WHO lo ngại gia tăng các ca nhiễm mới tại châu Âu do giải EURO 2020

Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng gia tăng các ca mắc mới COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đây là hệ quả của việc khán giả tới sân vận động theo dõi các trận đấu của vòng chung kết EURO 2020.

Cổ động viên Anh mừng chiến thắng sau trận gặp Đức ở vòng 16 đội, Vòng chung kết EURO 2020, trên sân vận động Wembley ở London, Anh, ngày 29/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cổ động viên Anh mừng chiến thắng sau trận gặp Đức ở vòng 16 đội, Vòng chung kết EURO 2020, trên sân vận động Wembley ở London, Anh, ngày 29/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

WHO cho rằng việc các cổ động viên đổ xô đến các sân vận động, quán bar và khu vực xem bóng đá trên khắp châu Âu đã làm gia tăng tốc độ lây nhiễm. Người tụ tập xem bóng đá, di chuyển giữa các quốc gia và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến số ca mắc mới ở châu lục tăng 10%, chấm dứt 10 tuần liên tiếp giảm.

Gần 2.000 ca nhiễm COVID-19 ở Scotland gần đây là do các cổ động viên tập trung xem các trận bóng đá trong khuôn khổ giải EURO 2020 rồi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 2/7, Bộ Y tế Anh thông báo đã phát hiện 50.824 trường hợp nhiễm biến thể Delta chỉ trong 1 tuần, nâng tổng số ca nhiễm loại virus này lên 161,981, tăng 46% so với tuần trước. Tuy nhiên, nước này vẫn dự định dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào ngày 19/7.

Đức cho biết biến thể Delta có thể chiếm tới 80% các ca COVID-19 của nước này trong tháng 7.

Trong khi đó, Bồ Đào Nha đang cân nhắc áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm để ngăn ngừa dịch bệnh.

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo cáo giám sát dịch COVID-19 hằng tuần của Bộ Y tế và Viện Y tế cấp cao (ISS) Italy cho biết Chỉ số lây nhiễm (RT) trong tuần tính đến ngày 2/7 của nước này đã giảm xuống còn 0,63 so với mức 0,69 của tuần trước. Tỷ lệ mắc COVID-19 trên toàn quốc cũng giảm xuống 9 trường hợp/100.000 dân, so với 11 trường hợp/100.000 dân của tuần trước.

Báo cáo cho biết tất cả các khu vực của Italy đều có nguy cơ lây nhiễm COVID thấp và không có khu vực nào vượt quá mức nguy hiểm về tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu hoặc phải nằm viện. Cụ thể, số người nhập viện cần điều trị tích cực ở mức 3% (mức nguy hiểm là 30%) và số bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện là 3% (mức nguy hiểm là 40%).

Theo báo cáo, hầu hết các ca mới nhiễm biến thể Delta và Kappa được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ là ở các ổ dịch đã được xác định tại nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định cho đến nay. Do các ca nhiễm 2 loại biến thể này đang tăng mạnh tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao, Bộ Y tế Italy kêu gọi thực hiện các biện pháp truy vết rộng rãi, theo dõi và khoanh vùng các ca mắc mới, và hoàn thành việc tiêm đủ vaccine cho người dân.

Cũng trong ngày 2/7, Nga thông báo trong 24 giờ qua ghi nhận 679 trường hợp tử vong do COVID-19 - mức tăng cao chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này từ năm ngoái. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong cao liên tục.

Cũng trong 24 giờ qua, lực lượng chuyên trách phòng chống COVID-19 của Chính phủ Nga ghi nhận 23.218 ca nhiễm mới, trong đó thủ đô Moskva có 6.893 ca, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 5.561.360 ca.

Dương Hoa - Mai Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/who-lo-ngai-gia-tang-cac-ca-nhiem-moi-tai-chau-au-do-giai-euro-2020-20210702181128418.htm