World Cup 1994: Giọt nước mắt của 'đuôi ngựa thần thánh'

VCK World Cup 1994 chứng kiến nỗi buồn khôn nguôi của 'đuôi ngựa thần thánh' Roberto Baggio khi anh đá hỏng phạt đền ở trận chung kết giữa Italia vs Brazil.

Giọt nước mắt của Baggio
Tại World Cup 1994, Baggio là người hùng của ĐT Italia khi gần như một tay đưa đội bóng vào chung kết với 5 bàn thắng sau 3 trận knock-out với Nigeria, Tây Ban Nha, Bulgaria.

Anh tới Mỹ với hành trang là đương kim quả bóng vàng châu Âu. ĐT Italia khi đó có nòng cốt là những cầu thủ AC Milan vừa lên ngôi vô địch Champions League nên đoàn quân của Arrigo Sacchi tự tin có thể bước lên bục cao nhất.

Ở trận chung kết, Italia và Brazil cầm hòa nhau không bàn thắng trong thời gian thi đấu chính thức. Lượt sút đầu tiên Marcio Santos bên phía Brazil và Baresi phía Italia đều sút hỏng. Romario, Branco và Dunga sút thành công bên phía Brazil trong ba lượt sau đó, trong khi Daniele Massaro sút hỏng ở lượt thứ tư của Italia.

Điều ấy đặt trách nhiệm lên vai của Baggio, nếu anh sút hỏng, Italia sẽ mất cúp vàng. Không nhiều người Italia nghĩ điều ấy có thể có xảy ra. Baggio là chuyên gia sút phạt đền tại Venezia, Fiorentina và Juventus.

Chính Baggio thừa nhận sau này rằng trước khi bước lên chấm 11 m sút cú sút quyết định tại Pasadena, anh mới chỉ sút hỏng phạt đền đúng một lần, khi còn chơi tại giải trẻ. Song như tất cả đều đã biết, Baggio sút lên trời và, Brazil vô địch.

Cầu thủ có biệt danh "đuôi ngựa thần thánh" như chết lặng ở trên sân, hai tay chống hông, cúi đầu bất lực trong khi các cầu thủ Brazil ăn mừng chức vô địch. Từ người hùng, Baggio trở thành tội đồ của cả đất nước Italia.

Brazil lên ngôi theo cách khác biệt
Brazil đã có sự "biến hình" ở World Cup 1994. Từ đội bóng nổi tiếng với lối chơi tấn công rực rỡ, Selecao bỗng trở thành đội tuyển phòng ngự. Họ bố trí nhiều tiền vệ xu hướng phòng thủ và giàu tính chiến đấu hơn là biểu diễn. Họ bước vào trận chung kết với 3 chiến thắng với cách biệt một bàn. Tới trận chung kết, Italia và Brazil đã trình diễn trận đấu tẻ nhạt, với tỷ số hòa 0-0.

Cuối cùng, Brazil đã lên ngôi sau chiến thắng ở loạt sút luân lưu, khi Roberto Baggio đá hỏng quả luân lưu cuối cùng của Italy. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm, Brazil mới trở lại ngôi cao nhất bóng đá thế giới.

Công thủ toàn diện là những gì đội hình Brazil vô địch World Cup 1994 đã cho chúng ta thấy. Selecao lúc đó có tinh thần kỷ luật cực kì cao, rất ít khi cho đối thủ đưa bóng qua được hàng phòng ngự.

Một khi đối thủ mắc sai lầm đội tuyển Brazil luôn tận dụng nó một cách triệt để. Nếu thủ môn đối phương đã bắt trượt bóng, thì đội tuyển Brazil luôn biết cách tận dụng lợi thế để đưa bóng vào khung thành.

Độ ăn ý của đội hình Brazil vô địch World cup 1994 cũng là một điều rất quan trọng làm nên chiến thắng của đội bóng này. Những pha chuyền bóng từ giữa sân luôn chạm đến được hàng tiền đạo đã đứng chờ sẵn sát bên khung thành thủ môn.

Đội hình của ĐT Brazil khi đó có rất nhiều nhân tố nổi bật như thủ thành Cláudio Taffarel, hậu vệ Branco, tiền vệ đội trưởng Dunga hay căp tiền đạo lừng danh Romario - Bebeto.

Selecao đăng quang một cách xứng đáng khi chấp nhận thay đổi phong cách chơi bóng đặc trưng của mình. Đó cũng là lần hiếm hoi Brazil thi đấu như một đội bóng thực dụng và thành công.

Bi kịch của Maradona và Escobar
Giải đấu này chứng kiến sự tàn lụi của huyền thoại Diego Maradona. Sau màn ăn mừng kiểu hít thuốc phiện ở trận gặp Hy Lạp, Diego Maradona đã lọt vào tầm ngắm của FIFA. Sau lượt đấu thứ 2 với Nigeria, ông đã bị đưa đi kiểm tra. Cuối cùng, Cậu bé vàng đã dương tính với ma túy.

Ông bị loại khỏi World Cup khi mà vòng bảng chưa kết thúc. Sau đó, Maradona đã bị cấm thi đấu. Sau này, tờ Telegraph còn tiết lộ chi tiết đáng chú ý, khi "Cậu bé vàng" đã làm quen với "làn khói trắng" từ 11 năm trước. Có nghĩa rằng, ông đã chơi ma túy ở giải đấu thăng hoa nhất sự nghiệp, World Cup 1986.

Bi kịch của Maradona chưa phải là đỉnh điểm. Andres Escobar đã bị bắn chết ở quê nhà sau khi khiến Colombia bị loại (vì bàn thắng phản lưới nhà trong trận đấu với Mỹ). Với những kẻ quá khích, hành động của Andres Escobar chẳng khác gì phản quốc. Sự phẫn nộ còn tăng thêm khi Colombia (khi ấy là ứng cử viên vô địch) đã bị loại ngay từ vòng bảng.

Tới tận bây giờ, cái chết của Andres Escobar vẫn là vết nhơ không thể gột rửa. Nó là bi kịch lớn nhất trong lịch sử World Cup. Bi kịch hơn khi sau này, kẻ giết hậu vệ người Colombia chỉ bị đi tù 11 năm.

Giải đấu đáng nhớ của người Mỹ
FIFA đã quyết định trao quyền đăng cai World Cup 1994 cho Mỹ, đất nước vốn được xem là "vùng sâu, vùng xa" trên bản đồ bóng đá thế giới ở thời điểm ấy. Quả thực, quyết định này đã mang tới nhiều dấu hiệu tích cực.

Sự hiếu kỳ của những khán giả Mỹ (những người vốn quen với bóng bầu dục) đã tạo ra số lượng khán giả kỷ lục. Trung bình mỗi trận đấu, những SVĐ ở Mỹ có tới 69.000 người tới theo dõi. Tổng số khán giả theo dõi giải đấu lên tới 3,6 triệu người.

Người Mỹ cũng đã cho thấy sự chuyên nghiệp khi tổ chức kỳ World Cup hoành tráng bậc nhất trong lịch sử bóng đá. Lần đầu tiên, những người hâm mộ được thấy giải đấu toàn cầu hóa tới vậy bởi cách làm truyền thông quá tốt.

Bên cạnh đó, World Cup 1994 cũng là giải đấu đầu tiên, FIFA quyết định tính 3 điểm cho một trận thắng để làm tăng sự hấp dẫn.

Đăng Nguyên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/world-cup-1994-giot-nuoc-mat-cua-duoi-ngua-than-thanh-a580334.html