WHO sắp ra khuyến cáo mới về tiếp xúc gần với người mắc COVID-19

Trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: EPA

Theo khuyến cáo cũ, khái niệm tiếp xúc gần có nghĩa là hoạt động tương tác trực tiếp trong 15 phút ở khoảng cách dưới 1,5 mét.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS (Nga), đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga Melita Vujnovic cho biết cơ quan này đang xây dựng các khuyến cáo mới để xác định khái niệm “tiếp xúc gần” với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bà Vujnovic nói: “Tôi vừa tham gia cuộc họp của WHO về xem xét lại các khuyến cáo về tiếp xúc gần. Khuyến cáo sẽ quy định khoảng thời gian bị coi là tiếp xúc gần là tổng cộng 15 phút trong 24 giờ. Nghĩa là có thể là ba lần tiếp xúc, mỗi lần kéo dài 5 phút ở khoảng cách chưa đến 2 mét”.

Bà cho biết WHO quyết định thay đổi khuyến cáo sau khi nắm được thêm thông tin về cách thức hoạt động của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 hiện nay.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 14 giờ ngày 1/12, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 63.607.081 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.474.231 ca tử vong. Hiện có trên 44 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi còn trên 18,1 triệu ca đang được điều trị.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 30/11 đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại Mexico đáng quan ngại, đồng thời khuyến cáo các nhà lãnh đạo nước này cần triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng.

Ông Tedros Adhanom nêu rõ mức độ gia tăng các ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Mexico là rất đáng quan ngại, trong khi cơ quan chức năng chỉ kêu gọi người dân có ý thức trách nhiệm phòng dịch mà không áp dụng bất kỳ biện pháp bắt buộc nào như các quốc gia khác trên thế giới.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador thừa nhận đại dịch COVID-19 là trở ngại lớn nhất mà ông gặp phải kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 1/12/2018. Phe đối lập đã nhiều lần chỉ trích quan điểm và chiến lược chống dịch của ông López Obrador khi chính phủ không áp dụng các biện pháp mạnh như những nước khác.

Bộ Y tế Mexico cho biết số người nhập viện do COVID-19 tại một số bang đang tăng mạnh và các bệnh viện tại bang Tabasco đã chạm ngưỡng khi số giường bệnh COVID-19 đã kín tới 95%. Bên cạnh đó, cơ quan y tế Mexico cũng cảnh báo số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Mexico hiện ghi nhận trên 1,11 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 105.000 ca tử vong, đứng thứ 11 thế giới về số ca bệnh và thứ 4 thế giới về số ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm thực tế ở Mexico được cho là khó xác định khi chính phủ không áp dụng xét nghiệm đại trà để khoanh vùng dịch. Trung bình mỗi ngày Mexico thực hiện khoảng 15.000 xét nghiệm và tỉ lệ cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 từ 40-60%.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 không triệu chứng gia tăng, gây khó khăn cho hệ thống truy vết và xét nghiệm. Đây là một trong những thách thức lớn mà giới chức các nước phải đối mặt khi ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 3.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, ngày 1/12 là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới trung bình mỗi ngày vượt qua mốc 400 ca. Dựa trên con số thống kê của Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 451 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 420 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc trên toàn quốc tính đến thời điểm này là 34.652 ca, trong đó có 526 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù giới chức Hàn Quốc đã ban hành các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Với số ca mắc tập trung ở giới trẻ, giới chức y tế Hàn Quốc ước tính số bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng chiếm khoảng 40% tổng số các ca mắc mới, tăng một cách đáng kể so với tỉ lệ 20-30% hồi tháng 6.

Tại Trung Quốc – nơi bùng phát dịch chính thức đầu tiên trên thế giới, tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều. Trong một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, chỉ có 1% trong tổng số trên 70.000 ca là không có triệu chứng lâm sàng. Tại Tokyo, tỉ lệ này là 19%.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa nắm rõ cơ chế vì sao một số bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không biểu hiện triệu chứng. Giới chức y tế tin rằng những người này mang nguy cơ lây bệnh ít hơn. Tuy nhiên, những người bị lây nhiễm từ họ có thể mang triệu chứng. Bên cạnh đó, giới chức cũng lo ngại về tình trạng gia tăng các ổ dịch không thể truy vết vì các ca mắc COVID-19 không triệu chứng rất khó xác định.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249528/who-sap-ra-khuyen-cao-moi-ve-tiep-xuc-gan-voi-nguoi-mac-covid-19.html