WORLD CUP 2022: Chiến thuật đá phạt góc hiệu quả của đội tuyển Anh

Bốn năm trước tại Nga, đội tuyển Anh là một trong số những đội tận dụng phạt góc hiệu quả. Và ở Qatar năm nay, Anh lại cho thấy sự nguy hiểm trong việc tận dụng những tình huống cố định này.

Hậu vệ Luke Shaw (phải, đội tuyển Anh) tranh bóng với Sadegh Moharrami (trái), đội Iran. Ảnh: THX/TTXVN

Hậu vệ Luke Shaw (phải, đội tuyển Anh) tranh bóng với Sadegh Moharrami (trái), đội Iran. Ảnh: THX/TTXVN

Tờ Telegraph cho rằng đây sẽ là một chìa khóa quan trọng trong thành công của tuyển Anh ở World Cup năm nay.

World Cup 2018, đội tuyển Anh thường dàn xếp phạt góc theo kiểu “đoàn tàu tình yêu”, gồm nhiều cầu thủ to cao xếp thành một hàng dọc trong vòng cấm, và sau đó tỏa ra các hướng khác nhau để dứt điểm.

Chiến thuật này giúp các trung vệ của Anh như John Stones và Harry Maguire đều ghi bàn thắng trong hành trình tiến vào bán kết.

Trong trận đấu gặp Iran hôm 21/11, dù không còn dàn xếp như năm 2018, Anh vẫn khiến hệ thống phòng ngự của Iran gặp rất nhiều khó khăn trong các tình huống kèm phạt góc. Dù không còn xếp theo hàng dọc, nhưng Anh chia cầu thủ trong vòng cấm của Iran thành 2 nhóm riêng biệt.

Nhóm đầu tiên gồm Raheem Sterling có nhiệm vụ xao nhãng thủ môn của Iran, ở trong vòng 5m50 là Harry Kane và Declan Rice. Nhóm còn lại gồm Maguire, Stones và Bukayo Saka đứng ở rìa khu vực cấm địa, tạo ra một khoảng trống ở khu vực xung quanh chấm penalty.

Việc sắp xếp này tạo điều kiện cho các trung vệ của Anh lao lên chiếm lĩnh khoảng trống nói trên. Tam Sư dễ dàng làm được điều đó nhờ thể hình cao to và khả năng không chiến tốt của các trung vệ Stones và Maguire Một khi chiếm lĩnh được không gian, Stones hoặc Maguire có nhiều lựa chọn như dứt điểm thẳng hoặc làm tường. Bàn thắng thứ 2 của Anh được ghi theo kịch bản Maguire đánh đầu trả lại cho Saka dứt điểm.

Nhìn chung, cách dàn xếp này giúp Anh tận dụng điểm mạnh của các cầu thủ. Saka là cầu thủ có thể dứt điểm tốt, trong khi Kane và Rice khiến Iran buộc phải dùng những trung vệ tốt nhất để theo kèm trong vòng 5m50. Maguire và Stones sẽ tranh chấp với các tiền đạo của Iran và nhờ thể hình, cặp đôi trung vệ của Anh có lợi thế lớn.

Cách đá phạt góc này còn được Anh thực hiện thêm một lần nữa vào cuối hiệp 1. Lần này Anh thay đổi một chút, khi trong vòng 5m50 gồm 2 cầu thủ, trong khi nhóm bên ngoài gồm 4 người. Đáng tiếc Anh không thể tận dụng được tình huống này.

Tờ Telegraph kết luận rằng điểm tích cực ở đội tuyển Anh là ngoài việc lối chơi của họ trước Iran có nhiều điểm sáng, thầy trò ông Gareth Southgate còn tận dụng rất tốt các tình huống cố định. Đây sẽ là một bài tấn công quan trọng cho đội tuyển Anh, khi càng vào sâu World Cup 2022, các đội càng chơi chặt chẽ và kỷ luật./.

Tiến Thành/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/world-cup-2022-chien-thuat-da-phat-goc-hieu-qua-cua-doi-tuyen-anh/269621.html