WHO lên tiếng bảo vệ vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca
Vắcxin phòng COVID-19 do hãng được AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phát triển - Ảnh: AFP/TTXVN
* Nguy cơ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lan nhanh tại Mỹ
Vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm của Anh AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển vẫn là một công cụ sống còn trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay.
Người đứng đầu Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định như trên ngày 8/2, trong bối cảnh Nam Phi quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng do lo ngại về hiệu quả của vắcxin này đối với biến thể của SARS-CoV-2 hiện chiếm tới 80% ca lây nhiễm mới tại nước này.
Theo ông Richard Hatchett, còn quá sớm để loại bỏ vắcxin của AstraZeneca và đây vẫn là công cụ hiệu quả ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Trước đó, giới chức y tế các nước như Anh và Úc cũng đã lên tiếng bảo vệ vắcxin AstraZeneca.
Trong khi đó, đại diện của AstraZeneca khẳng định vắcxin của hãng đảm bảo an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa dịch COVID-19, đồng thời cho biết đang điều chỉnh vắcxin này để có thể đối phó với biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi.
Vắcxin của AstraZeneca chiếm một lượng lớn trong Cơ chế phân phối vắcxin COVAX cho các nước nghèo hơn để đảm bảo phân phối vắcxin công bằng khắp thế giới.
Hiện WHO và Liên Hợp Quốc đã phối hợp triển khai phân phối tổng cộng 337,21 triệu liều vắcxin tới khoảng 145 nước trong nửa đầu năm 2021 theo khuôn khổ COVAX. Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh tại châu Phi, dự kiến bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vắcxin AstraZeneca trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, Chính phủ Nam Phi đã quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin sau khi dữ liệu cho thấy vắcxin chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp và nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus đang được ghi nhận ở nước này.
Nam Phi hiện sở hữu 1,5 triệu liều vắcxin AstraZeneca có hạn sử dụng đến tháng 4/2021. Chưa rõ giới chức Nam Phi sẽ trì hoãn kế hoạch tiêm chủng vắcxin này đến thời điểm nào. Để đánh giá hiệu quả của vắcxin AstraZeneca, một nhóm các chuyên gia y tế Nam Phi đã đề xuất chính phủ nước này tiêm chủng loại vắcxin này cho vài nghìn người để qua đó có thể theo dõi những phản ứng và đánh giá chính xác hiệu quả sử dụng.
Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zwelo Mkhibe, nước này sẽ triển khai đồng thời công tác tiêm chủng sử dụng vắcxin của Johnson&Johnson mà nước này dự kiến tiếp nhận trong tuần tới, trong khi đánh giá hiệu quả vắcxin của AstraZeneca.
Trong diễn biến khác, theo nghiên cứu mới công bố, biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 phát hiện tại Anh đang lan nhanh tại Mỹ có nguy cơ dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới tại nước này. Nghiên cứu trên do một nhóm các nhà khoa học và Viện Nghiên cứu Scripps thực hiện.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích hơn 500.000 mẫu xét nghiệm trên khắp nước Mỹ kể từ mùa hè năm ngoái. Qua phân tích chuỗi gene, họ đã phát hiện ra rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh đã nhiều lần xâm nhập vào nước Mỹ vào tháng 11/2020.
Dù số ca nhiễm biến thể hiện nay vẫn ở mức thấp, nhưng biến thể này sẽ trở nên phổ biến vào tháng 3 tới. Tỉ lệ lây nhiễm của biến thể mới cao hơn ít nhất 35-45% so với các biến thể thông thường và mức độ lây lan của biến thể mới cứ 10 ngày lại tăng gấp đôi.
Chuyên gia Ashish Jha thuộc Trường Y tế công của Đại học Brown nhận định biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh có tốc độ lây lan rất nhanh và có thể nhanh chóng đe dọa một quốc gia.
Mặc dù Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhất, với hơn 27 triệu ca nhiễm và hơn 470.000 ca tử vong, nhưng đỉnh dịch tại nước này xuất hiện vào ngày 8/1 vừa qua với số ca nhiễm đã giảm dần kể từ thời điểm đó.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên làm dấy lên lo ngại rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ kích hoạt làn sóng lây nhiễm mới. Trên thực tế, biến thể này đang lây lan rất nhanh tại bang Florida. Do đó, nhóm tác giả nghiên cứu đã kêu gọi Mỹ xây dựng hệ thống giám sát gene của COVID-19.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ Rochelle Walensky kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác. Sự lây lan của biến thể mới là một mối quan ngại lớn và có nó thể đảo ngược xu hướng tích cực thời gian qua. Vắcxin hiện nay vẫn hiệu quả trong việc phòng biến thể, trong khi việc sử dụng khẩu trang giúp giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm.
Cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về đại dịch, ông Anthony Fauci cũng hối thúc việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch và nỗ lực đẩy nhanh công tác tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Nhiều bang ở nước này đã bắt đầu đưa giáo viên vào diện ưu tiên tiếp theo trong việc tiêm vắcxin phòng ngừa COVID-19 trong bối cảnh diễn ra tranh luận gay gắt về thời điểm an toàn cho trẻ em trở lại trường học.
Trong diễn biến khác, Bộ trưởng giám sát chương trình tiêm chủng vắcxin của Nhật Bản, ông Taro Kono ngày 9/2 thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép vận chuyển lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của công ty dược phẩm Pfizer tới Nhật Bản.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Bộ trưởng Kono không tiết lộ cụ thể số liều vắcxin của lô đầu tiên được chuyển tới Nhật Bản, song khẳng định nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm đầu tiên gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe và nhân viên các cơ sở điều dưỡng.
Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 314 triệu liều vắcxin của các hãng AstraZeneca, Moderna và Pfizer, đủ tiêm chủng cho 126 triệu dân. Tuy nhiên, so với nhiều nền kinh tế lớn khác, Nhật Bản được cho là chậm trễ hơn trong công tác tiêm chủng. Nguyên nhân một phần là do Nhật Bản phụ thuộc vào các hãng sản xuất vắcxin nước ngoài nhưng vẫn yêu cầu thử nghiệm ngay tại Nhật Bản đối với tất cả các vắcxin tiềm năng.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)