WTO cần cú huých mới

Bên cạnh cuộc khủng hoảng Covid -19, một vấn đề lớn khác mang tính toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt là hệ thống thương mại thế giới đang gặp sự cố, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch.

Thương mại toàn cầu thực sự chậm lại từ trong quý cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid - 19 tấn công và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được ghi nhận ở mức thấp nhất trong một thập kỷ. Hơn nữa, Tổng giám đốc Roberto Azevedo - người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã quyết định từ chức sớm một năm so với nhiệm kỳ. Cuộc đua tìm người kế vị ông Azevedo đặt ra nhiều câu hỏi đan xen cả về cơ hội, thách thức và giải pháp nào cho tình thế của WTO. Chủ đề này đang được quan tâm rất nhiều trong thời gian gần đây, với các ý kiến trái chiều, nhưng đều nhận định về tính không hiệu quả của bộ quy tắc lỗi thời đã trở nên không phù hợp trước những thách thức của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Các thành viên WTO đồng ý, tổ chức này cần khẩn cấp cải cách, đặc biệt trong hoàn cảnh cấp bách hiện nay.

Vòng đàm phán Uruguay dẫn đến việc thành lập WTO đã phản ánh dòng chảy thương mại thế giới càng tự do thì tiến bộ và hòa bình giữa các quốc gia càng mạnh. Tinh thần đó cần được phục hồi để đối phó với các vấn đề hiện tại của tổ chức này đang có nguy cơ sụp đổ. Có một thách thức khó khăn và phức tạp đang chờ đợi vị tổng giám đốc mới của WTO, liên quan đến hoạt động của chính WTO cần được giải quyết khẩn cấp. Các tranh chấp thương mại mất quá nhiều thời gian để giải quyết, trong khi có quá ít sự minh bạch và giám sát, vì vậy rất khó để biết ai đang tuân theo các quy tắc. Các nước giàu nhất đã áp dụng quá nhiều rào cản, cả thuế quan và phi thuế quan, để các nước nghèo trở nên khó khăn hơn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, cũng như tuân thủ các thủ tục hành chính. Cơ quan phúc thẩm WTO chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp đã chuyển từ vai trò trọng tài sang vai trò gần như là tư pháp. Điều đó đã thể hiện sự bất lực của WTO trong việc đưa ra quyết định và cần phải thay đổi. Dù trong khủng hoảng thì các nền kinh tế trên thế giới đều cần phải thừa nhận vai trò của thương mại tự do, chứ không phải sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Bất cứ ai là người kế vị ông Azevêdo sẽ phải đối mặt với thách thức lớn. Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO đã không thể kết thúc một vòng đàm phán thương mại toàn cầu, do đó bỏ lỡ cơ hội mang lại lợi ích chung cho các thành viên. Vòng đàm phán Doha bắt đầu vào tháng 11/2001 được cho là sẽ kết thúc vào tháng 1/2005. Nhưng 15 năm sau đó, các thành viên WTO vẫn đang tranh luận về việc liệu quy trình Doha có nên tiếp tục hay không? WTO cho đến nay cũng đã đưa ra một số thỏa thuận đáng chú ý khác, ngoài Hiệp định thuận lợi hóa thương mại có hiệu lực vào tháng 2/2017, và năm 2015 quyết định loại bỏ tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp. Trong khi đó, một số thành viên WTO đã tham gia các nhóm nhỏ về một loạt thỏa thuận thương mại khu vực có quy mô rộng hơn, bao gồm các vấn đề cấp bách như kinh tế kỹ thuật số, đầu tư, cạnh tranh, môi trường và biến đổi khí hậu.

Vòng đàm phán Doha dự định hiện đại hóa quy tắc WTO, ít đề cập đến các chủ đề này. Thậm chí một số quy tắc hiện hành của WTO có thể dễ dàng bị phá vỡ, do đó làm đảo lộn sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng Covid - 19 hiện nay, một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với vật tư y tế và các sản phẩm thực phẩm để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt. Nhưng bất chấp những thách thức này, WTO vẫn chưa hẳn là thất bại hoàn toàn. Do được xây dựng dựa trên những thành công của nền tảng ban đầu, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) bắt đầu có hiệu lực vào năm 1948. Hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc bắt đầu với GATT đã góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đối với 7 thập kỷ qua, bằng cách giảm thuế quan trung bình và loại bỏ dần các hàng rào phi thuế quan. Do đó, mức sống đã được cải thiện ở hầu hết các quốc gia. Hơn nữa, thương mại toàn cầu dựa trên các quy tắc đã giúp củng cố hòa bình và an ninh, bởi vì các đối tác thương mại có nhiều khả năng giải quyết sự khác biệt thông qua các cuộc đàm phán hơn là xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, các thành viên WTO ngày nay nhận ra sự cần thiết phải khởi động lại tổ chức này trong thế kỷ 21. Các nước phát triển tin rằng, họ đã gánh vác trọng trách tự do hóa thương mại quá lâu và các nước đang phát triển nên có nhiều nghĩa vụ hơn. Trong khi đó, các nước đang phát triển, có thu nhập thấp nói rằng các quy định của WTO đang cản trở nỗ lực phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế. Trong hai thập kỷ qua, thương mại quốc tế đã trở thành đề tài cho các nhà phê bình đánh giá những thiệt hại kinh tế mà một số quốc gia phải đối mặt. Nhưng thương mại không phải là một trò chơi có tổng bằng không: Quyền và nghĩa vụ có thể được cân bằng, vì sự phát triển của các quy tắc thương mại toàn cầu và khu vực kể từ năm 1948 đã cho thấy. Do đó, câu hỏi mà WTO và các thành viên phải đối mặt là làm thế nào để đạt được tiến bộ và đạt được các thỏa thuận cùng có lợi.

Tất cả các thành viên WTO cần tham gia vào nỗ lực này, bởi vì đó là cách duy nhất để tổ chức có thể lấy lại uy tín và thực hiện chức năng xây dựng quy tắc của mình. Do đó, các cuộc đàm phán mới phải tính đến các thành viên khác nhau về mức độ phát triển kinh tế và mục tiêu để đạt được các thỏa thuận cân bằng và công bằng. Các ưu tiên quan trọng khác đối với WTO bao gồm tăng cường tính minh bạch, dưới hình thức thông báo kịp thời về những biện pháp thương mại của các quốc gia, và một hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả, nhằm tạo niềm tin cho các thành viên. Một hệ thống thương mại quốc tế hiệu quả, dựa trên các quy tắc là một lợi ích công cộng, và nếu thất bại trong việc cải cách WTO sẽ làm suy yếu nỗ lực của các chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái kinh tế do đại dịch Covid - 19 gây ra.

WTO phải đóng vai trò trong chuyển đổi triển vọng kinh tế và cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, mặc dù cuộc khủng hoảng hiện nay đã khiến sự suy giảm của WTO là không thể tránh khỏi. Trong nền kinh tế thế giới đã bị tác động của dịch Covid-19, các thành viên cần khẳng định quyết tâm và ý chí chính trị, linh hoạt để khôi phục và cải cách WTO. Câu chuyện cải cách WTO cần phải có cú huých mới, năng lượng mới cho cuộc tranh luận thương mại toàn cầu trước khi quá muộn. Những thách thức mà các nền kinh tế đã và đang phải đối mặt sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Chỉ bằng tư duy đổi mới, sẵn sàng cải cách và mong muốn tạo ra lợi ích của thương mại tự do cho tất cả mọi người, mới có thể đạt được tiến bộ và tầm nhìn về phát triển kinh tế, con người.

Duy Hưng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/wto-can-cu-huych-moi-140165.html