World Cup 2026 là giấc mơ… xa vời với bóng đá Việt Nam?
Đội tuyển Việt Nam thua cả 3 trận giao hữu trong tháng 10 khiến nhiều người đặt lại câu hỏi,bóng đá Việt Nam có đủ sức vào tốp đầu châu lục?
Liệu bóng đá Việt Nam có cạnh tranh được suất tham dự World Cup 2026? Và nếu một mình huấn luyện viên Philippe Troussier chèo chống thì bao giờ bóng đá Việt Nam mới đủ sức ngồi “mâm trên”?
10 bàn thua, 0 bàn thắng
Tối 17/10, đội tuyển Việt Nam đã thua Hàn Quốc 0-6 trong trận giao hữu tại Suwon. Trước đối thủ hơn mình tới 69 bậc trên bảng xếp hạng FIFA (95 so với 26), ông Troussier không có được những quân bài tốt nhất.
Trung vệ Quế Ngọc Hải và tiền vệ Quang Hải chấn thương; tiền đạo Tiến Linh nhận án treo giò sau khi nhận thẻ đỏ trong trận gặp Uzbekistan. Thế nên, dù muốn hay không, chiến lược gia người Pháp phải dùng cầu thủ trẻ. Hậu vệ Võ Minh Trọng, Trương Tiến Anh và tiền đạo Nguyễn Đình Bắc được tin tưởng đá chính.
Trong khi đó, trái với thông tin trước trận đấu về khả năng thử nghiệm nhân sự, Hàn Quốc đưa vào sân đội hình gần như mạnh nhất với 7/11 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Trong đó có đủ những ngôi sao đình đám như tiền đạo Son Heung Min (Tottenham), Lee Kang In (Paris Saint-Germain), trung vệ Kim Min Jae (Bayern Munich).
Đồng thời, các cầu thủ chủ nhà dường như muốn thể hiện đẳng cấp trước đội bóng đang bộc lộ khát vọng giành vé World Cup 2026 như Việt Nam. Tốc độ trận đấu, các tình huống va chạm được Hàn Quốc đẩy lên cao ngay từ đầu.
Sự chênh lệch đẳng cấp giữa 2 đội bóng được thể hiện quá rõ. Trong cả trận, đội tuyển Việt Nam gần như không thể theo kịp, hoặc có phương án ngăn chặn hiệu quả những miếng đánh tốc độ và biến hóa của đối thủ.
Trong nhiều bàn thua, hệ thống phòng ngự gần như bất lực, để cho đội bạn thoải mái phối hợp và dứt điểm ghi bàn. Ngay cả tình huống có đến 8 cầu thủ áo trắng quanh vòng cấm cũng không thể giải vây cho khung thành đội nhà, đơn cử như bàn thua thứ 5 ở phút 70.
Tất nhiên, việc trung vệ Việt Anh nhận thẻ đỏ có phần oan ức từ trọng tài Mohd Amirul (Malaysia) ở phút 61 cũng khiến đội tuyển Việt Nam rơi vào tình thế khó khăn.
Nhưng đó là điều tất yếu mà chúng ta phải chấp nhận khi bước ra những giải đấu ở tầng cao mới, đồng thời là hệ quả ở cuộc chơi chênh lệch giữa hai bên, giống như thẻ đỏ của Tiến Linh. Bởi trước khi chơi thiếu người, đội tuyển Việt Nam đã thua tới 4 bàn.
Mục tiêu trong phần còn lại của trận đấu chỉ là tìm kiếm bàn thắng danh dự và hạn chế bàn thua. Tuy nhiên, với 2 bàn thua nữa, ông Troussier và các học trò tái lập kỷ lục buồn của bóng đá Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam có quyền tiếc nuối về những cơ hội bị bỏ lỡ. Đó là Tiến Anh và Đình Bắc dứt điểm vọt xà trong tư thế thuận lợi, hay phút 72, cầu thủ vào sân thay người Văn Khang sút phạt bật cột dọc.
Vậy nên, sau trận đấu, ông Troussier bày tỏ quan điểm không bận tâm đến việc thua Hàn Quốc, mà tiếc nuối khi học trò bỏ lỡ cơ hội ăn bàn rõ rệt.
“Tôi không coi trọng chuyện thắng thua trong các trận đấu chuẩn bị cho mục tiêu chính. Tôi chỉ nghĩ rằng, về mặt tỷ số, chúng tôi xứng đáng có một hoặc hai bàn thắng. Chúng tôi cần chuyển hóa cơ hội tốt hơn”, huấn luyện viên Troussier phát biểu.
Nhìn nhận về thất bại của đội tuyển Việt Nam, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đã chỉ ra nhiều điểm tích cực mà theo ông, thầy trò huấn luyện viên Troussier xứng đáng được khen ngợi.
Theo đó, đội tuyển Hàn Quốc rất tôn trọng đội tuyển Việt Nam bằng cách đưa vào sân đội hình mạnh nhất, chơi máu lửa. Tuy để thua đến 6 bàn, song chúng ta đã thể hiện được nhiều điều tích cực. Đơn cử như tinh thần, đá với đội mạnh nhưng các tuyển thủ chơi nỗ lực, không e ngại những ngôi sao “triệu đô” của đội bạn. Các cầu thủ thể hiện được sự tự tin nhất định với sự chủ động trong giữ, chuyền bóng và ít tình huống bị cuống, hay có dấu hiệu thi đấu buông xuôi.
Ngoài ra, cựu danh thủ của Thể Công cũng dành sự động viên cho màn thể hiện của các cầu thủ trẻ. Theo ông Hải, đội tuyển Việt Nam có cơ hội ghi bàn. Nếu các tuyển thủ bình tĩnh hơn, một số gương mặt trẻ không gặp vấn đề tâm lý thì có lẽ tỷ số đã khác.
Nhưng Hàn Quốc quá mạnh và đội hình của chúng ta đang trong giai đoạn làm mới, lối chơi mới với nhiều cầu thủ trẻ. Sự tiến bộ, và cả yếu tố tinh thần chưa đủ lấp đầy khoảng cách về chuyên môn giữa 2 đội tuyển. Trong hoàn cảnh thiếu nhiều trụ cột mà các tuyển thủ chơi được thế này là đáng khen.
Trước trận thua Hàn Quốc 0-6, ông Troussier và các học trò thất bại cùng tỷ số 0-2 khi gặp đội tuyển Trung Quốc và Uzbekistan. Đáng chú ý, đội tuyển Việt Nam lép vế hoàn toàn trước Uzbekistan chơi kiểm soát bóng ở một đẳng cấp rất cao.
Chúng ta không chỉ mắc sai lầm, mà còn bế tắc trong triển khai bóng, không thể có nổi một cú dứt điểm về khung thành đối phương. Các cầu thủ Uzbekistan đã phô diễn lối chơi khoa học, đẳng cấp và có lẽ, các cầu thủ Việt Nam lần đầu được “mục sở thị” thế nào là kiểm soát bóng.
Đội bóng Trung Á giống như câu lạc bộ Barca (Tây Ban Nha) thời đỉnh cao với lối chơi tiki-taka ban bật nhuần nhuyễn, đội hình lên công về thủ là một khối thống nhất không thể xuyên phá. Các cầu thủ Uzbekistan cũng để lại ấn tượng về kỹ thuật cá nhân, thể hình và kỹ năng xử lý bóng đa dạng, biến hóa.
Vậy nên, với 3 trận giao hữu toàn thua, thủng lưới 10 bàn và không ghi được bàn nào trong tháng 10, đội tuyển Việt Nam có quá nhiều việc phải làm để hoàn thiện lối chơi, con người và đồng thời nó chỉ ra khoảng trống rất lớn về đẳng cấp mà không thể dễ dàng san lấp trong một vài năm.
World Cup năm nào?
Bản hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Troussier với hơn 60 trang rất nhiều điều khoản. Về nguyên tắc, truyền thông và người hâm mộ gần như không thể tiếp cận chính thức những thỏa thuận của 2 bên. Tuy nhiên, chiến lược gia người Pháp nhiều lần đề cập đến mục tiêu World Cup 2026 và ông cho rằng, bóng đá Việt Nam cần đặt kế hoạch cụ thể để biến giấc mơ World Cup thành sự thật.
Với danh xưng “phù thủy trắng” cùng bản thành tích ấn tượng, đặc biệt là những gì ông đã kiến tạo cho bóng đá Nhật Bản đầu thế kỷ 21 thì người ta tin vào nhiệt huyết, tài năng và trách nhiệm của chiến lược gia người Pháp sẽ mang đến sự đột phá cho bóng đá Việt Nam.
Mặc dù vậy, 6 tháng ngồi trên ghế nóng các đội tuyển Việt Nam, chiến lược gia người Pháp giờ đây bề ngoài gầy, phong trần hơn. Ông không thể giúp U22 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch tại SEA Games 32.
Triết lý kiểm soát bóng chưa mang lại những hiệu quả cần thiết, để định hình lối chơi cho đội tuyển Việt Nam, cho dù thầy trò huấn luyện viên Troussier đã thi đấu giao hữu 6 trận.
Ngay cả trong những trận thắng Hồng Kông (Trung Quốc), Syria hồi tháng 6, hay Palestine tháng 9 vừa qua, đội tuyển Việt Nam bộc lộ quá nhiều vấn đề. Không phải đến 3 trận thua vừa qua, vấn đề lối chơi kiểm soát bóng có phù hợp với cầu thủ Việt Nam mới trở thành đề tài cho tranh luận trái chiều.
Những người ủng hộ ông Troussier cho rằng, sự thay đổi là cần thiết. Làm mới đội tuyển trở thành yêu cầu cấp bách đặt ra những năm gần đây. Song điều đó không được người tiền nhiệm của ông thầy người Pháp thực hiện, triệt để.
Thay vào đó vẫn chỉ là bộ khung cũ, con người cũ và lối chơi cũ, nhằm duy trì khả năng thắng trận ở những giải đấu khu vực hơn là đặt nền móng cho tương lai sau một giai đoạn thăng hoa với 1 - 2 lứa cầu thủ có thể coi là tốt nhất của bóng đá Việt Nam trong gần 20 năm trở lại đây. Điều đó phần nào giải thích tại sao trong suốt triều đại của ông Park, đội tuyển Việt Nam không thể đánh bại Thái Lan.
Nhưng đổi mới như thế nào, đến đâu lại là vấn đề nhiều ẩn số và chắc chắn không thể sớm có thành quả. Nhóm những ý kiến phản đối ông Troussier nêu quan điểm, cầu thủ Việt Nam không phù hợp với triết lý kiểm soát bóng.
Đội tuyển Việt Nam cần trở lại giá trị đã được khẳng định, chơi phòng ngự - phản công mỗi khi đụng độ các đội mạnh hơn như thời ông Park. Và họ cho rằng, chiến lược gia người Pháp “cứng nhắc”, “bảo thủ”, thậm chí bắt đầu bộc lộ nhiều “sai số” trong đội hình, chỉ đạo chiến thuật…
Tuy nhiên, đến lúc này chưa thể khẳng định ông Troussier thành công hay thất bại với kế hoạch thay đổi mang tính tổng thể cho bóng đá Việt Nam, đó là trẻ hóa đội tuyển và bắt nhịp lối chơi mới.
Có chăng, cái khó nhất của huấn luyện viên Troussier lại do chính ông đặt ra - mục tiêu World Cup 2026. Nếu tháo bỏ tham vọng World Cup 2026 mà nhiều chuyên gia cho là “không tưởng”, đội tuyển Việt Nam dưới triều đại chiến lược gia người Pháp đang có chuyển biến tích cực.
Người ta tin rằng, trước những đối thủ ngang cơ, hoặc nhỉnh hơn một chút, đội tuyển Việt Nam với nhiều cầu thủ trẻ ở độ tuổi 20, 22, 23 sẽ thể hiện đúng năng lực, triển vọng trong tương lai. Còn nếu cứ “kiên định” mục tiêu World Cup 2026, chúng ta sẽ tự lôi mình chìm vào giấc mơ hão huyền. Và không loại trừ khả năng, chiếc ghế của ông Troussier sớm “gãy” và ý tưởng đổi mới có nguy cơ tan vỡ.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia chưa từng dự World Cup đang lóe lên hy vọng sẽ có suất vào năm 2026, giải đấu lần đầu nâng số lượng lên 46 và châu Á được tăng từ 4,5 lên 8,5 suất (8 suất vào thẳng World Cup, một suất thi đấu trận play-off liên lục địa để tranh vé vớt với đại diện của châu lục khác).
Thế nhưng, chúng ta cần thấy rằng, bóng đá Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh với top 5 đội hàng đầu châu lục không? Gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Ả-rập Xê-út và Australia. Trận thua 0-6 trước Hàn Quốc của đội tuyển Việt Nam vừa qua là câu trả lời chính xác.
3,5 suất còn lại của châu Á sẽ là cuộc đua khốc liệt cho nhiều đội ở nhóm 2 như Qatar, UAE, Uzbekistan, Oman, Trung Quốc, Iraq, Lebanon, CHDCND Triều Tiên, Kuwait.
Chưa hết, đội tuyển Việt Nam có vượt trội so với những đối thủ trong khu vực không? Chưa chắc thầy trò ông Troussier có thể dễ dàng đánh bại Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Vậy thì cơ sở nào để đội tuyển Việt Nam đi World Cup 2026? Thất bại ở đội tuyển U22 Việt Nam (SEA Games 32), Olympic Việt Nam (ASIAD 19) chính là dấu hiệu cảnh báo cho sự chững lại, hay đúng hơn là tụt hậu trong công tác đào tạo trẻ và rất nhiều vấn đề đã được nhận diện của bóng đá Việt Nam.
Xây dựng chiến lược vươn tới đỉnh cao, trong đó có World Cup là cần thiết. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam hãy bắt đầu quá trình chuẩn bị bài bản, khoa học và đầu tư mạnh mẽ từ các cấp quản lý, trong đó VFF phải đóng vai trò quyết định.
Đó là xây dựng được một giải vô địch quốc gia đủ mạnh, bảo đảm nền móng vững chắc cho đội tuyển quốc gia; hệ thống đào tạo trẻ hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để tạo ra nhiều lứa cầu thủ chất lượng…
Nên nhớ rằng, thành tích lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á của thầy trò ông Park không phải ăn may, hay có tính thời điểm. Mà đó là thành quả của 2 lứa cầu thủ U19 tiềm năng được đầu tư mạnh mẽ vào thời điểm năm 2013 và 2015.
Chính lứa này đã giúp U19 Việt Nam giành vé dự Vòng chung kết U20 World Cup năm 2017, ngôi Á quân U23 châu Á năm 2018 và mở ra nhiều thành công khác như vô địch AFF Cup 2018, tứ kết ASIAN Cup 2019, và đỉnh cao là kỳ tích ở vòng loại World Cup 2022.
Nhưng bước vào vòng đấu với các đối thủ đẳng cấp, tranh suất đến Qatar, đội tuyển Việt Nam thua 8/10 trận, đứng bét bảng. Kết quả đó cho thấy rõ hơn trình độ giữa các nhóm của châu lục và bóng đá Việt Nam hiểu rằng, để tới World Cup cần lắm cuộc cách mạng của cả một nền bóng đá. World Cup 2026 xa vời lắm!
0-6 là tỷ số thua đậm nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Đầu tiên là trận giao hữu thua Zimbabwe ở Dunhill Cup 1997 tại Malaysia. 6 năm sau, đội tuyển Việt Nam thua Oman tại vòng loại ASIAN Cup 2004 trên đất Hàn Quốc.
Ngày 17/10 vừa qua, cũng ở Hàn Quốc, đội tuyển dưới thời huấn luyện viên Troussier thua chủ nhà 0-6. Ngoài 3 trận này là thất bại 1-6 trước Trung Quốc ở vòng loại ASIAN Cup năm 2009 tại Hàng Châu.
Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam có 4 trận thua cùng tỷ số 0-5, 2 lần trước UAE, 1 lần gặp Albania và 1 lần trước Hàn Quốc.