WHO kêu gọi thu hẹp bất bình đẳng về y tế trong thời kỳ dịch bệnh
Tổng Giám đốc WHO cho rằng tất cả mọi người dân trên thế giới đều chịu tác động của đại dịch COVID-19, song những người nghèo và yếu thế trong xã hội chịu nhiều thiệt hại nhất.
Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các chính phủ cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho tất cả người dân, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng y tế và phúc lợi xã hội trong nội bộ các quốc gia và giữa những quốc gia với nhau.
Phát biểu họp báo ngày 6/4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng tất cả mọi người dân trên thế giới đều chịu tác động của đại dịch COVID-19, song những người nghèo và yếu thế trong xã hội là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Theo WHO, ước tính trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã đẩy thêm khoảng 119-124 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực, trong khi bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động cũng gia tăng khi số lao động nữ bị mất việc làm trong 12 tháng qua lớn hơn nhiều so với nam giới.
Ông Tedros cảnh báo đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và khoảng cách chênh lệch trong các hệ thống y tế của nhiều quốc gia. Theo ông Tedros, các chính phủ cần đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và xóa bỏ các rào cản trong tiếp cận các dịch vụ y tế.
Người đứng đầu WHO kêu gọi các chính phủ cho phép tiếp cận công bằng các công cụ ứng phó với COVID-19 như bộ xét nghiệm nhanh, thuốc điều trị và vaccine... trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia.
Theo ông Tedros, điều quan trọng là các chính phủ cần tiếp tục ủng hộ cơ chế COVAX, sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu do WHO dẫn đầu. Ông đồng thời khuyến nghị các chính phủ cần dành thêm một khoản ngân sách tương đương 1% GDP cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cơ bản và coi đầu tư cho y tế là một động lực phát triển.
Trong khi đó, giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore đã đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy phân phối vaccine công bằng. Các biện pháp này bao gồm đơn giản hóa vấn đề quyền sở hữu trí tuệ để sản xuất được nhiều vaccine hơn, chấm dứt "chủ nghĩa dân tộc" về vaccine và chia sẻ vaccine nếu dư thừa.
Bà Fore nhấn mạnh,hiện nay thế giới không có đủ nguồn cung vaccine để đáp ứng nhu cầu của tất cả các quốc gia, khi nguồn cung sẵn có tập trung ở rất ít nước. Một số nước đã ký hợp đồng mua đủ vaccine tiêm chủng cho toàn bộ người dân trong nước, trong khi những nước khác thậm chí chưa có được lô vaccine đầu tiên. Theo đó, bà hối thúc các chính phủ, doanh nghiệp và đối tác khẩn trương hành động nhằm đảm bảo phân phối công bằng vaccine COVID-19 trên toàn cầu./.