WHO tiếp tục khẳng định vaccine của AstraZeneca an toàn
Ngày 19-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì việc triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine.
Ngày 19-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì việc triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine.
Sau khi các chuyên gia về an toàn vaccine của WHO không phát hiện sự gia tăng tình trạng đông máu liên quan đến việc tiêm vaccine AstraZeneca, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "không có gì phải bàn cãi" về những lợi ích của việc tiêm loại vaccine này.
Phát biểu ý kiến trong một cuộc họp báo, ông Tedros nói: "Chúng tôi hiểu rằng mọi người có thể đã lo ngại về sự an toàn của vaccine Oxford-AstraZeneca... Câu hỏi đặt ra với bất kỳ loại dược phẩm hoặc vaccine nào là liệu nguy cơ sử dụng nó lớn hơn hay ít hơn nguy cơ mắc bệnh mà nó được dùng để phòng ngừa hoặc điều trị".
Ông nhấn mạnh thêm rằng: "Không có gì phải bàn cãi: Covid-19 là một căn bệnh chết người và vaccine Oxford-AstraZeneca có thể ngăn ngừa nó... Dữ liệu hiện có không cho thấy bất kỳ sự gia tăng nào về tình trạng đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Oxford-AstraZeneca". Người đứng đầu WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục sử dụng loại vaccine quan trọng này.
Trong khi đó, lãnh đạo Anh và Đức cũng lên tiếng trấn an người dân về vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19-3 đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca và bảo đảm với người dân rằng mũi tiêm này là an toàn. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết bà đã sẵn sàng tiêm vaccine AstraZeneca nếu được đề nghị.
Cũng trong ngày 19-3, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, đã nối lại việc tiêm vaccine của AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine này.
* Từ một tuần nay, Bỉ đã ghi nhận sự bùng phát số ca lây nhiễm mới do virus SARS-CoV-2 gây ra và số ca nhập viên cũng gia tăng theo, điều này buộc Chính phủ Bỉ phải siết chặt các biện pháp phòng dịch trong những ngày tới.
Theo Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke, sự bùng phát các trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 chủ yếu diễn ra tại nơi làm việc và trường học. Vì vậy, kể từ ngày 22-3, Chính phủ Bỉ đã bổ sung quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với học sinh ở hai cấp học cuối cấp tiểu học (lớp 5 và lớp 6 của Bỉ), nghĩa là áp dụng đeo khẩu trang đối với trẻ em 10 và 11 tuổi (quy định trước đây là trẻ dưới 12 tuổi không phải đeo khẩu trang).
Theo số liệu chính thức, tại đất nước có 11,5 triệu dân này, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 22.600 người. Chỉ riêng trong ngày 15-3 vừa qua đã có khoảng 5.200 ca nhiễm mới. Trong tuần qua, mức trung bình hằng ngày của các ca nhiễm mới là gần 3.300 ca, tăng 34% so với một tuần trước đó. Số người bệnh Covid-19 nhập viện phải chăm sóc đặc biệt (hiện là 543 ca) đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng một tháng.
* Để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, Chính phủ Đức và các bang muốn áp dụng các biện pháp y tế ngay sau Lễ Phục sinh. Đứng trước làn sóng lây nhiễm thứ ba, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn khẩn cấp tái áp dụng các biện pháp hạn chế, việc nới lỏng đời sống công cộng có thể được rút lại vào thứ Hai tới.
Trong cuộc họp trực tuyến tối 19-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang đã thống nhất việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ở nước này, bằng sự tham gia của các bác sĩ gia đình vào chiến dịch ngay sau Lễ Phục sinh với tối thiểu 1 triệu liều/tuần. Từ ngày 5 đến 11-4, khoảng 50 nghìn cơ sở y tế ở Đức cũng được phép tiêm chủng.
Cùng với việc Đức đã nối lại tiêm chủng vaccine AstraZeneca, Thủ tướng Merkel nhận định vào tháng 4, số lượng vaccine sẽ “vẫn khan hiếm”, do đó, việc tiêm chủng vẫn phải theo trình tự theo khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng Thường trực. Tuy nhiên, các bác sĩ nên được tạo sự linh hoạt nhất định, như việc xử lý các liều vaccine còn lại.
Thủ tướng Merkel cho biết, tình hình đang phát triển "rất khó khăn", do đó Đức có thể sẽ "phanh khẩn cấp" việc nới lỏng và tái áp dụng các biện pháp hạn chế.
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 16.557 ca mắc mới và 195 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại nước này lên lần lượt 2.645.186 và 75.073.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 20-3 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 122.868.369 ca mắc, 2.712.562 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 30.424.062 ca mắc, 554.033 ca tử vong
2. Brazil: 11.877.009 ca mắc, 290.525 ca tử vong
3. Ấn Độ: 11.554.895 ca mắc, 159.594 ca tử vong
4. Nga: 4.437.938 ca mắc, 94.267 ca tử vong
5. Anh: 4.285.684 ca mắc, 126.026 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.450.132 ca mắc, 39.339 ca tử vong
2. Philippines: 648.066 ca mắc, 12.900 ca tử vong
3. Malaysia: 330.042 ca mắc, 1.225 ca tử vong
4. Myanmar: 142.212 ca mắc, 3.204 ca tử vong
5. Singapore: 60.167 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 27.594 ca mắc, 90 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.571 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 1.578 ca mắc, 02 ca tử vong
9. Brunei: 203 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 37.178.522 ca mắc, 872.771 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 34.973.138 ca mắc, 800.975 ca tử vong
3. Châu Á: 26.720.499 ca mắc, 414.618 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 19.822.973 ca mắc, 513.369 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.119.155 ca mắc, 109.700 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 53.361 ca mắc, 1.114 ca tử vong