'Wonder Woman 1984' - nâng tầm nữ quyền hay chà đạp phái mạnh?

Một số cây bút quốc tế cho rằng sự trở lại của Steve Trevor (Chris Pine) được thể hiện vụng về y như cách 'Wonder Woman 1984' nhìn nhận bức tranh chính trị thế giới.

So với các tác phẩm trong Vũ trụ DC mở rộng (DCEU), Wonder Woman 1984 cố gắng tỏ ra là một bộ phim nhẹ nhàng, vui vẻ, với thông điệp đạo lý dễ hiểu.

Trong đó, sự trở lại của nhân vật Steve Trevor (Chris Pine) đóng vai trò thuần túy là phương tiện cho câu chuyện tình của Diana Prince (Gal Gadot), dẫn đến bài học về việc chấp nhận sự mất mát. Tuy nhiên, bản thân chuyện làm thế nào Steve hồi sinh làm dấy lên hàng loạt vấn đề mà bộ phim đã bỏ ngỏ, không (thể) trả lời.

Màn hồi sinh khó hiểu

Trong Wonder Woman 1984, Diana Prince đã sống nhiều năm sau khi Steve Trevor hy sinh cùng nỗi đau buồn. Cô vẫn giữ những kỷ vật liên quan đến anh. Tình tiết cho thấy nữ thần chiến binh không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ về chàng phi công xấu số.

Tuy nhiên, khi Diana ước rằng người yêu quay trở lại bằng viên đá ước (Dreamstone), Steve Trevor đã thực sự sống lại.

 Steve Trevor có màn hồi sinh gây tranh cãi trong Wonder Woman 1984. Ảnh: Warner Bros.

Steve Trevor có màn hồi sinh gây tranh cãi trong Wonder Woman 1984. Ảnh: Warner Bros.

Vấn đề là chàng phi công trở lại trong hình hài một người đàn ông khác. Chỉ có Diana mới nhận ra Steve Trevor đằng sau khuôn mặt và cơ thể xa lạ kia. Phim chỉ gọi anh này là “Chàng đẹp trai” (Handsome man) và không giải thích gì thêm.

Trong suốt khoảng thời gian Steve Trevor hồi sinh, con người thật của “Chàng đẹp trai” đã đi đâu? Liệu Trevor kiểm soát cơ thể, hay anh chàng vô danh kia đã “chết lâm sàng” trong thời gian đó? Hay anh ấy vẫn còn ý thức được rằng cơ thể mình bị chiếm hữu bởi một người khác?

Khán giả không thể nào biết được đáp án.

Điều khán giả biết là nữ thần chiến binh đã ôm hôn, (có thể đã) làm tình và dắt anh này bay sang tận Ai Cập để dấn thân vào hàng loạt chuyến du hành mạo hiểm mà không có sự đồng thuận của “chủ thớt”. Mặc định người tay trong tay với mình là Steve, Diana Prince hồn nhiên bảo với cơ thể của “Chàng đẹp trai” rằng: “Em chỉ nhìn thấy Steve Trevor mà thôi”.

Khái niệm về sự đồng thuận không có giới tính

Sự đồng thuận (consent) dùng để chỉ sự cho phép trước khi thực hiện hành vi nào đó. Trong những năm gần đây, cụm từ thường được sử dụng để đánh giá các hành động của nam giới với nữ giới.

Định nghĩa về hiếp dâm là hành động tấn công tình dục trái với sự đồng thuận của người khác. Do đặc điểm lịch sử, văn hóa, nhiều người mặc định việc đồng ý và chấp nhận là của nữ giới, mà quên mất rằng đây là khái niệm không có giới tính. Nam giới cũng có thể bị tấn công, bị áp chế, và hoàn toàn có quyền bày tỏ sự đồng thuận của bản thân.

 Kristoffer Polaha - nam diễn viên thủ vai “Chàng đẹp trai” trong Wonder Woman 1984. Ảnh: Outnow.

Kristoffer Polaha - nam diễn viên thủ vai “Chàng đẹp trai” trong Wonder Woman 1984. Ảnh: Outnow.

Trở lại Wonder Woman 1984, viên đá ước đã cho thấy quyền năng dường như vô hạn. Nó có thể thay đổi lịch sử, tạo ra một bức tường khổng lồ từ hư vô, biến hóa con người của Barbara Minerva, nhưng cớ sao lại để Steve Trevor quay lại một cách “cồng kềnh” như thế?

Khán giả đang theo dõi bộ phim về một cô gái á thần dường như bất tử, có sức mạnh vô địch, từng đánh bại một vị thần, một bộ phim giả tưởng bất cần logic mà? Có nhiều cách khác đơn giản hơn, chẳng hạn như cứ thế để Steve Trevor bỗng từ đâu xuất hiện. Hoặc, chàng phi công có thể bằng cách thần kỳ nào đó rơi vào một lỗ hổng thời gian và trở lại.

Nữ đạo diễn Patty Jenkins có lẽ không muốn thế, hoặc có thể số phận của “Chàng đẹp trai” quá nhỏ nhoi khi đứng cạnh vai trò của Wonder Woman hay Steve Trevor. Họ dắt nhau vào căn hộ của anh ấy - một người đàn ông bị tước đi cuộc sống, để một phụ nữ có thể sống với bạn trai đã qua đời của cô ấy.

Họ sinh hoạt ở đó, thử mặc quần áo của anh, chê cười những lựa chọn trang phục, rồi tới Ai Cập - nơi mà cơ thể bằng xương bằng thịt của “Chàng đẹp trai” đứng trước hiểm nguy từ súng đạn và bom nổ.

Để rồi đến cuối cùng, khi Steve Trevor cố gắng thuyết phục Diana Prince từ bỏ điều ước của cô, lý lẽ chàng phi công đưa ra là anh đã hạnh phúc đủ rồi và muốn trở lại thiên đường. Wonder Woman thì quan tâm đến việc lấy lại sức mạnh để đánh “trùm cuối”. Không một ai nghĩ đến người đàn ông tội nghiệp mà cả tâm hồn và thể xác đã bị tước đoạt suốt quãng thời gian trước đó.

Đàn ông phải cảm thấy ổn?

Khoảnh khắc Diana Prince quay đi, “Chàng đẹp trai” trở lại với cơ thể. Anh cảm thấy mơ hồ, cơ thể mình trở nên xa lạ, thời gian của bản thân đã bị ai đó lấy mất. Anh có thể tức giận bởi không bao giờ biết được chuyện gì đã xảy ra, rồi sống tiếp cuộc đời với nỗi giận dữ âm ỉ về một phần cuộc đời đã bị xâm phạm. Đó phải chăng là câu chuyện của những nạn nhân cưỡng bức?

Đừng lo lắng, Wonder Woman 1984 an ủi khán giả bằng việc xây dựng nhân vật nam “tự tin đầy sức sống”, cho thấy anh chẳng hề bị ảnh hưởng bởi những chuyện đã xảy ra. Họ là đàn ông, họ ổn. Họ phải cảm thấy ổn.

“Chàng đẹp trai” chẳng nhớ gì cả, nhưng Wonder Woman thì không quên. Nàng nhìn anh thật lâu và khen bộ đồ của anh - bộ duy nhất Steve Trevor mặc lên mà cô cảm thấy vừa mắt. Cô làm tất cả điều đó trước sự vô tư của nhân vật nam mà bộ phim thậm chí còn chẳng buồn đặt tên.

 Cho đến sau cùng, số phận của "Chàng đẹp trai" hoàn toàn bị gạt sang một bên. Ảnh: Warner Bros.

Cho đến sau cùng, số phận của "Chàng đẹp trai" hoàn toàn bị gạt sang một bên. Ảnh: Warner Bros.

Hãy để ý đến cách Wonder Woman 1984 đối xử với Barbara Minerva (Kristen Wiig). Khi nhân vật này bị tấn công bởi một gã say, Diana Prince xuất hiện và đá tên kia bay sang bên đường. Biến cố gây ảnh hưởng nặng nề tới Barbara, trở thành một trong những lý do chính khiến cô cảm thấy mình yếu đuối, cũng như thổi bùng lên khao khát được trở nên mạnh mẽ như Wonder Woman.

Bộ phim ám chỉ rằng quấy rối tình dục và sự nam tính độc hại đã biến những nạn nhân phụ nữ trở thành “thú săn mồi”. Khi Barbara có được sức mạnh và tiếp tục bị quấy rối, chính cô đã đập cho kẻ tấn công một trận chết đi sống lại.

Trong khi đó, cơ thể của “Chàng đẹp trai” được sử dụng mà không có sự đồng thuận của anh. Chuyện gì đã xảy ra? Không gì cả! Anh ấy hoàn toàn ổn và quay trở lại đón Giáng sinh đầy vui vẻ.

Thử lật ngược câu chuyện, khán giả có một siêu anh hùng phái mạnh nhìn thấy bạn gái đã qua đời trong hình hài cô gái vô danh nào đó (tạm gọi là “Cô nàng nóng bỏng”), rồi họ trải qua đủ thứ chuyện mà một đôi tình nhân vẫn làm. Liệu ai dám chiếu bộ phim đó trên màn ảnh?

Người ta cứ nói Wonder Woman 1984 không “dark deep”. Nhưng tác phẩm có lẽ còn đen tối hơn cả phim của Zack Snyder.

Như Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/wonder-woman-1984-nang-tam-nu-quyen-hay-cha-dap-phai-manh-post1168404.html