WHO muốn đánh giá dữ liệu an toàn về vắcxin ngừa COVID-19 của Nga

Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắcxin ngừa COVID-19 - Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 11/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh bất kỳ chứng nhận nào của tổ chức này đối với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng sẽ đòi hỏi quy trình đánh giá khắt khe về dữ liệu an toàn.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắcxin ngừa COVID-19. Phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga. Các cuộc thảo luận đang tập trung vào khả năng WHO thông qua chất lượng vắcxin.

Người phát ngôn nhấn mạnh quá trình này đòi hỏi việc xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu an toàn và hiệu quả. Quan chức này cho hay dù WHO lạc quan trước tốc độ nghiên cứu vắcxin trên toàn thế giới, song việc đẩy nhanh tốc độ không đồng nghĩa với việc giảm bớt độ an toàn.

Cùng ngày 11/8, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỉ liều vắcxin ngừa bệnh COVID-19 mà Nga mới phát triển. Nga đã đặt tên vắcxin là Sputnik-V, lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.

Ông Dmitriev cho biết vắcxin mới do Viện Gamaleya phát triển đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ nước ngoài. Cụ thể, quỹ này đã nhận được các đơn đăng ký đặt mua hơn 1 tỉ liều vắcxin từ 20 quốc gia. Ông cho biết cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vắcxin/năm tại năm quốc gia, hướng tới việc tăng cường năng lực sản xuất hơn nữa.

Cho đến nay, các nước tại Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á đều tỏ ra rất quan tâm tới vắcxin này và RDIF đang hoàn tất một số hợp đồng đặt mua vắcxin.

Cũng trong ngày 11/8, trước thông tin Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vắcxin ngừa COVID-19, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng vấn đề không phải là ở chỗ có vắcxin đầu tiên mà là phải có một loại vắcxin an toàn.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC, ông Azar khẳng định: “Vấn đề không phải là quốc gia đầu tiên có vắcxin. Vấn đề là phải có một loại vắcxin an toàn, hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới”.

Theo Bộ trưởng Y tế Mỹ, cần có dữ liệu minh bạch và dữ liệu này phải được đưa ra từ giai đoạn với 3 thử nghiệm lâm sàng để cho thấy một loại vắcxin an toàn và hiệu quả. Ông Azaz cho biết Tổng thống Mỹ đang chỉ đạo chương trình “Warp Speed” - sáng kiến giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất vắcxin với 6 loại vắcxin đang được phát triển, đồng thời cho rằng có thể có hàng chục triệu liều vắcxin đạt tiêu chuẩn vàng của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 12 và hàng trăm triệu liều vào năm 2021.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/8 thông báo nước này đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD với nhà sản xuất dược phẩm Moderna để mua 100 triệu liều vắcxin ngừa virus SARS-COV-2. Số vắcxin này sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân ở Mỹ.

Trong thông báo, Tổng thống Trump cho biết ông cũng đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của chương trình “Operation Warp Speed”, một sáng kiến giúp đẩy nhanh hoạt động sản xuất vắcxin, đồng thời khẳng định có tiềm năng lớn đối với mỗi loại vắcxin mà Chính phủ Mỹ đang tài trợ nghiên cứu và phát triển.

Tổng thống Trump cũng cho biết Mỹ đã sẵn sàng cung cấp vắcxin cho người dân ngay khi sau khi một loại vắcxin được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Y tế Đức ngày 11/8 cho rằng vẫn chưa có dữ liệu về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vắcxin ngừa COVID-19 mà Nga điều chế và vừa được đăng ký lưu hành. Quan chức trên nói: “Việc cấp phép cho vắcxin ở châu Âu, cùng với xác nhận chất lượng tân dược, còn cần cung cấp đầy đủ thông tin thu được từ các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính hiệu quả và vô hại của nó”.

Bộ Y tế Đức nhấn mạnh trước khi sử dụng vắcxin, cần chứng minh “sự tích cực của lợi ích trước nguy cơ”. Cơ quan này lưu ý rằng vắcxin của Nga vẫn chưa vượt qua nghiên cứu giai đoạn 3, vì vậy Berlin không đàm phán “cùng phát triển vắcxin" với Moscow.

Trong một diễn biến khác, phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, bà Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng thống Donald Trump cho rằng vắcxin ngừa COVID-19 của Nga tụt hậu so với sự phát triển của Mỹ và mới được thử nghiệm cho quá ít người. Bà Conway trích dẫn các tiêu chuẩn của Nga và khẳng định rằng các tiêu chuẩn của Mỹ nghiêm ngặt hơn nhiều. Bà Conway nói: “Chúng tôi có 6 loại vắcxin tiềm năng đang trong giai đoạn phát triển thứ ba, và chúng (ở Nga) dường như chưa đạt được điều đó”.

Chính phủ Thụy Sĩ vừa ký một thỏa thuận với Molecular Partners, công ty công nghệ sinh học được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán SIX ở Zurich, để được ưu tiên tiếp cận một loại thuốc đang được phát triển nhằm điều trị những người mắc COVID-19 nặng.

Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) ngày 11/8 thông báo thỏa thuận trên cho phép Thụy Sĩ tiếp cận với 200.000 liều thuốc đầu tiên, và có thể lên đến 3 triệu liều tiếp theo khi được yêu cầu. Theo FOPH, loại thuốc hiện đang được phát triển này "có thể so sánh với hỗn hợp các liệu pháp kháng thể được sử dụng để vô hiệu hóa virus”.

Nếu được chấp thuận, nó sẽ chủ yếu được sử dụng để điều trị những người đã mắc COVID-19, mặc dù nó cũng có thể được sử dụng cho các nhóm nguy cơ như một biện pháp dự phòng. Các thử nghiệm lâm sàng của thuốc được lên kế hoạch vào mùa thu năm 2020.

Thỏa thuận này là một phần khác trong chiến lược chống COVID-19 của chính phủ. Thụy Sĩ cũng đã trích ra 300 triệu CHF (329 triệu USD) để mua vắcxin và tuần trước đã công bố việc đặt mua trước lên tới 4,5 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của tập đoàn công nghệ sinh học Mỹ Moderna.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/243352/who-muon-danh-gia-du-lieu-an-toan-ve-vacxin-ngua-covid-19-cua-nga.html