WHO huy động gần 250 triệu USD cho quỹ hỗ trợ chống đại dịch COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Addis Ababa, Ethiopia, ngày 13/3/2021 - Ảnh: THX/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một quỹ hỗ trợ chống đại dịch COVID-19 do WHO phát động một năm trước đã huy động được gần 250 triệu USD từ người dân và các công ty tư nhân.

Theo WHO, tính đến ngày 15/3, đã có hơn 661.000 cá nhân, công ty và các tổ chức từ thiện quyên góp được tổng cộng 242 triệu USD, một khoảng tiền WHO mô tả là một "sự ủng hộ chưa từng có”.

Đây cũng là quỹ duy nhất trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, đã giúp hỗ trợ hàng triệu nhân viên tuyến đầu, các thiết bị bảo vệ cá nhân quan trọng cùng nhiều trang thiết bị y tế và bộ xét nghiệm COVID-19, đặc biệt chống lại những thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19.

Ngoài việc hỗ trợ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, quỹ trên còn giúp thúc đẩy việc nghiên cứu các loại vắcxin ngừa COVID-19, xét nghiệm và điều trị.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi sự đóng góp của tất cả các tổ chức và cá nhân, khẳng định sự thành công của quỹ đã chứng tỏ "những gì chúng ta có thể cùng nhau thực hiện trong thời điểm cấp thiết”.

Theo WHO, quỹ là một "nguồn tài trợ quan trọng" cho cuộc chiến chống đại dịch, tuy nhiên WHO cho rằng vẫn cần nhiều hơn nữa cho quỹ này để có thể hỗ trợ cho cuộc chiến "lâu dài”. Quỹ hỗ trợ chống đại dịch COVID-19 hiện đang kêu gọi thêm đóng góp nhằm huy động được số tiền 1,96 tỉ USD mà WHO đánh giá là cần thiết để kiểm soát đại dịch vào cuối năm 2021.

Cùng ngày 15/3, WHO cho biết nhóm cố vấn của cơ quan y tế lớn nhất thế giới này đang xem xét lại các báo cáo liên quan đến vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca tuy chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm vắcxin này gây ra bất kỳ sự cố nào đối với sức khỏe.

Trả lời hãng tin Reuters, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier nói: “Ngay sau khi có đầy đủ thông tin về các trường hợp, WHO sẽ ngay lập tức công bố những phát hiện cũng như bất kỳ thay đổi nào liên quan tới những khuyến nghị hiện nay. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy các trường hợp phản ứng do vắcxin (AstraZeneca) gây ra. Điều quan trọng là chương trình tiêm chủng vắcxin vẫn phải được tiếp tục và chúng ta có thể bảo vệ tính mạng và ngăn chặn virus”.

WHO kêu gọi các quốc gia nên tiếp tục sử dụng vắcxin AstraZeneca ngừa COVID-19 sau khi một số nước ngừng sử dụng loại vắcxin này vì lo ngại nguy cơ sinh cục máu đông. Phát biểu trong một cuộc họp báo, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, nêu rõ: "Chúng tôi không muốn mọi người hoảng sợ và khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vắcxin AstraZeneca. Cho đến nay, chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa những sự kiện này (tình trạng đông máu) và vắcxin”.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng ngày cũng bày tỏ ủng hộ vắcxin AstraZeneca, đồng thời cho biết các chuyên gia y tế nước này đảm bảo tất cả các loại vắcxin phòng COVID-19 đang được sử dụng trong nước đều an toàn, bao gồm vắcxin AstraZeneca.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Trudeau khẳng định: "Các chuyên gia y tế của chúng tôi... thu thập dữ liệu liên tục và họ đảm bảo với chúng tôi rằng tất cả các loại vắcxin được cung cấp ở Canada đều an toàn và hiệu quả, bao gồm cả vắcxin của AstraZeneca”. Canada dự kiến sẽ bắt đầu nhận thêm vắcxin AstraZeneca từ tháng 4/2021.

Cùng quan điểm, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định vắcxin AstraZeneca an toàn và Chính phủ Anh rất tự tin vào việc sử dụng loại vắcxin này trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19. Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Với cơ quan quản lý dược phẩm Anh, chúng tôi có một trong những nhà quản lý nghiêm ngặt và giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới. Họ không thấy có lý do nào để dừng chương trình tiêm chủng”.

Trước đó, cùng ngày, Ý, Pháp và Đức đã thông báo tạm ngừng sử dụng vắcxin AstraZeneca sau các báo cáo mới về chứng huyết khối tĩnh mạch não liên quan đến việc tiêm loại vắcxin này ở Đức và châu Âu, cũng như chờ đợi hướng dẫn mới từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA).

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, người đứng đầu chi nhánh Kyiv của Cục Nhà nước về An toàn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng Ukraine (SSUFCP), ông Oleg Ruban, ngày 15/3 cho biết nước này đã phát hiện một chủng virus SARS-CoV-2 mới, có dấu hiện của một số loại virus đã được biết đến.

Theo ông Ruban, chủng virus mới trên được phát hiện tại tỉnh Ivano-Frankivsk. Các cơ quan có thẩm quyền đã chuyển tất cả thông tin hiện có cho WHO. Ông Ruban thông báo: “Virus được xác nhận và có dấu hiệu của chủng virus tại Anh, vốn là một biến thể của chủng ở Nam Phi và Brazil. Ngoài ra, nó còn chứa những dấu hiệu cho đến nay WHO chưa ghi nhận. Một số đặc điểm nguy hiểm của chủng virus này là tính hung hăng, lây lan nhanh chóng và mới”.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253381/who-huy-dong-gan-250-trieu-usd-cho-quy-ho-tro-chong-dai-dich-covid-19.html