WHO kêu gọi công khai toàn cầu về dữ liệu nghiên cứu chỉnh sửa gen người
Ngày 12/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị mới về việc chỉnh sửa bộ gen người, đồng thời kêu gọi xây dựng một hệ thống đăng ký toàn cầu để theo dõi 'bất kỳ hình thức thao túng di truyền nào' và đề xuất cơ chế thổi còi để nâng cao mối lo ngại về nghiên cứu vô đạo đức hoặc không an toàn.
Cuối năm 2018, WHO đã ủy thác cho một nhóm chuyên gia sau thông báo gây sốc từ nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) về việc ông đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên của thế giới.
Trong hai báo cáo ngày 12/7, nhóm chuyên gia của WHO cho biết tất cả các nghiên cứu liên quan đến chỉnh sửa bộ gen người nên được công khai, mặc dù họ lưu ý rằng điều đó chưa chắc đã ngăn chặn được các nhà khoa học vô kỷ luật.
Nhóm chuyên gia cho biết: “Trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc, các doanh nhân và phòng khám vô đạo đức đã cố tình sử dụng sai mục đích đăng ký thử nghiệm lâm sàng bằng cách đăng ký các thủ tục mà họ dự định thực hiện như thể họ đã được công nhận một cách chính đáng trong các thử nghiệm lâm sàng”.
Nhóm này kêu gọi WHO bảo đảm rằng tất cả các nghiên cứu chỉnh sửa gen đã được đăng ký trong cơ sở dữ liệu của họ được xem xét và phê duyệt bởi một ủy ban đạo đức.
Khi nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tuyên bố ông đã thay đổi DNA của những đứa trẻ sinh đôi để ngăn chúng lây nhiễm HIV, ông cho biết trường đại học nơi ông làm việc không hề hay biết và ông đã bỏ tiền ra thực hiện công việc này. Sau đó, ông bị kết án ba năm tù vì thực hiện "các hoạt động y tế bất hợp pháp".
Nhóm chuyên gia cũng cho biết, WHO nên phát triển các cách để xác định các nghiên cứu liên quan đến thử nghiệm chỉnh sửa gen, và cho rằng cần phát triển một cơ chế “để báo cáo các vi phạm về tính toàn vẹn của nghiên cứu”.
Ông Robin Lovell-Badge, Viện Francis Crick, một thành viên của nhóm chuyên gia, đã nêu một số trường hợp các nhà khoa học ở Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch cho các thí nghiệm chỉnh sửa gen gây tranh cãi, nhưng họ đã bị sức ép để không tiếp tục tiến hành nghiên cứu. Qua đó, ông kêu gọi một cơ chế thổi còi chính thức hơn.
Tuy nhiên, nhóm cũng thừa nhận rằng khi các kỹ thuật chỉnh sửa gen trở nên rẻ hơn và dễ sử dụng hơn, khả năng của WHO trong việc giám sát các nghiên cứu này vẫn bị hạn chế. WHO cũng không có thẩm quyền bắt buộc các nước hợp tác, kể cả trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.