WHO xem xét thư ngỏ về việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bucharest, Romania, ngày 26/6/2020. Nguồn: THX/TTXVN

* Viêm nhiễm - Yếu tố khiến bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đang xem xét bức thư ngỏ của gần 240 nhà khoa học quốc tế, trong đó kêu gọi tổ chức này điều chỉnh các khuyến nghị về phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, WHO khuyến cáo virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan chủ yếu qua những giọt bắn lớn thoát ra từ đường hô hấp của bệnh nhân khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện và rơi xuống bề mặt nào đó.

Tuy nhiên, 239 nhà khoa học từ 32 quốc gia đã cùng nhất trí rằng các bằng chứng hiện nay cho thấy virus có thể lây lan qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ tồn tại trong không khí trong một không gian kín.

Qua đó, họ viết thư một bức thư ngỏ kêu gọi WHO công nhận việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lây lan.

Bức thư này được đăng trên tạp chí Clinical Infectious Diseases ngày 6/7. Các tác giả của bài báo lưu ý rằng nếu lây truyền qua không khí thực sự là một yếu tố lây lan đáng kể, thì sẽ đưa phải ra một loạt biện pháp mới để ngăn chặn virus SARS-CoV-2, bao gồm đeo khẩu trang trong phòng.

Thậm chí, họ khuyến cáo ngay khi đã duy trì giãn cách xã hội, các nhân viên y tế vẫn cần đeo khẩu trang đặc biệt có thể chặn được các hạt siêu nhỏ và sử dụng hệ thống thông gió ở những nơi công cộng, cũng như loại đèn cực tím có khả năng tiêu diệt các phần tử virus.

Phản hồi bức thư này, ngày 6/7, người phát ngôn của WHO, ông Tarik Jasarevic, nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nắm được thông tin trên và đang xem xét nội dung được đề cập với các chuyên gia kỹ thuật của chúng tôi".

Ở thời điểm hiện tại, mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trong không khí là không rõ ràng, trong khi các khuyến nghị do WHO đưa ra đã có kiểm chứng.

Bất cứ thay đổi nào trong đánh giá của WHO về nguy cơ lây lan bệnh COVID-19 đều có thể ảnh hưởng đến khuyến nghị giữ khoảng cách vật lý an toàn tối thiểu 1 mét trong phòng ngừa dịch bệnh.

Chính phủ các nước - vốn đưa ra các quy định về giãn cách xã hội dựa trên khuyến nghị của WHO - cũng có thể sẽ phải điều chỉnh các biện pháp kiểm soát y tế cộng đồng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến dịch COVID-19, kết quả một công trình nghiên cứu công bố ngày 6/7 trên tạp chí Hepatology của Mỹ cho thấy chứng viêm nhiễm có thể là một nguyên nhân khiến bệnh tình của các bệnh nhân trở nặng.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu tại Viện Cấy ghép MedStar Georgetown (MGTI) và Trung tâm Y khoa SUNY Downstate của Mỹ đã tiến hành phân tích hồ sơ bệnh án của 16 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Kết quả cho thấy tất cả các bệnh nhân đều có enzyme caspase-1 và protein IL-18 gây viêm, bằng chứng của phản ứng miễn dịch được gọi là thể gây viêm (inflammasome), dẫn tới suy giảm tế bào miễn dịch và hình thành một quá trình chết rụng tế bào gọi là pyroptosis.

Thể gây viêm là những phức hợp protein trong tế bào, đóng vai trò thiết lập nhanh các cơ chế miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Các bệnh lý mãn tính như béo phì, tiểu đường, bệnh gan, tăng huyết áp và bệnh tim đều có thể gây ra chứng viêm nhiễm.

Ngoài chứng viêm xuất hiện từ trước khi bệnh nhân mắc COVID-19, việc kích hoạt thể gây viêm cũng có thể gây ra tình trạng “viêm quá phát” và rối loạn miễn dịch khiến bệnh COVID-19 biến chứng nguy hiểm hơn.

Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu khác công bố trên trang medRxiv cho thấy chỉ một số ít bệnh nhân phù hợp với liệu pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương giàu kháng thể của người đã khỏi bệnh.

Theo các nhà khoa học, điều này cho thấy các bác sĩ có thể sẽ cần phải cân nhắc nhiều hơn với việc điều trị bằng huyết tương, theo đó chỉ nên sử dụng liệu pháp này với những người mới bắt đầu có triệu chứng.

Khoảng 50% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã xuất hiện triệu chứng từ hơn 10 ngày trước khi nhập viện. Với tỉ lệ kháng thể trung hòa cao khi nhập viện, việc sàng lọc kháng thể và ưu tiên điều trị bằng huyết tương cho những bệnh nhân mới khởi phát triệu chứng sẽ là chìa khóa để xác định liệu bệnh nhân đó có đáp ứng tốt với liệu pháp này hay không.

Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh các nhà nghiên cứu Hà Lan hôm 3/7 vừa qua cho biết đã dừng thử nghiệm huyết tương sau khi chỉ có 86 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia cuộc thử nghiệm do gần 80% được phát hiện đã có sẵn kháng thể trung hòa.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/241934/who-xem-xet-thu-ngo-ve-viec-virus-sars-cov-2-lay-truyen-qua-khong-khi.html