WHO khẳng định lợi ích của vắc-xin AstraZeneca, Pháp phong tỏa Paris
Ủy ban An toàn vắc-xin thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, dữ liệu từ các chiến dịch chủng ngừa trên toàn cầu không cho thấy vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca làm gia tăng chứng đông máu ở người tiêm.
"Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca tiếp tục mang lại các lợi ích nhiều hơn rủi ro, với tiềm năng to lớn ngăn ngừa lây nhiễm và giảm số ca tử vong vì dịch trên toàn thế giới", trích tuyên bố ngày 19/3 của ủy ban tư vấn WHO về an toàn vắc-xin toàn cầu.
Theo báo Guardian, kết luận được rút ra sau khi các chuyên gia độc lập nhóm họp vào ngày 16/3 và 18/3 để xem xét các dữ liệu. Ủy ban của WHO cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những tác động của vắc-xin AstraZeneca.
Kết luận của cơ quan chuyên trách thuộc WHO một lần nữa xóa tan các nghi ngại về tác dụng phụ của vắc-xin do hãng dược liên doanh Anh - Thụy Điển sản xuất. Trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cũng xác nhận vắc-xin AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa virus corona chủng mới.
Indonesia, Đức và Pháp đã nối lại việc chủng ngừa bằng vắc-xin AstraZeneca ngay trong ngày 19/3. Cùng ngày, một số nước khác như Bulgaria, Italia, Latvia, CH Síp và Lithuania cũng có động thái tương tự. Trong khi, nhà chức trách Ireland thông báo sẽ khôi phục việc tiêm loại vắc-xin nói trên cho những người từ 18 tuổi trở lên trong vòng vài ngày tới. Tây Ban Nha thông báo xúc tiến việc này vào ngày 24/3.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 19/3 đã tiêm liều vắc-xin AstraZeneca đầu tiên tại bệnh viện St Thomas ở thủ đô London. Tại cuộc họp báo một ngày trước đó, ông Johnson đã bác bỏ các quan ngại về mối liên hệ giữa chế phẩm này với việc hình thành các cục máu đông bất thường ở những người sử dụng.
Anh giảm mạnh số ca nhiễm
Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) thông báo, tỷ lệ lây nhiễm virus corona chủng mới ở nước này một lần nữa đã giảm xuống, chỉ còn khoảng 1/340 trong tuần vừa qua. Điều này tương đương với khoảng 160.200 ca mắc mới trong tuần, mức thấp nhất kể từ ngày 24/9 năm ngoái.
Tính đến ngày 20/3, Anh ghi nhận gần 4,3 triệu ca mắc với 126.026 trường hợp không qua khỏi.
Anh đón tin vui về cuộc chiến chống Covid-19 trong bối cảnh đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và các khoản vay, nợ của lĩnh vực công tại xứ sở sương mù.
Thống kê của ONS cho thấy, chính phủ của Thủ tướng Johnson đã phải tung gói hỗ trợ lên tới 352 tỷ Bảng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Hiện tổng số nợ của nước này là 2.130 tỷ Bảng, tương đương 97,5% GDP, mức cao chưa từng thấy tại Anh kể từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định, nhiều khả năng chính phủ sẽ tăng thuế trong những năm tới để bù đắp khoản các hỗ trợ khẩn cấp nói trên.
Pháp phong tỏa thủ đô Paris một tháng
Pháp vừa công bố áp lệnh phong tỏa tại thủ đô Paris và một số vùng phía bắc trong vòng 4 tuần, tính từ nửa đêm 19/3 theo giờ địa phương (6h ngày 20/3 giờ Việt Nam) để phòng chống dịch. Quyết định được ra giữa lúc chiến dịch chủng ngừa Covid-19 của nước này bị đình trệ và biến thể virus corona phát hiện đầu tiên ở Anh là thủ phạm gây ra tới 75% số ca nhiễm mới tại đây.
Vài giờ trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, hàng nghìn người Pháp đã ùn ùn kéo đến các nhà ga tại Paris để lên tàu rời thủ đô tới những địa phương không áp dụng các biện pháp hạn chế mới, bao gồm cả Brittany hay Lyon.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Jean Castex nhận định, Pháp đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 3. Các khoa chăm sóc tích cực tại các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là ở Paris, nơi tỷ lệ nhiễm virus vượt mức 400/100.000 dân. Ông Castex nói, chính phủ đang nỗ lực hết sức để ngăn không cho dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Bỉ siết chặt các biện pháp hạn chế
Tiếp sau Pháp, chính phủ Bỉ ngày 19/3 cũng cho siết chặt các biện pháp khống chế dịch nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus thứ 3 cũng như bảo vệ các kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế vào tháng 5.
Thủ tướng Alexander De Croo tuyên bố trước các phóng viên rằng, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Bỉ tăng nhanh hơn dự đoán trong tháng 3, đặc biệt tại các trường học, văn phòng và các công ty, nhà máy.
Theo lãnh đạo chính phủ Bỉ, ông đã phải tạm dừng kế hoạch cho mở cửa trở lại các công viên cũng như việc thi đấu thể thao không chuyên từ ngày 1/4. Ông kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mới. Trong đó, các học sinh tiểu học bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tới trường, các đoàn tàu phải giảm số lượng khách phục vụ.
Hơn 22.000 người đã thiệt mạng vì Covid-19 ở Bỉ, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì dịch tính trên đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi tại đây đang có xu hướng giảm, phần lớn là nhờ tiêm chủng.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 20/3 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 122,7 triệu người, trong đó trên 2,7 triệu ca tử vong. Song, hơn 98,9 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 30,4 triệu ca mắc và 553.375 người không qua khỏi.
- Lãnh đạo Đài Loan thông báo, vùng lãnh thổ này sẽ bắt đầu chiến dịch chủng ngừa đại trà từ ngày 22/2. Nhà chức trách y tế địa phương trong tuần này đã thông qua việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca.
- Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 19/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, nước này đã nhận được bản báo cáo gần 300 trang bằng tiếng Anh về kết quả điều tra nguồn gốc Covid-19 ở đại lục, do nhóm chuyên gia quốc tế của WHO gửi đến hôm 17/3. Việc nội dung báo cáo có được công bố vào tuần tới hay không phụ thuộc vào trao đổi giữa các chuyên gia Trung Quốc và quốc tế.
Tuấn Anh