World Cup 2022 và chuyện của những phút bù giờ

Những trận đấu đầu tiên của World Cup 2022 đang gây chú ý bởi những phút bù giờ dài lê thê. Điều đang tạo ra kỷ lục cho giải đấu năm nay.

Sau khi 4 trận đấu của hai bảng A, B kết thúc, thống kê số phút bù giờ đã lên đến con số hơn 70. Nhiều người đã ví gần bằng trận bóng đá 90 phút. Cụ thể, trong trận khai mạc giữa Qatar và Ecuador, tổng bù giờ 2 hiệp là 12 phút. Trận tuyển Anh – Iran, hiệp 1 có đến 15 phút bù giờ và hiệp 2 là 14 phút. Trận Senegal - Hà Lan, hiệp 1 là 3 phút và hiệp 2 là 11 phút. Trận đấu giữa Mỹ và Xứ Wales cũng có tổng 16 phút bù giờ ở 2 hiệp.

Những con số này khiến không ít các ý kiến cho rằng đó là “bất thường”. Thậm chí, nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các trận đấu. Trong khoảng thời gian đó, đã có 2 bàn thắng được ghi, đó là Taremi (Iran) phút 90+13 và Klaasen (Hà Lan) ở phút 90+9. Nhiều người có thể nhìn vào chấn thương của Alireza Beiranvand trận Anh – Iran hay những tình huống tham khảo VAR để lý giải cho việc bù giờ dài. Nhưng việc bù giờ trận Anh kéo dài gần 30 phút chẳng khác gì 2 hiệp phụ những trận vòng loại trực tiếp.

Lý giải về điều này, ông Pierluigi Collina - Trưởng ban Trọng tài FIFA cho biết: “Những gì chúng tôi đã làm sau World Cup 2018 là tính toán chính xác hơn thời gian được bù giờ. Chúng tôi đã nói với mọi người rằng đừng ngạc nhiên nếu họ thấy trọng tài thứ tư giơ bảng điện tử với một con số lớn trên đó, 6, 7 hoặc 8 phút”.

Thời gian bù giờ kéo dài trong các trận đấu tại World Cup 2022. Ảnh: AFP

Thời gian bù giờ kéo dài trong các trận đấu tại World Cup 2022. Ảnh: AFP

“Nếu bạn muốn thời gian bóng sống diễn ra nhiều hơn, bạn phải sẵn sàng cho việc bù giờ nhiều như vậy. Hãy nghĩ về một trận đấu có 3 bàn thắng. Một màn ăn mừng thường tốn khoảng 1 hay 1 phút rưỡi. Chính vì thế nếu có 3 bàn được ghi, trận đấu sẽ mất khoảng 5 hay 6 phút”, ông Collina nói thêm. World Cup 2022 được xem là giải đấu của công nghệ và những điều mới mẻ. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà vai trò của các trọng tài mất đi.

Trưởng ban trọng tài của FIFA từng nhấn mạnh: “Đối với lỗi việt vị, quyết định được đưa ra sau khi phân tích vị trí của các cầu thủ, cũng như sự tham gia của họ trong trận đấu. Công nghệ có thể vạch ra một ranh giới, nhưng việc đánh giá vẫn nằm trong tay của trọng tài. Điều này vẫn rất quan trọng”.

Giải đấu mà FIFA đã áp dụng sử dụng hệ thống bán việt vị tại World Cup 2022 để đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác. Giám đốc công nghệ và đổi mới bóng đá của FIFA – ông Johannes Holzmuller, là nhân vật chính cho sự ra đời mới này của bóng đá hiện đại. Ông giải thích: “Nó dựa trên công nghệ theo dõi. Chúng tôi lắp đặt 10 đến 12 camera bên dưới mái che trong sân vận động. Các camera này theo dõi các cầu thủ và gửi tới 29 điểm dữ liệu với tốc độ 50 lần mỗi giây. Dữ liệu này sau đó gần như theo thời gian thực được xử lý và tính toán bởi phần mềm, bằng AI (trí tuệ nhân tạo), được gửi tự động đến VAR và người điều khiển sẽ phát lại”.

World Cup 2022 đang chứng kiến những điều mới mẻ. Những phút bù giờ dài có thể vẫn khiến giới chuyên môn tranh cãi. Nhưng có một thực tế cho thấy, sự kịch tính đang được chờ đợi ở đó, cụ thể là những bàn thắng. Điều có thể làm thay đổi cục diện của trận đấu.

“Những gì chúng tôi muốn làm là tính toán chính xác thời gian cộng thêm vào cuối mỗi hiệp. Đây là điều trọng tài thứ tư có thể làm được, chúng tôi đã thành công ở Nga và mong đợi điều tương tự ở Qatar. Thời tôi còn làm trọng tài, khi thông tin (về thời gian bù giờ) đến từ trọng tài thứ tư, trọng tài chính thường quá tập trung vào những gì đang diễn ra trên sân nên không thể xem xét chính xác”, Collina nói thêm.

Bóng đá từng chứng kiến những khoảnh khắc đẹp, kịch tính ở những phút bù giờ. Bây giờ, tại Qatar là câu chuyện của những phút bù giờ kéo dài mà người trong cuộc nhìn ở góc độ tích cực là một cơ hội của cuộc chơi.

Hưng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/worldcup2022/world-cup-2022-va-chuyen-cua-nhung-phut-bu-gio-i675215/