WHO và Thụy Sĩ ra mắt trung tâm sinh học toàn cầu nhằm lưu trữ, chia sẻ và phân tích mầm bệnh
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: 'Đại dịch COVID-19 và các đợt bùng phát và dịch bệnh khác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ nhanh chóng các mầm bệnh để giúp cộng đồng khoa học toàn cầu đánh giá nguy cơ và phát triển các biện pháp đối phó như chẩn đoán, điều trị và phát triển vắc xin.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Thụy Sĩ vừa ký Biên bản ghi nhớ để khởi động Trung tâm sinh học WHO BioHub đầu tiên như một phần của Hệ thống WHO BioHub, được công bố vào tháng 11 năm 2020. Cơ sở này sẽ tăng cường việc chia sẻ nhanh chóng các vi rút và các mầm bệnh khác giữa các phòng thí nghiệm và các đối tác trên toàn cầu.
Có trụ sở tại Spiez, Thụy Sĩ, cơ sở này sẽ đóng vai trò là trung tâm tiếp nhận, giải trình tự, lưu trữ và chuẩn bị một cách an toàn các vật liệu sinh học để phân phối cho các phòng thí nghiệm khác, nhằm hỗ trợ cho việc đánh giá rủi ro và duy trì sự chuẩn bị trên toàn cầu chống lại các mầm bệnh này.
“Hợp tác quốc tế chặt chẽ để đảm bảo việc chia sẻ kịp thời các dữ liệu dịch tễ học và lâm sàng cũng như các vật liệu sinh học là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Thụy Sĩ hỗ trợ sáng kiến WHO BioHub trong giai đoạn đầu bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho phòng thí nghiệm an toàn sinh học của Thụy Sĩ ở Spiez. Với cơ sở này, chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp vào việc thiết lập một hệ thống trao đổi quốc tế đối với SARS-CoV-2 và các mầm bệnh mới nổi khác". Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, Alain Berset cho biết.
Hiện tại, hầu hết việc chia sẻ mầm bệnh được thực hiện song phương giữa các quốc gia và trên cơ sở tự phát khi cần, có thể chậm và khiến một số quốc gia không được tiếp cận với các lợi ích và công cụ cần thiết. BioHub sẽ cho phép các Quốc gia Thành viên chia sẻ các vật liệu sinh học và thông qua BioHub theo các điều kiện đã được thỏa thuận trước, bao gồm an toàn sinh học, an ninh sinh học và các quy định hiện hành khác. Điều này sẽ đảm bảo tính kịp thời và khả năng dự đoán trong các hoạt động ứng phó.
Song song với việc này, WHO sẽ mở rộng Hệ thống BioHub của mình để sử dụng các vật liệu sinh học của các tổ chức đủ điều kiện - chẳng hạn như các nhà sản xuất - để phát triển các sản phẩm y tế phụ trợ để phân bổ một cách công bằng cho các quốc gia. WHO hiện đang thực hiện giai đoạn thử nghiệm, sử dụng SARS-COV-2 và các biến thể của nó, để kiểm tra tính khả thi và cách sắp xếp hoạt động để chia sẻ các tài liệu đó với các cơ sở của Hệ thống BioHub.
Sau khi có kết quả từ dự án thử nghiệm, BioHub sẽ mở rộng từ SARS-COV-2 và các biến thể của nó sang các mầm bệnh khác, đồng thời kết nối các đối tác với các kho lưu trữ và mạng lưới phòng thí nghiệm khác vào năm 2022.
Hà Giang
(Theo WHO 24/5/2021)