WHO ghi nhận số ca nhiễm mới trên toàn cầu giảm 16% trong tuần qua
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu trong tuần từ ngày 8 đến 14-2 giảm 16%, xuống còn 2,7 triệu ca. Số trường hợp tử vong do Covid-19 cùng kỳ cũng giảm 10%, xuống còn 81 nghìn ca.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu trong tuần từ ngày 8 đến 14-2 giảm 16%, xuống còn 2,7 triệu ca. Số trường hợp tử vong do Covid-19 cùng kỳ cũng giảm 10%, xuống còn 81 nghìn ca.
Dựa vào số liệu tính đến Chủ nhật vừa qua, tối 16-2, WHO đã công bố thống kê nêu trên trong bản cập nhật tình hình dịch tễ hằng tuần.
Cụ thể, tại 5 trong 6 khu vực giám sát, WHO ghi nhận mức giảm hai con số với số ca nhiễm mới, trừ khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc mới tăng 7%. Cụ thể, tại châu Phi và Tây Thái Bình Dương, số ca mắc mới Covid-19 giảm 20% trong tuần trước, châu Âu giảm 18%, châu Mỹ giảm 16% và Đông - Nam Á giảm 13%.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm gần một nửa so với con số hơn năm triệu ca trong tuần từ 4-1 và đây cũng là tuần thứ năm liên tiếp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới giảm liên tục.
Số liệu này cho thấy hiệu quả của các biện pháp y tế cộng đồng. Người đứng đầu WHO khẳng định: "Điều cần làm lúc này là duy trì được xu hướng giảm. Có thể chưa khống chế được hoàn toàn, nhưng chúng ta đã giảm được phạm vi. Nếu chúng ta ngừng bất kỳ biện pháp nào, dịch bệnh sẽ quay trở lại".
Thống kê mới nhất của WHO cho biết, tính đến ngày 16-2, biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên phát hiện tại Anh đã xuất hiện tại 94 quốc gia vào vùng lãnh thổ, tăng tám nước/vùng lãnh thổ so với tuần trước đó. Trong khi đó, biến thể được phát hiện tại Nam Phi đến nay đã xuất hiện tại 46 quốc gia và biến thể phát hiện tại Brazil đã xuất hiện tại 21 nước.
* Liên quan đến biến thể tại Nam Phi, ngày 16-2, Malta đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Trong khi New Zealand ghi nhận hai ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Malta, quốc gia dẫn đầu Liên hiệp châu Âu (EU) về chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, cho biết những thành công mà nước này đạt được là nhờ chương trình mua vaccine chung của khối, song nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai thêm các biện pháp để đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Malta Chris Fearne cho biết, chương trình mua chung vaccine "chưa từng có tiền lệ" của EU đã giúp ngăn chặn sự cạnh tranh giữa các nước thành viên. Ông nêu rõ: "Hãy tưởng tượng tình huống chúng ta không làm điều này cùng nhau: nếu các quốc gia thành viên đi theo con đường riêng của mỗi nước... sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua giữa các quốc gia thành viên. Điều này dẫn tới tình trạng các quốc gia thành viên lớn hơn sẽ được tiếp cận các vaccine ngừa Covid-19, trong khi các thành viên nhỏ hơn sẽ bị tụt lại phía sau, thậm chí có thể không tiếp cận được vaccine".
Tính đến ngày 16-2, Malta đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 cho 10% trong tổng số 515 nghìn dân, với hơn 75% trong số những người hơn 16 tuổi hiện đã được chủng ngừa đủ hai mũi vaccine của BioNTech/Pfizer hoặc Moderna. Tuần trước, Malta cũng bắt đầu tiêm chủng vaccine của AstraZeneca (Anh) dành cho những người từ 18 đến 55 tuổi.
Tỷ lệ tiêm chủng này đưa Malta vào tốp đầu trong EU, điều mà Ngoại trưởng Fearne cho là nhờ hai yếu tố chính là nước này đã đặt hàng hai triệu liều vaccine đủ để chủng ngừa hai mũi cho toàn dân và mạng lưới trung tâm y tế cộng đồng dày đặc giúp đẩy nhanh việc tiêm chủng.
* Ngày 16-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thành phố quê nhà Milwaukee, thuộc bang Wisconsin, trong chuyến công du chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng trước. Tại đây, ông Biden cam kết thúc đẩy đưa gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD đến người dân.
Phát biểu trên chương trình phát sóng trực tiếp của kênh CNN từ tòa thị chính ở Milwaukee, Tổng thống Biden nhấn mạnh đây là thời điểm để chính phủ giải ngân khoản tiền lớn.
Gói hỗ trợ kinh tế của ông Biden có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Chính quyền Mỹ cho biết khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, qua đó ngăn chặn sự chững lại của đà hồi phục kinh tế. Ngoài ra, gói chi tiêu của ông Biden còn cam kết thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19, vốn được xem là thách thức tài chính, y tế và hậu cần mà chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.
Tổng thống Biden cam kết đến cuối tháng 7 tới Mỹ sẽ có 600 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ. Bày tỏ lạc quan về tương lai cuộc sống của người dân Mỹ trở lại bình thường, Tổng thống Biden cho biết ông mong muốn nhanh chóng đưa trẻ em quay lại trường học và chủ trương tiêm vaccine cho các giáo viên. Ông kỳ vọng, đến Giáng sinh tới nước Mỹ sẽ ở một "hoàn cảnh rất khác”, theo đó sẽ có ít người phải cách ly xã hội hơn và ít người phải đeo khẩu trang hơn. Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh "không thể chắc chắn về điều này".
Dự kiến, sau bang Wisconsin, Tổng thống Biden sẽ tới bang Michigan và thăm nhà máy sản xuất vaccine của hãng Pfizer vào ngày 18-2.
* Tại châu Á, ngày 17-2, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Những mũi tiêm vaccine đầu tiên của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã được chủng ngừa cho các nhân viên y tế tại một bệnh viện công ở thủ đô Tokyo. Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng giai đoạn đầu sẽ được tiến hành đối với 40 nghìn nhân viên y tế tại 100 bệnh viện trên toàn Nhật Bản. Mục đích là ưu tiên bảo đảm an toàn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đánh giá mức độ an toàn của vaccine trước khi phổ cập tiêm chủng toàn dân.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết sẽ định kỳ công bố báo cáo đánh giá phản ứng phụ đối với 20 nghìn trường hợp trong thời gian bốn tuần sau khi chủng ngừa mũi thứ hai. Bộ này cũng cho biết sau khi kết thúc tiêm chủng giai đoạn đầu, kể từ giữa tháng 3 sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đối với khoảng 3,7 triệu nhân viên y tế còn lại trên toàn quốc và từ đầu tháng 4 sẽ bắt đầu tiêm chủng cho 36 triệu trường hợp là người hơn 65 tuổi.
Vaccine phòng ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ kết hợp BioNTech của Đức sản xuất là vaccine đầu tiên được Chính phủ Nhật Bản cấp phép sử dụng. Theo thỏa thuận, Pfizer/BioNTech cam kết cung cấp cho Nhật Bản 72 triệu liều. Nhật Bản là quốc gia khởi động chiến dịch tiêm chủng muộn hơn so với ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tức là chậm hơn hai tháng so với Mỹ và các nước châu Âu. Bộ trên giải thích lý do của sự chậm trễ này là Nhật Bản chú trọng đánh giá chính xác các kết quả thử nghiệm lâm sàng không chỉ ở ngoài nước mà còn phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình trong nước.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 10 giờ ngày 17-2 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 110.035.727 ca mắc, 2.429.822 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 28.381.220 ca mắc, 499.991 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.937.106 ca mắc, 155.949 ca tử vong
3. Brazil: 9.921.981 ca mắc, 240.983 ca tử vong
4. Nga: 4.099.323 ca mắc, 80.979 ca tử vong
5. Anh: 4.058.468 ca mắc, 118.195 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.233.959 ca mắc, 33.596 ca tử vong
2. Philippines: 552.246 ca mắc, 11.524 ca tử vong
3. Malaysia: 269.165 ca mắc, 983 ca tử vong
4. Myanmar: 141.659 ca mắc, 3.192 ca tử vong
5. Singapore: 59.810 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 24.786 ca mắc, 82 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.311 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 479 ca mắc
9. Brunei: 184 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 45 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 32.509.873 ca mắc, 721.352 ca tử vong
2. Châu Âu: 32.447.877 ca mắc, 774.104 ca tử vong
3. Châu Á: 24.162.738 ca mắc, 387.281 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 17.053.084 ca mắc, 444.934 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.795,981 ca mắc, 99.545 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 50.640 ca mắc, 1.083 ca tử vong