WTO đạt thỏa thuận tạo thuận lợi cho đầu tư vào các nước đang phát triển
Hơn 120 quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) đã hoàn tất một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào các nước đang phát triển bằng cách cải thiện tính minh bạch và xóa bỏ các rào cản quan liêu, tổ chức này cho biết.
Hiệp định Tạo thuận lợi Đầu tư cho Phát triển (IFD), được ký bởi 75% thành viên WTO ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13) đang diễn ra tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo quy định của tổ chức, hiệp định này sẽ cần có sự đồng thuận hoàn toàn trước khi có thể được đưa vào hệ thống các thỏa thuận chính thức của WTO.
Theo AFP, thỏa thuận này đã được công bố trên trang web của WTO vài giờ trước khi Hội nghị MC13 khai mạc tại Abu Dhabi ngày 26/2.
WTO cho biết thỏa thuận này nhằm cải thiện môi trường kinh doanh quốc tế và giúp các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực tiến hành kinh doanh một cách dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho “dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… đặc biệt là đến các nước đang phát triển và kém phát triển nhất” với mục đích thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Để đạt được điều này, các nước tham gia đã đồng ý “cải thiện tính minh bạch của các biện pháp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng các biện pháp hỗ trợ đầu tư khác và thúc đẩy hợp tác quốc tế”.
Người đứng đầu WTO Ngozi Okonjo-Iweala gọi đây là một “thỏa thuận tiên phong, hứa hẹn sẽ giúp các bên ký kết thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng”.
Trong khi đó, ông Valdis Dombrovskis, Giám đốc thương mại của Liên minh châu Âu, cho rằng “đây là cơ hội để các nước đang phát triển và kém phát triển nhất tăng cường năng lực thu hút thêm đầu tư”.
Các bên ký kết đã đưa ra đệ trình yêu cầu đưa hiệp định này vào hệ thống các thỏa thuận chính thức của WTO trong hội nghị ở Abu Dhabi, dự kiến sẽ kéo dài từ nay đến ngày 29/2. Việc này sẽ cho phép các quốc gia thành viên khác tham gia hiệp định trên cơ sở tự nguyện.
Theo một nghiên cứu cập nhật gần đây của Viện Phát triển và Bền vững Đức (IDOS), việc thực hiện đầy đủ IFD có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể cho các thành viên WTO. Ước tính, IFDA có thể tạo ra mức tăng phúc lợi toàn cầu từ 0,63% - 1,73% (tương đương 295 – 1.041 tỷ USD), với phần lớn lợi nhuận dồn vào các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Được biết, kể từ khi bắt đầu tại MC11 vào năm 2017, sáng kiến IFD đã mang tính toàn diện, minh bạch và cởi mở đối với tất cả các thành viên WTO. Bắt đầu với 70 thành viên WTO vào năm 2017, hiện có khoảng 120 thành viên tham gia, khiến đây trở thành Sáng kiến chung lớn nhất tại WTO. Trong số các thành viên tham gia, có hơn 80 nước đang phát triển, trong đó có 25 nước kém phát triển nhất (LDC).