'Workcation' xu hướng mới của giới trẻ chán 'cắm rễ' văn phòng
Trong bối cảnh giới trẻ chán nản khi suốt ngày phải bó chặt thời gian của mình tại văn phòng, nơi xung quanh chỉ có giấy tờ và bê tông thì những chuyến 'Workcation' ngày càng được quan tâm và trở thành xu hướng mới.
Workcation là gì?
Ngày nay với sự vận động không ngừng nghỉ các mô hình việc làm thì những công việc cố định tại công sở đang khiến giới trẻ tỏ ra vô cùng nhàm chán. Họ không muốn bó chặt mình vào thời gian cứng tại văn phòng nơi xung quanh chỉ có giấy tờ và bê tông.
Thay vào đó, họ muốn có những chuyến đi để đổi mới không khí cũng như không gian làm việc. Từ đó xu hướng "workcation" (kết hợp 'Work' - làm việc và 'Vacation' - kỳ nghỉ) ra đời và được nhiều bạn trẻ hào hứng tham gia.
Workcation dần trở thành xu thế của giới trẻ.
Trên thực tế, "workcation" không còn là trào lưu xa lạ, tuy nhiên ngày càng được quan tâm từ khi đại dịch bùng phát và các mô hình khoán công việc trở nên thịnh hành.
Theo khảo sát của BBC trên 1000 nhân viên tại Mỹ, 85% cho biết đã duy trì "workcation" từ năm 2021. 80% trong số đó nhận thấy cách làm việc này thúc đẩy năng suất và sự sáng tạo, đồng thời giúp họ đối phó với các căng thẳng liên quan đến công việc.
Còn tại việc Việt Nam, khảo sát của trang web chuyên đặt nơi nghỉ cho các chuyến du lịch đưa ra số liệu vào năm 2021, trên 20.000 du khách từ 28 quốc gia, bao gồm 500 người Việt, cho thấy 52% cân nhắc đặt chỗ nghỉ phù hợp cho làm việc từ xa.
Đi Workcation sao cho hợp lý?
Chi phí cho những chuyến Workcation cũng là lưu ý cho các bạn trẻ.
Cũng giống như nhiều loại hình du lịch khác, người trẻ tham gia xu hướng Workcation cũng sẽ quan tâm rất nhiều đến chi phí. Theo đó, nhiều người thường sẽ chỉ chọn những homestay với mức giá bình dân tầm 300.000 đồng - 500.000 đồng/ đêm để làm nơi lưu trú. Thêm nữa, nếu điểm lưu trú nào có có thêm không gian sinh hoạt chung như bếp, sân vườn để có thể tự phục vụ ăn uống sẽ là 1 điểm cộng.
Bên cạnh đó những chuyến Workcation thường sẽ được chọn vào khung thời gian trong tuần nên chi phí đặt phòng cũng rẻ hơn. Bởi dịp cuối tuần, các cơ sở lưu trú sẽ thu thêm các khoản phụ phí extra cho ngày nghỉ. Vậy nên các bạn trẻ cũng có thể cân nhắc cho phù hợp với túi tiền của mình.
Nếu như có khoản chi dư giả hơn, các bạn trẻ có thể lựa chọn các resort để làm điểm đến cho kỳ Workcation của mình. Mới nhìn vào tưởng chừng các resort sẽ là nơi đắt đỏ nhưng chúng lại vô cùng tiện lợi khi được miễn phí bữa sáng. Đặc biệt, khi chọn hình thức lưu trú này, sẽ ít phải di chuyển, thăm quan và từ đó cũng giảm thiểu chi phí tiền xăng xe hoặc trải nghiệm các dịch vụ du lịch khác.
Du lịch nhưng vẫn ưu tiên công việc
Việc kết hợp giữa du lịch và đi làm nói thì tưởng dễ nhưng làm ra sao lại khá khó. Trong đó, sự chuẩn bị, lên kế hoạch là tối quan trọng để hoạt động cá nhân không làm ảnh hưởng đến công việc chung tại cơ quan.
Dù là du lịch nhưng công việc trong những chuyến Workcation vẫn được đặt lên hàng đầu.
Chia sẻ với PV, bạn Tracy Nguyễn (27 tuổi, nhân viên marketing tại TP HCM) cho hay: "Trước khi lên kế hoạch cho chuyến Workcation của mình, tôi phải thông báo với người quản lý trực tiếp, xin họp và làm việc online. Chưa kể những công việc offline đột xuất, tôi phải nhờ đồng nghiệp làm giùm".
Công việc mở đầu là thế, đến khi bước vào chuyến đi, Tracy Nguyễn còn phải chuyển bị khá nhiều dụng cụ thông minh để phục vụ cho công việc. Cụ thể, nữ nhân viên marketing này cho biết thêm: "Trong suốt chuyến đi, ngoài chiếc laptop, sạc dự phòng, bộ phát Wi-Fi và tai nghe kết nối Bluetooth cũng là vật bất ly thân của tôi. Không phải nơi nào cũng có kết nối Internet ổn định, tôi không muốn mình rơi vào tình huống bị động".
Dẫu biết rằng việc mang thiết bị thông minh để phục vụ công việc trong suốt chuyến đi khá mệt mỏi nhưng dẫu sao mục đích của nó vẫn là Workcation và công việc sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Tin bài liên quan
Trending now: “Xuyên không” về năm 2000 tóc sư tử, teen code... đỉnh cao
Danh tính gái xinh làm sống lại trào lưu ký ức thời Yahoo