Wiz từ chối thương vụ M&A kỷ lục của Alphabet
Động thái này chấm dứt một kế hoạch lẽ ra là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử của Alphabet.
Trong thông báo ngày 23/7, Wiz từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 23 tỷ USD của Alphabet, thay vào đó startup này lựa chọn theo đuổi con đường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), theo CNBC.
Nhà đồng sáng lập Wiz Assaf Rappaport cho biết, công ty sẽ tiến hành IPO thay vì đồng ý thỏa thuận với Alphabet. “Mặc dù cảm thấy rất vinh dự trước những lời đề nghị đã nhận được nhưng chúng tôi lựa chọn tiếp tục con đường xây dựng Wiz theo tầm nhìn của mình,” ông Rappaport chia sẻ.
Wiz đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy công ty đang đặt cược vào khả năng tự tăng trưởng và phát triển bền vững, không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như mua lại hay sáp nhập.
Giới chuyên gia nhận định, quyết định từ chối lời đề nghị “béo bở” của Alphabet là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Wiz đang tự tin vào con đường phát triển độc lập. Ban lãnh đạo của Wiz cho rằng, IPO sẽ cho phép Wiz giữ quyền kiểm soát tương lai của công ty, đồng thời cung cấp nguồn vốn cần thiết để thúc đẩy đổi mới và mở rộng hơn nữa mà không ảnh hưởng đến tầm nhìn của công ty.
Wiz được thành lập vào tháng 3/2020, cung cấp nhiều giải pháp an ninh mạng dựa trên đám mây, với khả năng phát hiện và phản hồi mối đe dọa theo thời gian thực, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Trong vòng chưa đầy một năm, giá trị của startup này đã đạt mức 1,7 tỷ USD và nhanh chóng nhận được nhiều khoản đầu tư từ những công ty bao gồm Salesforce, Blackstone và Algae. Chính những điều này đã đưa Wiz trở thành một trong những công ty khởi nghiệp phát triển nhanh nhất vào thời điểm đó.
Năm 2023 doanh thu của Wiz đạt khoảng 350 triệu USD và đã hợp tác với hầu hết các ông lớn như Microsoft, Amazon và các công ty như Morgan Stanley, DocuSign...Vào tháng 5/2024, Wiz đã huy động được 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, điều hiếm hoi với các công ty ngoài lĩnh vực AI, giúp công ty này được định giá ở mức 12 tỷ USD.
Do đó, thỏa thuận giữa Alphabet và Wiz có thể giúp nâng Alphabet lên vị thế tốt hơn để cạnh tranh với các tên tuổi lớn khác như Microsoft và Amazon. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý chống độc quyền tại Mỹ đang ngày càng để tâm nhiều hơn đến các giao dịch của công ty công nghệ lớn. Đây được xem là một trong những lý do khiến Wiz từ bỏ thỏa thuận, theo CNBC.
Với sự giám sát ngày càng tăng trong các vụ mua lại của các công ty công nghệ lớn, đặc biệt khi liên quan đến các doanh nghiệp đứng đầu thị trường như Alphabet, thỏa thuận này có thể phải đối mặt với vô số khó khăn và thách thức đáng kể từ các nhà chức trách.
Alphabet hiện đang vướng vào nhiều vụ kiện với Bộ Tư pháp Mỹ, trong đó cáo buộc công ty lạm dụng vị thế thống trị của mình trong tìm kiếm và quảng cáo kỹ thuật số.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/wiz-tu-choi-thuong-vu-ma-ky-luc-cua-alphabet-31579.html