World Cup 2022: Từ hành động nhặt rác của CĐV Nhật Bản, nghĩ về giáo dục tinh thần trách nhiệm cho trẻ

Vừa qua, người hâm mộ thế giới 'nghiêng mình' thán phục trước hành động thu gom rác của CĐV Nhật Bản tại World Cup 2022. Thực tế, đây không phải là câu chuyện mới nhưng dưới góc nhìn giáo dục, tôi cho rằng tư duy giáo dục có tác động rất lớn đến những hành động này.

Cổ động viên Nhật Bản thu gom rác sau trận đấu tại World Cup 2022. (Nguồn: Reuters)

Cổ động viên Nhật Bản thu gom rác sau trận đấu tại World Cup 2022. (Nguồn: Reuters)

Ở Nhật Bản, một điều vô cùng đặc biệt là trên đường phố hầu như không có thùng rác. Tất cả mọi người đều đem rác về nhà để phân loại trước khi đem đến địa điểm tập kết. Vì không có nhu cầu xả rác ở ngoài phố nên đất nước Nhật không có thùng rác ngoài công cộng mà vẫn vô cùng sạch sẽ. Khi ý thức văn minh đã là phong cách sống của cả cộng đồng thì hình ảnh đất nước và con người họ đẹp đến mức đôi khi khó tin.

Triết lý giáo dục của người Nhật Bản là cống hiến cho xã hội, cho đất nước và nhân loại. Khi triết lý giáo dục rõ ràng, mọi việc được thiết kế để thực thi triết lý này. Tất cả mọi người dân đều hưởng nền giáo dục đi theo triết lý chung. Với triết lý cống hiến cho đất nước và nhân loại, giá trị của con người sẽ được đánh giá dựa trên những cống hiến của họ với đất nước và nhân loại. Do vậy, việc người Nhật Bản hy sinh mọi thứ cho công việc, cho đất nước và nhân loại là điều hết sức bình thường.

Bản thân tôi, trong chuyến tham quan Nhật Bản, đã từng chứng kiến những người rất già nhưng vẫn làm việc vì đất nước. Họ sẵn sàng dậy rất sớm, rời khỏi gia đình ấm cúng để đến nơi nào đó đóng góp công sức dù trời mưa và rất lạnh.

Từ câu chuyện các cầu thủ dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng phòng thay đồ cho đến cổ động viên Nhật nhặt rác sau trận đấu, nghĩ về tầm quan trọng của giáo dục tinh thần trách nhiệm và ứng xử văn minh nơi công cộng cho trẻ.

Có thể nói, việc dọn dẹp trường lớp là nghĩa vụ của học sinh. Đây là điều đương nhiên trong giáo dục các nhà trường trên toàn thế giới. Bản thân trường học Việt Nam ở các thời kỳ trước thì dọn dẹp trường lớp cũng là hoạt động bình thường.

Học sinh không coi việc trực nhật là một gánh nặng mà là một niềm vui vì được lao động và cống hiến. Con người có nhu cầu lao động, nhu cầu cống hiến. Để trẻ nhận thức được và gia tăng nhu cầu này, chúng ta cần phải tạo nhiều điều kiện hơn nữa để học sinh được thực sự tham gia vào các công việc đóng góp cho xã hội và cộng đồng.

Nhật Bản là một quốc gia đặc biệt chú trọng việc giáo dục tinh thần trách nhiệm và cống hiến cho cộng đồng. Tuy nhiên, không phải chỉ riêng Nhật Bản, rất nhiều quốc gia đã để ý đến mục tiêu này trong giáo dục phổ thông. Các bạn nhỏ tại các quốc gia được thử sức với rất nhiều các công việc khác nhau. Từ các kinh nghiệm đúc rút trong những giờ trải nghiệm thực tế này, học sinh học hỏi được rất nhiều, rèn luyện các kỹ năng sống, nâng cao ý thức đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Bản năng của con người chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong việc định hình tính cách và khả năng của trẻ. Giáo dục bao gồm giáo dục gia đình và nhà trường sẽ tạo điều kiện hoặc hủy hoại sự phát triển của các khả năng. Đồng thời, giáo dục cũng sẽ hình thành nhân cách hoặc tạo ra các tính cách xấu.

Với môi trường gia đình được bao bọc, trẻ sẽ không thể hình thành kỹ năng sống thành thạo. Đó là chưa kể trong một môi trường được bao cấp quá nhiều, con người sẽ nảy sinh các tính xấu như ỷ lại, lười biếng, hay kêu ca, đòi hỏi, bao biện.

Với một môi trường có các thách thức hợp lý, bản lĩnh của trẻ được xây dựng dần dần, kỹ năng được hình thành và trau dồi liên tục, các kinh nghiệm sống cũng được đúc rút từ các trải nghiệm và thách thức. Thông thường, với các môi trường giáo dục liên tiếp có các thách thức vừa phải, trẻ sẽ tiến bộ rất nhanh và hình thành nhân cách sống tốt.

Những đứa trẻ tham gia lao động liên tục thì sẽ không ngại lao động, dễ dàng xuất hiện các ý tưởng sáng tạo, kỹ năng sống thành thạo, ý thức trách nhiệm tốt và hiểu biết. Với những đứa trẻ ít có cơ hội tham gia lao động, các con sẽ dần dần xuất hiện cảm giác ngại ngùng, khó chịu khi phải tham gia lao động.

Thế hệ 7x chúng tôi ngày xưa thì tham gia lao động là hết sức bình thường. Từ tầm 6 tuổi trở đi, không đứa nào trong chúng tôi cảm thấy mình quá bé cho các công việc gia đình hay vệ sinh lớp học. Vì thế, chúng tôi không ngại lao động và luôn tìm thấy niềm vui.

Hiện nay, có một số gia đình chiều chuộng con quá sức, không để con làm bất kể việc gì. Khi ra đời, các bạn ấy vừa vụng về, vừa ngại làm việc. Có một số bạn khi tốt nghiệp đại học, đi làm thử vài nơi rồi kêu khó, kêu mệt và nghỉ ở nhà để chờ bố mẹ nuôi. Điều này rõ ràng thể hiện sự thiếu ý thức lao động do môi trường giáo dục lúc nhỏ không tạo điều kiện để các bạn làm quen với lao động và sống tự lập.

Giáo dục không phải là ra rả giảng bài. Giáo dục là truyền cho trẻ các thông điệp và tạo môi trường phù hợp cho học sinh trưởng thành. Một người dân được sống và trải nghiệm trong một môi trường đề cao phong cách ứng xử văn mình và các hành động cống hiến, chắc chắn sẽ dần dần tạo được thói quen cống hiến và cư xử văn minh.

Từ bài học ứng xử văn minh này, rõ ràng chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn trọng hơn về triết lý giáo dục cũng như các hoạt động trong nhà trường và gia đình nhằm tạo môi trường phát triển thuận lợi hơn cho trẻ. Môi trường tốt nhất để trẻ phát triển không phải là nơi quá đầy đủ mọi thứ mà phải là môi trường hướng mọi hoạt động của trẻ đến với các giá trị cao đẹp của cuộc sống.

Giáo dục nhân cách trẻ là điều quan trọng số 1 trong các mục tiêu của giáo dục gia đình và nhà trường. Nếu từ cả phía gia đình lẫn nhà trường đều chú trọng đến mục tiêu này, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi vào các lớp thế hệ tương lai với những nhân cách đẹp và các hành vi ứng xử văn minh, dù ở trong nước hay ra nước ngoài.

Nguyệt Anh (ghi)

ThS. Đào Thúy Nga

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/world-cup-2022-tu-hanh-dong-nhat-rac-cua-cdv-nhat-ban-nghi-ve-giao-duc-tinh-than-trach-nhiem-cho-tre-208926.html