World Cup 2022 và những nghệ sĩ trên cánh đồng khô hạn

World Cup 2022 ghi nhận sự thắng thế của bóng đá thực dụng khi hầu hết đội tuyển chơi phòng ngự phản công. Nhưng trong 8 đội vào tứ kết, hình bóng nghệ sĩ vẫn nhiều hơn.

World Cup 2022 tưởng như đã chứng kiến một bước nhảy vọt của bóng đá châu Á khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia đồng loạt giành vé vào vòng 1/8. Trong chiến quả đó, Nhật Bản gây ấn tượng mạnh nhất khi thắng cả Đức và Tây Ban Nha, đứng đầu "Bảng tử thần". Hàn Quốc vượt qua Bồ Đào Nha vào giờ chót. Australia cũng thắng Đan Mạch trong trận quyết tử bằng lối đá đầy trí tuệ.

Ngoại trừ Qatar là đội duy nhất thua cả 3 trận, hai đại diện khác là Iran và Saudi Arabia đều được an ủi bằng những chiến thắng để đời. Với Iran, đó là những phút cuối bùng nổ trước Wales còn Saudi Arabia, lịch sử sẽ mãi mãi không quên cú lội ngược dòng thần thánh trước đội bóng của Lionel Messi.

 Tuyển Nhật hay trong thời gian thi đấu chính thức nhưng gục ngã ở loạt luân lưu. Ảnh: Reuters.

Tuyển Nhật hay trong thời gian thi đấu chính thức nhưng gục ngã ở loạt luân lưu. Ảnh: Reuters.

Bóng đá châu Á - mạnh mẽ và mềm yếu

Nhưng rồi thì châu Á vẫn là châu Á, vẫn thua thiệt ở những trận knock-out được quyết định bằng đẳng cấp. Nhật Bản có thể chơi như võ sĩ đạo với Croatia trong cả hiệp chính lẫn hiệp phụ nhưng đến loạt sút luân lưu cân não, họ run rẩy giống hệt như tay đấm mới lên sàn.

Hàn Quốc của Song Heung-min khóc như mưa khi lách qua khe cửa hẹp vòng bảng để rồi lại gượng cười trong thế “thần phục” Brazil. Australia cũng đành vui vẻ với thất bại để đổi lấy những khoảnh khắc “selfie” cùng Messi, đối thủ nhưng cũng là thần tượng.

Dù liên tiếp có những trận đấu thăng hoa, có sự nâng cấp đáng kể về thể lực, tư duy chơi bóng, cải thiện rõ rệt hiệu quả ghi bàn/kiểm soát, các đội bóng châu Á vẫn cần thêm nhiều thời gian và tích lũy để chơi được sòng phẳng hơn với những ông lớn tầm thế giới.

Rất nhiều bất ngờ đã xảy ra ở một kỳ World Cup mùa đông nhưng “trái gió trở trời” chỉ thực sự ám ảnh hai cái tên Đức, Bỉ. Họ bị loại trong thế không thể trách ai ngoài bản thân mình. Như HLV Hansi Flick, ông thừa nhận Đức xứng đáng về nước vì không thể trông chờ vận may của mình trong tay kẻ khác.

Đức chơi một giải đấu không quá tệ nhưng vấn đề của họ nằm ở khâu ghi bàn. Đây là điều đã được cảnh báo từ nhiệm kỳ của Joachim Loew khi mà Đức vẫn phải trông cậy vào lão tướng Thomas Muller hơn là người đương thời Kai Havertz, những bàn thắng đến chủ yếu từ tuyến tiền vệ với Jamal Musiala, Ilkay Gundogan. Gương mặt sáng hơn cả lại là một phát hiện từ ghế dự bị Niclas Fullkrug... thì việc họ không thể tiến xa hơn vòng bảng cũng là tất yếu.

 Tuyển Đức tiếp tục dừng bước sớm ở vòng bảng sau World Cup 2018. Ảnh: Reuters.

Tuyển Đức tiếp tục dừng bước sớm ở vòng bảng sau World Cup 2018. Ảnh: Reuters.

Lời chia tay mặn đắng

Dẫu sao, Đức vẫn còn đó những tiềm năng. Không như Bỉ, đây là dấu chấm hết cho một thế hệ vàng không vương miện. Sự vô duyên đến kỳ lạ của Lukaku tiễn Bỉ khỏi cuộc chơi một mất một còn với Croatia. Nhưng xâu chuỗi lại cả vòng bảng, “Những con quỷ đỏ” chỉ đá vật vờ như thể bóng ma. Kevin De Bruyne hời hợt lạ lùng nếu so với chính anh ở Manchester City. Hai anh em nhà Hazard đều tụt dốc. Ngay cả thủ thành số một Thibaut Courtois cũng bạc nhược hơn nhiều khi xỏ găng cho Real Madrid.

HLV Martinez một mực phủ nhận những rạn nứt trong nội bộ nhưng xem các tuyển thủ quốc gia Bỉ chơi bóng, người hâm mộ chẳng mấy khó khăn để nhận ra chẳng ai toàn tâm toàn ý cho quốc thể. Họ dường như chỉ mong World Cup chóng qua để quay trở lại với các CLB.

Cái cách mà Bỉ về nhà lại càng khác Uruguay khi đại diện Nam Mỹ đã làm tất cả những gì tốt nhất cho một trận cầu phải thắng Ghana. Nhưng thế vẫn là chưa đủ. Những phút bù giờ chứng kiến Uruguay như một con thú hoang điên cuồng chống lại cùng lúc hai đối thủ Hàn Quốc - Ghana để rồi nước mắt Luis Suarez rơi lã chã ở kỳ World Cup cuối cùng của anh. Đấy là sự tiếc nuối nhưng tràn đầy kiêu hãnh.

Những đội bóng có lối chơi hấp dẫn nhất đều đã vào tứ kết. Đó là sự viên mãn cho World Cup 2022. Vòng đấu bảng chứng kiến bóng đá thực dụng lên ngôi khi những gương mặt rắn chắc và thô ráp như Mỹ, Ba Lan, Croatia, Australia, Thụy Sĩ... đều đi tiếp nhưng đến ngưỡng cửa bán kết, ưu thế đang ngả dần sang bóng đá cống hiến.

Argentina và Hà Lan là đại diện cho thứ bóng đá pha trộn giữa toan tính và bay bổng. Họ toan tính trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhưng khi đã có “lưng vốn” hoặc thoát khỏi áp lực đè nặng, rất nhanh chóng, những phẩm chất kỹ thuật trỗi dậy như một bản năng.

 Vòng tứ kết World Cup 2022 chờ đợi những đôi chân nghệ sĩ. Ảnh: Reuters.

Vòng tứ kết World Cup 2022 chờ đợi những đôi chân nghệ sĩ. Ảnh: Reuters.

Và cuộc viễn du của những đôi chân nghệ sĩ

Messi trong những giây phút khó khăn nhất vẫn là một con người đầy cảm xúc. Anh đá hỏng 11 m khi cả đội cần phải thắng Ba Lan. Nhưng cũng là anh bất thần vẽ một đường cong vào lưới Australia, thêm một lần cứu rỗi "Albiceleste". Với Messi, dường như không có thứ “áp suất” nào đè nặng, chỉ là đôi chân anh có thánh thót hay không...

Hà Lan luôn có hai bộ mặt khiến đối thủ nào cũng phải kiêng dè. Lúc họ nhún nhường là lúc họ nguy hiểm nhất. Nhìn qua, Hà Lan có vẻ cứng nhắc với lối chơi của Van Gaal nhưng thực ra họ là đội chuyển đổi trạng thái nhanh và mềm mại hơn hết thảy.

Anh và Pháp, tiếc thay, lại gặp nhau hơi sớm. Đó là hai đội bóng mà khán giả nào cũng muốn nhìn thấy họ vào bán kết. Giờ thì chỉ có một vé mà thôi.

Nói về Pháp lúc này, đơn giản là Mbappe và phần còn lại. Mbappe đã vụt sáng như một siêu sao trên bầu trời Qatar, ghi 5 bàn, kiến tạo 3 và chưa kể còn di chuyển như một thỏi nam châm để kéo giãn mọi đội hình phòng thủ. Sự thăng hoa của tiền đạo PSG khiến đồng đội Olivier Giroud cũng như trẻ lại, Moussa Dembele trở nên thanh thoát và những cầu thủ còn ít kinh nghiệm như Jules Kounde, Aurelien Tchouameni ở phía sau cũng dễ chơi hơn hẳn.

Tuyển Anh lại là sức mạnh tập thể với tua tủa các mũi tấn công. Ngay cả khi vắng Raheem Sterling, Anh vẫn còn quá nhiều chân sút, quá nhiều phương án ghi bàn như Harry Kane, Bukayo Saka, Marcus Rashford, Phil Foden... Cái khó nhất của HLV Southgate chỉ là chọn ai đá chính, ai dự bị giữa một “rừng gươm”.

Brazil có lẽ không cần thêm mỹ từ để ca ngợi nữa. Trong lúc World Cup trĩu nặng về chiến thuật thì Brazil vẫn cho chúng ta những pha tung móc của Richarlison, pha úp vô lê như cầu mây của Casemiro hay những điểm chạm như gắn cảm biến dưới gót giày ở bàn thắng thứ ba vào lưới Hàn Quốc... Đấy là vẻ đẹp của những người chơi bóng bằng thứ kỹ năng thiên phú, nhắm mắt cũng tìm thấy nhau ở những góc chật hẹp.

Rồi đây, bản năng tấn công Brazil sẽ đối diện với lý trí phòng ngự Croatia. Đó sẽ là một cuộc đấu đầy thú vị mà đa số khán giả trung lập đều mong đội bóng Nam Mỹ tiếp đà cất cánh.

Và sẽ thật thiếu sót nếu không “điểm danh” Bồ Đào Nha, đội thắng tưng bừng nhất vòng 1/16. Thụy Sĩ là đối thủ khó chịu ngay cả với Brazil nhưng bằng một cách nào đó (phải chăng là để Ronaldo ngồi dự bị), đám học trò của Fernando Santos đã lột xác hoàn toàn so với sự chật vật từ vòng bảng.

Ở tứ kết, Bồ Đào Nha sẽ thử sức với hiện tượng Morroco, đội chơi phòng ngự triệt để nhất nhưng cũng mềm mại nhất. Morroco nhường toàn bộ quyền kiểm soát bóng cho Tây Ban Nha, thứ duy nhất họ giành chỉ là chiến thắng. Nhìn toàn cục, ngoài loạt sút 11 m với ưu thế quá rõ ràng, Morroco còn hơn hẳn Tây Ban Nha cả về sự hợp lý về chiến thuật suốt 120 phút.

Đừng nhìn vào tỷ lệ cầm bóng 23% của Morroco mà đánh giá họ chơi tiêu cực. Họ cũng là nghệ sĩ. Có điều, họ chọn lối đá phòng ngự mà thôi. Với Morroco, với Croatia, World Cup 2022 đến tứ kết vẫn vẹn nguyên sự đa dạng, muôn màu và nhờ họ, chúng ta sắp có những bài "kiểm tra" chất lượng nhất "hai đội tuyển Brazil" của Nam Mỹ và châu Âu.

Khoảnh khắc Ronaldo rời sân sau trận thắng 6-1 Đội trưởng tuyển Bồ Đào Nha bị chỉ trích trên mạng xã hội vì khoảnh khắc rời sân sau trận thắng Thụy Sĩ 6-1 ở vòng 16 đội World Cup 2022 rạng sáng 7/12 (giờ Hà Nội).

Quốc Bảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/world-cup-2022-va-nhung-nghe-si-tren-canh-dong-kho-han-post1382908.html