World Cup 2022: Hành động dọn rác của CĐV Nhật xuất phát từ tư duy giáo dục tích cực và trách nhiệm cao

Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giám đốc điều hành Trung tâm giáo dục trải nghiệm và đào tạo kỹ năng ANGEL cho rằng, hành động 'nhặt rác và dọn dẹp' của cầu thủ và cổ động viên Nhật Bản tại World Cup 2022 phải xuất phát từ một tư duy giáo dục tích cực và trách nhiệm.

Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh cho rằng, hành động “nhặt rác và dọn dẹp” của cầu thủ và cổ động viên Nhật Bản tại World Cup 2022 phải xuất phát từ một tư duy giáo dục tích cực. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh cho rằng, hành động “nhặt rác và dọn dẹp” của cầu thủ và cổ động viên Nhật Bản tại World Cup 2022 phải xuất phát từ một tư duy giáo dục tích cực. (Ảnh: NVCC)

Vừa qua, sau chiến thắng của đội tuyển Nhật Bản trước tuyển Đức tại World Cup 2022, người hâm mộ thế giới ngạc nhiên trước những hành động của các cổ động viên Nhật ở Qatar vì đã thu gom rác trên khán đài, còn các cầu thủ Nhật thì dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, ông nghĩ gì về tư duy giáo dục tác động đến những hành động đẹp này?

Giáo dục là một phương diện quan trọng trong cuộc sống, song về phương pháp giáo dục sẽ khác nhau trong mỗi gia đình, nhà trường và đất nước.

Xét thấy đất nước Nhật Bản, cụ thể là cổ động viên và đội tuyển Nhật vừa qua đã có một hành động đẹp tại World Cup 2022, sau chiến thắng trước đội tuyển Đức. Hành động “nhặt rác và dọn dẹp”, phải xuất phát từ một tư duy giáo dục tích cực và trách nhiệm, một lối sống văn minh, thể hiện từ việc được giáo dục và làm gương mà có được.

Thực tế, học sinh Nhật Bản có truyền thống dọn dẹp trường và lớp từ bé. Đó cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với những người, những đồ vật giúp ích cho việc học tập. Hơn hết, thông qua việc dọn dẹp trường lớp cũng là cách dạy trẻ chịu trách nhiệm, thể hiện sự tôn trọng, hiểu được giá trị của môi trường xung quanh thế nào?

Học sinh Nhật được giáo dục tính kỷ luật, sống tự lập và trách nhiệm từ những năm đầu tiểu học. Việc dọn dẹp và gọn gàng sau khi sử dụng, giúp học sinh phát triển tính liên đới, suy nghĩ không chỉ cho mình mà còn cho người khác, biết sống vì người khác.

Giáo dục sống kỷ luật sẽ giúp học sinh tăng cường việc thực hiện các mục tiêu hiệu quả, giảm sự trì hoãn. Đồng thời, giáo dục sống tự lập giúp học sinh phát triển cách quản trị cuộc đời, biết cách chăm sóc bản thân. Từ đó, các em cũng sẽ biết chăm lo cho người thân và giúp đỡ người khác khi cần.

Như vậy, việc giáo dục học sinh sống trách nhiệm, có kỷ luật sẽ giúp các em sống và làm việc nghiêm túc, tránh đổ lỗi, thể hiện lòng biết ơn cao với những gì mình đã có và đang có. Học sinh Nhật Bản có được những điều này, theo tôi phải là sự giáo dục đồng bộ từ cả "ba chân kiềng": nhà trường, gia đình và xã hội.

Giáo dục đóng vai trò thế nào trong việc hình thành nhân cách cũng như kỹ năng sống của trẻ, thưa ông?

Giáo dục là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt, quan trọng trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng sống của trẻ. Nhân cách của trẻ ảnh hưởng rất nhiều từ phía giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

Giáo dục có giá trị định hướng sự hình thành phát triển nhân cách, có thể mang lại những tiến bộ mà các yếu tố khác như bẩm sinh – di truyền không thể có được. Tuy nhiên, cũng không nên phó thác hoàn toàn vào cho giáo dục đối với sự hình thành nhân cách.

Ngoài giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội, mỗi cá nhân phải tự giáo dục, tự rèn luyện và tự hoàn thiện nhân cách của bản thân. Kỹ năng sống được giáo dục, nhưng đồng thời mỗi cá nhân phải tự biết rèn luyện mỗi ngày, vận dụng thường xuyên thì mới có được.

 Cổ động viên Nhật Bản dọn rác sau trận đấu tại World Cup 2022. (Nguồn: Reuters)

Cổ động viên Nhật Bản dọn rác sau trận đấu tại World Cup 2022. (Nguồn: Reuters)

Việc ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật vì thế đã trở thành một giá trị, một sức mạnh mềm của Nhật Bản. Theo ông thì phương diện giáo dục sẽ có tác động thế nào đến những hành vi này? Chúng ta có thể học được gì trong việc giáo dục trẻ?

Hành vi văn minh nơi công cộng phải bắt nguồn từ việc được giáo dục và hình thành thói quen từ trong gia đình, trường lớp, sau đó mới nói đến ngoài xã hội. Có hành vi văn minh đồng bộ, là tấm gương sáng giúp trẻ noi theo.

Qua việc ứng xử văn minh nơi công cộng của người Nhật, chúng ta xem đây là một điều tử tế để giáo dục trẻ và mong muốn có một thế hệ trẻ tương lai văn minh, tử tế và tốt đẹp hơn từ những việc nhỏ.

Từ câu chuyện này, ông nghĩ gì về việc dạy trẻ trở thành một người tử tế?

Dạy trẻ trở thành một người tử tế là rất cần thiết và cấp bách trong xã hội ngày nay. Do đó, cần thiết dạy trẻ tử tế trong những điều nhỏ nhất, từ việc biết cảm ơn và xin lỗi. Dạy trẻ tự chịu trách nhiệm, tránh đổ lỗi, tôn trọng văn hóa nơi công cộng, tránh nói tục chửi thề… Đây thực sự là một thách thức không nhỏ khi mà trẻ đang phải đối diện với truyền thông và mạng xã hội với đầy rẫy cạm bẫy, nhiều video clip độc hại, thiếu gương sáng từ phía gia đình.

Trước hết, mỗi người trong chúng ta cần thay đổi mình, trong lời nói, hành vi và xây dựng một lối sống tử tế trong mọi môi trường và lĩnh vực. Vấn đề giáo dục noi gương là vô cùng quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/world-cup-2022-hanh-dong-don-rac-cua-cdv-nhat-xuat-phat-tu-tu-duy-giao-duc-tich-cuc-va-trach-nhiem-cao-208179.html