Windows 11 khiến máy tính của bạn có nguy cơ lạc hậu
Sự bất nhất của Microsoft khiến nhiều mẫu PC cấu hình cao cũng chưa chắc được nâng cấp lên Windows 11 và 'kẹt' lại ở Windows 10.
Hôm 24/6, Microsoft công bố hệ điều hành Windows 11. Đây là phiên bản kế nhiệm Windows 10 đã ra mắt từ 6 năm trước, với nhiều cải tiến đáng chú ý. Tuy nhiên, yêu cầu phần cứng rắc rối, không đồng nhất khiến nhiều người dùng, đặc biệt là đối tượng khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn nâng cấp lên phiên bản mới.
"Đây là thời điểm không phù hợp để mua máy tính chạy Windows, và mua Mac sẽ hợp lý hơn", cây viết công nghệ Adrian Kingsley-Hughes tại ZDnet nhận định.
Những cải tiến của Windows 11 khiến nhiều người dùng chú ý. Hệ điều hành mới mang phong cách hiện đại, tập trung vào trải nghiệm người dùng và hứa hẹn khả năng hỗ trợ đa nền tảng.
Bên cạnh đó, những bổ sung quan trọng như hỗ trợ cài đặt app Android, tối ưu hóa chơi game, đổi mới kho ứng dụng Windows Store cũng khiến nhiều người hào hứng nâng cấp máy tính của mình.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh với yêu cầu phần cứng để cài đặt hệ điều hành mới. Ở những phiên bản trước đây, đa số máy tính dễ dàng vượt qua cấu hình tổi thiểu. Trên Windows 11, ngay cả những máy tính mạnh mẽ cũng có nguy cơ không thể lên đời.
Yêu cầu khó hiểu, bất nhất
Sau khi giới thiệu Windows 11, Microsoft công bố yêu cầu phần cứng tối thiểu khá đơn giản, bao gồm CPU 64 bit lõi kép 1 GHz, RAM 4 GB, ổ cứng 64 GB và màn hình 9 inch HD.
Thoạt trông có vẻ nó không khác nhiều so với những lần ra mắt Windows trước đây, phần cứng tối thiểu ở mức thấp. Tuy nhiên, sau khi cập nhật công cụ kiểm tra yêu cầu phần cứng PC Health Check Tool, nhiều người bất ngờ nhận ra máy tính mạnh mẽ của mình lại không đủ điều kiện cài đặt Windows 11.
Nguyên nhân nằm ở một con chip bảo mật và bảng liệt kê cấu hình ban đầu sai.
Theo phiên bản gốc của công cụ, yêu cầu tối thiểu để cài đặt lên Windows 11 là máy tính có chip TPM 1.2 và CPU lõi kép 64 bit 1 GHz trở lên. Tuy nhiên, Microsoft sau đó đã sửa lại và yêu cầu tối thiểu máy tính phải có TPM 2.0, được trang bị trên CPU Intel Core thế hệ thứ 8 hoặc AMD Ryzen 2000.
Những vi xử lý này mới được ra mắt năm 2018. Đó là lý do nhiều máy tính với CPU cũ hơn, dù cấu hình cao đến đâu, cũng bị báo "không thể chạy Windows 11".
Một đại diện của Microsoft sau đó cũng đã xác nhận với The Verge rằng yêu cầu TPM 2.0 là chính xác. Phiên bản ban đầu, liệt kê TPM 1.2 chỉ là lỗi và đã được hãng sửa để tránh gây hiểu lầm cho khách hàng.
Chỉ ít ngày sau, Microsoft lại cho phép người dùng cài đặt Windows 11 Insider lên nhiều máy tính có cấu hình không thỏa mãn yêu cầu phần cứng và gỡ bỏ ứng dụng kiểm tra tính tương thích PC Health Check Tool.
Theo lý giải của Microsoft, họ yêu cầu thế hệ CPU mới và TPM 2.0 nhằm tăng cường khả năng bảo mật, mức độ tin cậy đối với người dùng, trong khi Windows 11 Insider có thể cài trên nhiều hệ thống khác nhau nhằm kiểm tra toàn diện hơn tính năng của hệ điều hành, giúp họ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến yêu cầu phần cứng tối thiểu.
Như vậy, chính Microsoft cũng chưa nhất quán về cấu hình cài đặt Windows 11, trong khi theo kế hoạch, chỉ vài tháng nữa hệ điều hành này đã đến tay người dùng.
Có cần mua máy tính mới?
Nếu Microsoft giữ nguyên yêu cầu phần cứng như hiện tại, nhiều người buộc phải nâng cấp máy tính mới để cài Windows 11, cho dù họ đang sở hữu thiết bị cấu hình cao và ra mắt cách đây chưa lâu.
Theo ý kiến của một số chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực công nghệ, không đáng để bỏ tiền mua linh kiện mới vì điều này.
Ngay cả đối với Surface Book của Microsoft, Windows 11 cũng là một lựa chọn ngoài tầm tay.
Michael Muchmore, chuyên gia phân tích phần mềm của PC Magazine.
Michael Muchmore, chuyên gia phân tích phần mềm có thâm niên hơn 20 năm của tạp chí PC Magazine (nay là trang web PCMag.com), cho rằng Microsoft không muốn tất cả người dùng nâng cấp lên Windows 11.
“Tôi đã thử (dùng PC Health Check Tool) trên 3 máy tính của mình, nó đều xác nhận có TPM 2.0, đang bật Secure Boot. Nhưng tất cả đều được thông báo không thể cài Windows 11 dù phần cứng vượt xa yêu cầu CPU 1 GHz, RAM 4 GB và bộ nhớ 64 GB. Ngay cả đối với Surface Book của Microsoft, Windows 11 cũng là một lựa chọn ngoài tầm tay", Michael Muchmore cho biết.
Theo ông, có vẻ Microsoft chỉ hướng đến máy tính đủ sức chạy tất cả tính năng mới mà họ thêm vào, như hỗ trợ DirectStorage khi chơi game và màn hình HDR cho Auto HDR mới. Nó không đáng để những người dùng thông thường bỏ tiền nâng cấp phần cứng nhằm “chiều ý” Windows 11. Bản thân Michael Muchmore cảm thấy “không có vấn đề gì” với tùy chọn tiếp tục ở lại với Windows 10.
Trên Computer World, bà Susan Bradley, tác giả quen thuộc trong chủ đề liên quan đến các nền tảng của Microsoft, đồng thời phụ trách quản lý nhóm máy chủ Windows, triển khai Microsoft 365, Azure tại công ty TSHB, cho rằng nếu máy tính vẫn đủ mạnh để hoạt động trong 4 năm tới thì không cần nâng cấp lên Windows 11.
Theo bà, từ nay đến 2025, Microsoft tiếp tục cập nhật, phát hành bản vá cho Windows 10 như cam kết. Susan Bradley sẵn sàng thay ổ SSD để máy hoạt động nhanh hơn, nâng cấp TPM 2.0, tuy nhiên, thay CPU lại là vấn đề khác.
Vi xử lý mới hơn đòi hỏi bo mạch chủ tương thích, như vậy nhiều khả năng phải nâng cấp cả 2. Đặc biệt là trong trường hợp công ty sử dụng máy tính để bàn dành cho doanh nghiệp đã được tân trang, việc nâng cấp càng khó khăn hơn.
“Điểm mấu chốt là đánh giá lại máy tính của bạn, xem những thành phần nào có thể thay đổi để đáp ứng Windows 11”, Susan Bradley khuyến nghị.
Biên tập viên công nghệ của ZDNet, Jason Perlow, cảm thấy “thất vọng ngay từ đầu” khi không nhận được câu trả lời dứt khoát về yêu cầu phần cứng từ Microsoft.
Tuy nhiên, ông cho rằng hãng không hỗ trợ CPU cũ vì vấn đề ảo hóa dựa trên phần cứng. Tính năng này giúp cho máy tính an toàn hơn trước những nguy cơ bảo mật hiện nay, kể cả đối với doanh nghiệp và người dùng cuối.
Do đó, nếu xem trọng vấn đề an toàn trong quá trình sử dụng máy tính, người dùng nên bỏ tiền để nâng cấp.
Đã đến lúc mua máy tính… Mac
Cũng trên ZDNet, tác giả Adrian Kingsley-Hughes nghĩ rằng Windows 11 đã cho người dùng lý do hoàn hảo để mua máy tính Mac.
“Hôm nay bạn có thể ra ngoài, bỏ gần 5.000 USD để mua Microsoft Surface Studio 2 và nhận ra không thể nâng cấp Windows 11 trong vài tháng tới”, Adrian giải thích.
“Windows 11 sẽ tạo ra ranh giới, loại bỏ hoàn toàn các CPU cũ và biến TPM thành một yêu cầu bắt buộc", tác giả này nhận định.
Do đó, thông tin phần cứng tối thiểu CPU 64 bit lõi kép 1 GHz, RAM 4 GB, ổ cứng 64 GB và màn hình 9 inch HD mà hãng khuyến cáo không mang ý nghĩa gì cả.
Với sự bất nhất này, rõ ràng đây không phải là thời điểm tốt để mua máy tính chạy Windows.
Trong khi đó, Apple đã công bố yêu cầu hệ thống chính xác cho macOS Monterey sắp xuất hiện trên thị trường vào dịp cuối năm. Người dùng có thể tự tin mua thiết bị mới hoặc máy đã qua sử dụng.
Giá cả phần cứng của Apple luôn được xem là đắt hơn so với máy tính chạy Windows. Đổi lại, Táo khuyết đã xây dựng một hệ sinh thái ổn định, hỗ trợ lâu dài. Ngay cả những thiết bị ra đời từ năm 2013 (Mac Pro) hoặc 2014 (Mac Mini) cũng có thể nâng cấp lên macOS Monterey.
Ngoài ra, tại thời điểm này, việc mua một máy tính đáp ứng yêu cầu của Windows 11 cũng không rẻ.
Microsoft và các nhà sản xuất máy tính Windows muốn bán thiết bị mới thay vì để người dùng duy trì PC cũ trong nhiều năm. Ngược lại, Apple tập trung nhiều hơn vào việc kinh doanh nội dung và dịch vụ kỹ thuật số.