Xã An Bình: Nghề mây sả đan góp phần giảm nghèo bền vững

Vừa tận dụng được khoảng thời gian nhàn rỗi, vừa cải thiện thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình, nghề mây sả đan góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững ở xã vùng sâu An Bình (Lạc Thủy).

Mặt hàng mây sả đan do người dân xã An Bình sản xuất được giới thiệu tại gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Thủy lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Mặt hàng mây sả đan do người dân xã An Bình sản xuất được giới thiệu tại gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Thủy lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Điều kiện kinh tế của gia đình chị Đinh Thị Duyên, thôn Đại Đồng trong 2 năm gần đây ổn định hơn nhờ nghề mây sả đan. Cũng như một số chị em trong thôn, chị nhận nguồn nguyên liệu từ Công ty CP du lịch sinh thái An Lạc Hoa mang về nhà làm thủ công. Chị Duyên cho biết: Nếu chịu khó có thể đảm bảo ngày công 150 - 180 nghìn đồng/ngày, bình quân thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm đan được hoàn thiện theo yêu cầu và khá đa dạng, từ các vật dụng lót ly, đĩa đựng giấy ăn, giỏ đựng quà, đựng bát đĩa, đến các loại hộp đựng bánh kẹo, hộp chè, cặp sách, cặp du lịch, túi treo... Nhờ chịu khó học hỏi các mẫu hàng và khéo léo, chăm chỉ, sản phẩm do chị em làm ra giữ được uy tín, chất lượng.

Cũng từ nghề mây sả đan, nhiều hộ ở các thôn tận dụng diện tích đất bãi, kể cả vùng cằn cỗi, gồ ghề để trồng sả, trở thành đối tác cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp. Theo chị Quách Thị Luyện ở thôn Tiên Lữ, cứ 40 - 60 ngày, diện tích sả cho thu hoạch 1 lần, giá thành khoảng 900.000 đồng/sào, mỗi năm, các hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng từ trồng sả. Bên cạnh đó, một số lao động địa phương được tiếp cận, tham gia quy trình sản xuất, chế biến tinh dầu sả tại chỗ, có thêm thu nhập từ công việc này.

Đến nay, xã An Bình là địa chỉ duy nhất trên cả nước sản xuất các sản phẩm mây sả đan. Thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá của công ty, sản phẩm bán chạy trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Tạ Thị Mỹ Phương, Giám đốc Công ty CP du lịch sinh thái An Lạc Hoa chia sẻ: Sản phẩm tiêu thụ tốt ở TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng... Mỗi lần xuất hàng đi các tỉnh, thành phố thường đạt 500 - 700 sản phẩm. Hiện nay, ngoài làm theo đơn đặt hàng, một số sản phẩm được thiết kế theo ý tưởng riêng của khách hàng. Cá biệt, có những sản phẩm đã được xuất sang các nước Anh, Pháp qua hình thức quà tặng.

Đồng chí Quách Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thông qua hoạt động của doanh nghiệp, nghề mây sả đan vào địa phương từ năm 2018. Trước đó, UBND xã đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai lớp đào tạo, dạy nghề mây sả đan với 100 lao động nông thôn. Thời điểm hiện tại, có gần 30 lao động tham gia trực tiếp vào các hoạt động làm nghề mây sả đan, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, hơn 20 hộ ở các thôn Tiên Lữ, Đồng Vạn có thu nhập nhờ tham gia mô hình trồng sả của doanh nghiệp với diện tích hơn 10 ha.

Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 4,37%. So với năm 2019, bình quân thu nhập đầu người tăng 6 triệu đồng, hộ nghèo giảm 2%. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, khoảng 3 năm trở lại đây, nghề mây sả đan đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo. Xã đã lựa chọn và xây dựng sản phẩm mây sả đan tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tiếp thêm động lực kích thích kinh tế, phát triển ngành nghề mới, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa tại địa phương.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/147984/xa-an-binh-nghe-may-sa-dan-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-.htm