần trước, đây là tuần thứ 7 liên tiếp số ca mắc gia tăng, số ca tử vong cũng tăng 5%.

Tổng Giám đốc WHO Tedros nhận định, ở một số quốc gia, mặc dù tình trạng lây lan dịch bệnh vẫn đang xảy ra, nhưng các nhà hàng và câu lạc bộ đêm vẫn chật kín người, các khu chợ vẫn mở cửa và vô cùng đông đúc, số người áp dụng các biện pháp phòng ngừa rất ít.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Ông Tedros cho hay: “Dường như một số người có suy nghĩ rằng nếu họ còn trẻ, thì việc họ bị mắc COVID-19 cũng không thành vấn đề”.

Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới lại xuất hiện tình trạng quá tải ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt, các phòng cấp cứu và nhiều người gặp khó khăn vì đại dịch. Tất cả những điều này hoàn toàn có thể phòng tránh được, ông Tedros cho biết.

“Đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc. Nhưng chúng ta có nhiều lý do để lạc quan”, ông Tedros nói thêm. “Sự sụt giảm số ca mắc và tử vong trong hai tháng đầu năm cho thấy loại virus nguy hiểm này và các biến thể của nó có thể được ngăn chặn”. Tuy nhiên theo người đứng đầu WHO: “Sự lây lan của dịch bệnh được hỗ trợ“ bởi sự chủ quan của con người và sự thiếu thống nhất trong các biện pháp y tế công cộng ”.

Ấn Độ đã vượt qua Brazil để trở thành quốc gia có tổng số ca lây nhiễm cao thứ hai trên toàn thế giới sau Mỹ. Ấn Độ - quốc gia có hơn 1,3 tỷ người - đang trải qua làn sóng dịch thứ hai. Hiện, Ấn Độ đã tiêm được khoảng 105 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19.

Châu Phi mở rộng sản xuất vắc xin

Trước tính nguy cấp của dịch bệnh và để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc xin tại chỗ, các nhà lãnh đạo châu Phi và các quan chức y tế đã kêu gọi mở rộng sản xuất vắc xin COVID-19 tại lục địa này.

Các quốc gia châu Phi thường phải nhập khẩu phần lớn thiết bị y tế, thuốc men. Đến nay, trong tình hình vắc xin khan hiếm, châu lục vốn phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài- phải tìm mọi cách để có được vắc xin COVID-19.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC) cho biết các quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu ở châu Phi, đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm vắc xin COVID-19 trên toàn cầu. Châu Phi có 1,3 tỷ người nhưng mới chỉ nhận được chưa đến 13 triệu liều vắc xin.

Châu Phi đang bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Châu Phi đang bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến hôm 12/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, bất bình đẳng trong phân phối vắc xin là điều vô đạo đức và tác động mạnh tới nền kinh tế. Tại châu Phi, cứ 100 người dân châu Phi thì chỉ có 1,1 người được tiêm vắc xin trong khi ở Bắc Mỹ tỷ lệ này là hơn 40 trên 100 người.

Tổng giám đốc WTO cho rằng, nền kinh tế châu Phi đang sụt giảm mạnh hơn và phục hồi yếu hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Cho nên, để thúc đẩy tăng trưởng, thương mại và sinh kế, điều cần thiết nhất hiện nay là phải tiêm vắc xin cho tất cả người dân.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lãnh đạo quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, cho biết chiến lược trung hạn là mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có thành các trung tâm khu vực.

Ông nói: “Chúng ta cũng cần phải xây dựng quan hệ đối tác bền vững với các tổ chức ở cả quốc gia phát triển cũng như các nước đang phát triển”.

Tổng thống Nam Phi nói thêm, các nước châu Phi có thể tìm kiếm hướng dẫn từ các nước như Ấn Độ và Brazil về cách họ phát triển các ngành công nghiệp dược phẩm nói chung của mình.

Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết, hiện nay châu Phi nhập khẩu 99% tất cả các loại vắc xin, nhưng nên hướng tới mục tiêu giảm nhập khẩu xuống còn khoảng 40% vào năm 2040.

Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala nói rằng việc xây dựng năng lực sản xuất đòi hỏi đầu tư dài hạn nhưng các nước có thể khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất bằng cách cắt giảm thuế đối với nguyên liệu thô.

Chuyên gia WTO cũng khuyến khích các thành viên WTO ủng hộ đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi về việc đình chỉ các bằng sáng chế y tế, trong đó có vắc xin trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để tăng tốc chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất.

Giám đốc WHO Tedros cho biết, WHO kêu gọi các nhà sản xuất loại bỏ những thủ tục, chia sẻ bí quyết để ngày càng nhiều người được tiếp cận với vắc xin một cách nhanh chóng nhất.

Hải Yến

(Theo Al Jazeera)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/who-dai-dich-covid-19-con-lau-moi-ket-thuc-n189900.html