WHO: Sẽ không có đủ vắcxin COVID-19 để cuộc sống trở lại bình thường cho đến năm 2022

Kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 dự kiến sẽ có vào đầu năm 2021. Ảnh: Reuters

Theo bà Swaminathan, sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ chế tổng hợp nguồn lực để cung cấp khả năng tiếp cận vắcxin công bằng cho các quốc gia có mức thu nhập khác nhau, sẽ chỉ có thể nhận được khoảng hàng trăm triệu liều vắcxin vào giữa năm 2021.

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi nước trong số 170 quốc gia hoặc nền kinh tế tham gia COVAX “sẽ đều có vắcxin”. Tuy nhiên, số lượng vắcxin là quá ít để có thể thay đổi việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cho đến khi số lượng vắcxin nhiều hơn và đạt mục tiêu 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.

“Cách mà mọi người đang hình dung là vào tháng 1/2021, vắcxin sẽ có đủ trên toàn thế giới và cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Nhưng đó không phải là cách mọi thứ đang diễn ra”, bà Swaminathan nói.

“Đánh giá của chúng tôi về thời điểm triển khai vắcxin là đến giữa năm 2021 vì đầu năm 2021 là thời điểm có kết quả các thử nghiệm vắcxin”, chuyên gia của WHO nói thêm.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa ra một mốc thời gian tích cực hơn về vắcxin ngừa Covid-19. Ngày 15/9, Wu Guizhen thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết, người dân Trung Quốc sẽ được tiếp cận với vắcxin do địa phương sản xuất sớm nhất là vào tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay.

Tổng thống Donald Trump cũng cam kết Mỹ sẽ sớm có vắcxin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại các cơ quan quản lý của Mỹ sẽ phải chịu áp lực chính trị và cấp giấy phép sử dụng vắcxin khẩn cấp sớm.

Bà Swaminathan cho biết, WHO và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang có kế hoạch ban hành hướng dẫn về việc sử dụng vắcxin ngừa Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.

“Tất cả các thử nghiệm đang diễn ra đều phải theo dõi trong ít nhất 12 tháng nếu không thể kéo dài lâu hơn. Đó là thời gian đảm bảo rằng bạn không có tác dụng phụ lâu dài sau vài tuần đầu tiên tiêm vắcxin”, bà Swaminathan nói.

“Do COVID-19 là một đại dịch nên có thể có nhiều cơ quan quản lý muốn đưa ra giấy phép sử dụng khẩn cấp, điều này có thể hiểu được, nhưng cần phải đảm bảo một số tiêu chí. Những gì chúng tôi muốn thấy là tính hiệu quả của vắcxin, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn cả là sự an toàn”, bà Swaminathan nhấn mạnh.

Trung Quốc đã sử dụng 3 loại vắcxin cho người dân theo một chương trình sử dụng khẩn cấp được triển khai vào tháng 7 và một loại vắcxin cho quân đội kể từ tháng 6.

Khi được hỏi về tình hình vắcxin của Trung Quốc và Mỹ, bà Swaminathan cho biết: “Các cơ quan quản lý của các nước có thẩm quyền làm như vậy trong lãnh thổ của họ”. Nhưng bà nói thêm rằng, họ nên áp đặt thời hạn cho các công ty cung cấp dữ liệu và giấy phép sử dụng khẩn cấp có thể bị thu hồi nếu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng không đạt yêu cầu.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định nối lại thử nghiệm vắcxin chống dịch COVID-19 của AstraZeneca, trong khi chính quyền Mỹ sẽ có vắcxin trong khoảng 1 tháng nữa. Ngày 15/9, một quan chức Bộ Y tế Nam Phi cho biết hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca đã nối lại việc thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng COVID-19 tại Nam Phi, hơn một tuần sau khi các cuộc thử nghiệm loại vắcxin này bị hoãn tạm thời do xuất hiện tác dụng phụ ở một người tham gia thử nghiệm tại Anh.

Quyết định này được đưa ra sau khi AstraZeneca khởi động lại các cuộc thử nghiệm tại Anh. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ cho biết các cuộc thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại Mỹ vẫn bị đình chỉ và nhà chức trách nước này đang tiến hành cuộc điều tra liên quan đến loại vắcxin này.

Cùng ngày, giới chức y tế Brazil đã cho phép AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắcxin phòng COVID-19 với thêm 5.000 tình nguyện viên của nước này. Việc bổ sung thêm tình nguyện viên nhằm giúp củng cố thêm kết quả về độ an toàn và tính hiệu quả của vắcxin do AstraZeneca sản xuất.

Trước đó, ngày 14/9, Brazil cũng đã cho phép nối lại các cuộc thử nghiệm vắcxin của hãng AstraZeneca tại nước này. Cho tới nay, 4.600 tình nguyện viên tại các thành phố Sao Paulo, Rio de Janeiro và Salvador đã nhận hai liều vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca.

Cùng ngày, báo Times of India đưa tin nhà chức trách Ấn Độ đã cấp phép cho Viện Serum nối lại các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 của do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển.

Trong khi đó, thông tin về những tác dụng phụ nghiêm trọng trong thử nghiệm vắcxin của hãng AstraZeneca đã khiến một số tình nguyện viên thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson (J&J) ở Tây Ban Nha rút lui. Tuy nhiên, công tác thử nghiệm vẫn diễn ra bình thường do vẫn còn đủ tình nguyện viên dự phòng.

Tại Đức, Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Anja Karliczek cho hay sẽ không có vắcxin dùng rộng rãi cho người dân nước này vào trước giữa năm sau. Bà Karliczek nhấn mạnh Đức chưa tiến đến đích cuối cùng trong việc phát triển vắcxin ngừa COVID-19 tại nước này, và còn nhiều điều có thể xảy ra trong vài tuần tới. Quan chức này còn khẳng định việc đảm bảo độ an toàn của vắcxin là vấn đề ưu tiên hàng đầu và cho rằng một vắcxin được đưa vào sử dụng chỉ khi lợi ích được kiểm chứng cao hơn các nguy cơ tiềm ẩn.

Theo bà Karliczek, Chính phủ Đức đã chi 750 triệu euro (892 triệu USD) nhằm thúc đẩy tiến trình nghiên cứu và phát triển một loại vắcxin ngừa COVID-19.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan về vắcxin ngừa COVID-19 khi tuyên bố Mỹ có thể có vắcxin trong chưa đầy một tháng nữa. Phát biểu trước những cử tri ủng hộ tại bang Pennsylvania, ông Trump khẳng định Mỹ đang tiến rất gần với việc có một loại vắcxin ngừa COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Trong vài tuần nữa, chúng ta sẽ có được, có thể là 3 tuần, 4 tuần".

Trước đó vài giờ, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Tổng thống Trump cho hay Mỹ có thể nhận được vắcxin trong 4 - 8 tuần.

Các nghị sỹ đảng Dân chủ đã bày tỏ quan ngại trước việc ông Trump gây áp lực lên cơ quan y tế và các nhà khoa học nước này nhằm đẩy nhanh việc cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19, một động thái được cho là nhằm giúp ông chủ Nhà Trắng tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới.

Nhiều chuyên gia, trong đó có nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci, cho rằng vắcxin ngừa COVID-19 chỉ có thể sẵn sàng vào cuối năm nay.

L.H (tổng hợp từ VOV, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245687/who--se-khong-co-du-vacxin-covid-19-de-cuoc-song-tro-lai-binh-thuong-cho-den-nam-2022.html