Xã Cao Dương: Quan tâm giải quyết mâu thuẫn giữa doanh nghiệp khai thác đá và nhân dân vùng bị ảnh hưởng

Xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được sáp nhập từ 3 xã, gồm 26 thôn, xóm và gần 17 nghìn nhân khẩu. Địa bàn rộng, có nguồn tài nguyên phong phú, nhất là đá làm vật liệu xây dựng.

Xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được sáp nhập từ 3 xã, gồm 26 thôn, xóm và gần 17 nghìn nhân khẩu. Địa bàn rộng, có nguồn tài nguyên phong phú, nhất là đá làm vật liệu xây dựng.

Hiện trên địa bàn xã có 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, có 17 mỏ đá được cấp phép khai thác, trong đó 13 mỏ đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động và là động lực phát triển KT-XH địa phương. Hầu hết quá trình khai thác và chế biến vật liệu xây dựng, các mỏ đá chấp hành tốt quy định của pháp luật. Các mỏ cùng các thôn, xóm thực hiện tốt quy ước, hương ước như giờ giấc làm việc, thời gian nổ mìn, thời gian khai thác, chế biến theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, như việc xe vận chuyển hàng hóa, vật liệu thường quá giờ quy định của quy ước, hương ước thôn, xóm. Tình trạng đó làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, nhân dân đã phản ánh lên các cấp có thẩm quyền. Một số người dân ven đường Hồ Chí Minh tụ tập ngăn cản việc vận chuyển ở đường vào mỏ số 7, mục đích đề nghị hỗ trợ tác động môi trường.

Trong thời gian qua, UBND xã Cao Dương cùng các phòng, ban chuyên môn của huyện và các sở, ngành đã kiểm tra việc thực hiện theo quy định pháp luật của các mỏ trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, một số mỏ thực hiện chưa triệt để dẫn đến phải tạm dừng hoạt động khai thác để khắc phục những thiếu sót.

Đồng chí Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn xã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến đất đai và môi trường. Trong đó tập trung chủ yếu là các hộ dân gần mỏ đá chịu ảnh hưởng, tác động của việc khai thác đá như: nổ mìn rung chấn làm nứt nhà, ô nhiễm về môi trường, khói bụi từ các mỏ khai thác, chế biến, vận chuyển làm ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân… Sau khi nắm bắt tình hình, UBND xã lập tổ công tác xác minh ý kiến nhân dân phản ánh làm cơ sở tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp khai thác đá, UBND xã với các hộ dân chịu ảnh hưởng. Qua các cuộc đối thoại cơ bản có tiếng nói chung đi đến thống nhất, đó là: Hỗ trợ về khói bụi, hàng năm, các doanh nghiệp hỗ trợ hộ dân cách mỏ từ 150 - 300m là 6 triệu đồng/hộ/năm; từ 300 - 400m là 5 triệu đồng/hộ/năm. Về các hộ thiệt hại do rung chấn làm nứt nhà, doanh nghiệp đã chủ động đến các hộ dân thỏa thuận việc hỗ trợ, đồng thời phân công thường xuyên trực nhật để tưới nước dập bụi các tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng từ các mỏ đá. Ngoài ra, các doanh nghiệp cùng các thôn, xóm chịu ảnh hưởng từ mỏ đá hỗ trợ tinh thần, vật chất cho nhân dân dân trong dịp lễ, Tết; cùng UBND xã thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ như xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách, làm đường GTNT, hỗ trợ một số hạng mục công trình cho trường mầm non trên địa bàn xã.

Đồng chí Nguyễn Văn Khiên cho biết thêm: Điểm quan trọng là chính quyền quan tâm, các doanh nghiệp luôn phối hợp UBND xã cùng bà con từng bước giải quyết những vướng mắc. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do các mỏ đá gây ra.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/190975/xa-cao--duong-quan-tam-giai-quyet-mau-thuan-giua-doanh-nghiep-khai-thac-da-va-nhan-dan-vung-bi-anh-huong.htm