WTO 'chết lâm sàng': Đã đến lúc cải cách để 'hồi sinh'

Một bài viết trên tờ WSJ đã đặt ra câu hỏi liệu trật tự thương mại thế giới có đang chuẩn bị sụp đổ với việc Mỹ ngăn cản bổ nhiệm nhân sự cho cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại?

Một số chuyên gia cho rằng vấn đề của WTO hiện còn vượt xa hơn cả cuộc khủng hoảng của Cơ quan phúc thẩm. (Nguồn: SCMP)

Như vậy, hiện không chỉ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị “chết não” như tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mà chính WTO cũng ở trong tình trạng tương tự, hoặc “chết lâm sàng”.

Giới phê bình ở châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác đều cho rằng, động thái của Washington sẽ đánh dấu sự chấm dứt của WTO và đẩy thế giới trở lại trạng thái kinh tế tự nhiên như thời kỳ những năm 30 của thế kỷ XX.

Trong bối cảnh này, hầu như tất cả giới chuyên gia đều chỉ đích danh Mỹ, hay nói chính xác hơn là Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Và một trong những cách thức mà Mỹ tiến hành đó là không chấp nhận việc bổ nhiệm thay thế các thẩm phán trong cơ quan giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã không tin tưởng vào các tổ chức đa phương nói chung và WTO nói riêng. Ông cho rằng, các thỏa thuận trong khuôn khổ WTO gây cản trở chủ quyền của Mỹ; rằng Mỹ gánh vác quá nhiều gánh nặng tài trợ và trong trường hợp của WTO, tổ chức này đã nghiêng sân chơi về phía các đối thủ cạnh tranh với Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ có một khiếu nại đặc biệt về khả năng của các nước, theo các quy định của WTO, nhiều nền kinh tế đã tự chỉ định mình là các quốc gia “đang phát triển” như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Mexico... Mỹ cho rằng, với vị thế là nền kinh tế đang phát triển, các nước này sẽ nhận sự đối xử ưu đãi trong nhiều vấn đề gây tranh cãi, như trợ cấp xuất khẩu và tỷ lệ thuế suất thấp hơn, thậm chí được phép tự do thực hiện các biện pháp can thiệp của nhà nước mà các nền kinh tế phát triển không được phép. Do đó, không đáng ngạc nhiên khi Mỹ không nhìn nhận Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển.

Đầu năm nay, Tổng thống Trump thậm chí còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ rời khỏi WTO nếu bắt buộc. Chúng tôi biết tổ chức này đã gây khó dễ cho nước Mỹ suốt nhiều năm qua và điều đó sẽ không xảy ra nữa”. Tổng thống Trump từng nói, WTO là thỏa thuận thương mại đơn lẻ tồi tệ nhất đã từng được tạo ra.

Và điều gì phải đến cũng đã đến. Gần đây nhất, tổ chức có trụ sở tại Geneva, đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thật sự, vì Mỹ từ chối cân nhắc những người được chỉ định lấp vào các vị trí còn trống trong Ban hội thẩm gồm 7 người - bộ phận có tiếng nói cuối cùng trong việc giải quyết những tranh chấp thương mại giữa 164 thành viên của tổ chức. Mỹ thậm chí còn giới hạn các nguồn lực ngân sách cho năm tới chỉ đủ để kéo dài nhiệm kỳ của các thẩm phán hiện tại cho đến khoảng tháng 3/2020.

Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề của WTO hiện còn vượt xa hơn cả cuộc khủng hoảng của Cơ quan phúc thẩm. Các cường quốc phương Tây hiện có nguy cơ chia rẽ thương mại toàn cầu, với việc Mỹ hành động đơn phương và Liên minh châu Âu (EU) tập hợp một số đối tác để bảo vệ một hệ thống WTO khỏi bị phá vỡ.

Số phận Tòa án hàng đầu của WTO được thành lập vào năm 1995 đã thực sự bị “niêm phong” vào ngày 10/12, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ không ủng hộ đề xuất cho phép tiếp tục.

Việc Mỹ ngăn chặn bổ nhiệm thẩm phán mới đã đẩy WTO vào một tương lai bất định khi Cơ quan phúc thẩm WTO hiện đã có 4 thẩm phán nghỉ hưu và 2 thẩm phán nữa vừa hết nhiệm kỳ vào ngày 9/12, có nghĩa là sẽ chỉ còn 1 thẩm phán. Trong khi đó, quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu 3 thẩm phán để duy trì hoạt động.

Chính quyền Mỹ đã liên tiếp khiếu nại về thẩm quyền của Cơ quan phúc thẩm WTO. Kể từ năm 2001, Mỹ đã chặn các thẩm phán mới bổ nhiệm khi đến lịch họp thường kỳ để phản đối cách thức làm việc của WTO.

Theo tờ WSJ, WTO hiện đang phải đối mặt với ba vấn đề căn bản. Thứ nhất, thể chế này đã không hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp cũng như nỗ lực cải tổ. Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO chưa có bất kỳ một vòng đàm phán thương mại toàn diện mới nào, một phần bởi các quy tắc của WTO đòi hỏi sự đồng thuận để thông qua các thỏa thuận. Ngoài ra, WTO cũng thất bại trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công.

Thứ hai, các quy tắc WTO không bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và nhiều dịch vụ như hàng không, thương mại. Những quy tắc này đã không giải quyết được vấn đề trợ cấp của các nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc, vốn lợi dụng "mác" của một nước đang phát triển để sử dụng các ngân hàng và ngân quỹ do nhà nước kiểm soát nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp mà không sợ vi phạm quy tắc WTO.

Thứ ba, từ thời Chính quyền của Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã luôn cho rằng, cơ quan phúc thẩm WTO đã hoạt động vượt quá thẩm quyền của mình. Đó là giải quyết các trường hợp cụ thể bằng cách sử dụng các quy tắc được thương lượng bởi các quốc gia thành viên. Cơ quan này thậm chí gần đây còn lên tiếng đòi hỏi quyền yêu cầu làm sáng tỏ khi các quốc gia được phép khẳng định lợi ích an ninh quốc gia để hạn chế đầu tư và thương mại.

Nhu cầu cải cách cấp thiết

Tờ báo Anh Financial Times đã mô tả tình trạng tê liệt này là “mối đe dọa lớn nhất đè nặng lên WTO kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1995”. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ nếu WTO bị “xóa sổ” thì thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” trong quan hệ thương mại quốc tế.

Giáo sư Joost Pauwelyn thuộc Viện nghiên cứu sau đại học (Mỹ) cho biết, có khoảng 50 tranh chấp nổi bật trước Tòa án phúc thẩm cùng với những căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và EU.

EU đã gọi việc “niêm phong” Tòa án phúc thẩm là “một đòn rất nghiêm trọng”, còn Trung Quốc đang thăm dò khả năng thiết lập một hệ thống trọng tài thay thế. Về phần mình, Thụy Sĩ đang hợp tác với 59 quốc gia có cam kết với “hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc”, nhằm tìm kiếm các giải pháp cụ thể, nhất là tại hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 ở Astana, Kazakhstan, vào tháng 6/2020.

Cho dù Mỹ đã dùng các thành viên WTO, những người muốn Cơ quan phúc thẩm này tiếp tục hoạt động làm “con tin”, nhưng Giáo sư Pauwelyn vẫn tỏ ra lạc quan. Đó là một đòn bẩy đàm phán mạnh mẽ mà Washington luôn sẵn có để có được những nhượng bộ. Tuy nhiên, trọng lượng kinh tế của Mỹ hiện ít hơn so với những năm 1990. Do đó, lợi ích của Washington vẫn cần có một hệ thống cho phép đạt được các thỏa thuận với Trung Quốc, EU hoặc Ấn Độ.

Trước tình trạng khó khăn, Tổng Giám đốc WTO ông Roberto Azevedo tuyên bố sẽ tìm ra giải pháp mặc dù các nhà quan sát lo lắng về tác động đối với chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu. Nhu cầu cải cách WTO ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để cho phép tổ chức này vẫn là nhân tố chủ chốt trong hệ thống đa phương.

(theo WSJ)

Thanh Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/wto-chet-lam-sang-da-den-luc-cai-cach-de-hoi-sinh-106649.html