Xã Cao Sơn (Đà Bắc): Người dân bức xúc vì bãi rác bốc mùi, nước sinh hoạt bị ô nhiễm

Bãi xử lý chôn lấp rác bốc mùi nồng nặc, hôi thối; nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, có nhiều váng, vẩn đục là nỗi bức xúc, trăn trở của người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) nhiều năm nay.

Bãi rác tại xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn (Đà Bắc) bốc mùi hôi thối, nhiều ruồi nhặng gây bức xúc cho người dân.

Bãi rác tại xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn (Đà Bắc) bốc mùi hôi thối, nhiều ruồi nhặng gây bức xúc cho người dân.

Bãi rác hàng nghìn m2 cách nhà dân chưa đến 50 m

Cùng cán bộ xã đến kiểm tra thực tế tại hộ ông Đỗ Tiến Dũng, xóm Sơn Phú, ngay lập tức chúng tôi phải bịt mũi bởi mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác lộ thiên hàng nghìn m2 chưa được chôn lấp, đầy ruồi nhặng ngay phía sau nhà. Ông Dũng bức xúc: "Nhà tôi ở gần bãi rác cả chục năm nay rồi. Lúc chiều tối, đêm hoặc khi lộng gió, mùi từ bãi rác xộc lên đến nhức đầu, hôm nào trời mưa thì đỡ chứ nắng ráo thì không ngủ nổi, ăn bữa cơm cũng không được ngon. Nhà luôn phải đóng kín cửa mỗi khi ra vào, cửa sổ chẳng bao giờ dám mở. Phên dính ruồi treo trước cửa cứ 2 - 3 ngày là đen kịt. Nhiều lần gia đình tôi có ý kiến tại các cuộc họp xóm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Điều ông Dũng bức xúc hơn cả là bãi rác được xây dựng cách nhà ông chưa tới 50 m. Không chỉ nhà ông Dũng, gần 20 hộ tại xóm Sơn Phú cũng chịu chung tình trạng như vậy. Được biết, bãi rác của xóm Sơn Phú được xây dựng từ năm 2007 với diện tích trên 7.000 m2. Hộ ông Lường Bình Sơn đã hợp đồng với xã nhận thu gom rác từ các hộ đem đến bãi để chôn lấp. Mỗi năm, huyện hỗ trợ 30 triệu đồng cho việc xử lý rác đối với xóm Sơn Phú, hộ ông Sơn cũng đã thu 10.000 - 15.000 đồng/hộ/tháng để hỗ trợ thực hiện việc thu gom rác. Sau khi thu gom về bãi, ông Sơn xử lý men vi sinh, chôn tại chỗ, tuy nhiên, đến nay, bãi đã quá tải không thể tiếp tục chôn lấp.

"Nhiều lần đơn vị thu gom rác có ý định xử lý đốt để giảm tải khối lượng, nhưng các hộ trong xóm đều phản đối. Bình thường mùi đã khó chịu rồi, đốt lên chắc các hộ quanh đây không sống nổi, ruồi nhặng quanh năm. Về lâu dài, chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ về bệnh hô hấp và các bệnh truyền nhiễm” - ông Dũng trăn trở.

Mặc dù chưa nhận được đơn thư khiếu kiện của bà con nhưng vấn đề về bãi rác vẫn là chủ đề "nóng”, đưa ra bàn luận sôi nổi tại các cuộc họp. Qua nắm bắt tình hình, xã đã khảo sát việc di chuyển bãi rác của xóm Sơn Phú sang khu Èn Chiêng, xóm Sèo, cách xa khu dân cư 4 km. Trong khe núi khu Èn Chiêng, nếu cho đốt hoặc san lấp đều không ảnh hưởng đến môi trường không khí, nguồn nước. Tuy nhiên, quá trình di chuyển bãi rác gặp vướng mắc do khu Èn Chiêng thuộc đất lâm trường, do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý. Đã nhiều lần đề xuất với huyện và các cấp có thẩm quyền nhưng hơn 2 năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác xóm Sơn Phú vẫn chưa được giải quyết.

Nước sinh hoạt có váng nhớt màu vàng, nổi bọt trắng

Đó là tình trạng chung của hầu hết các xóm trên địa bàn xã Cao Sơn, trong đó nặng nề nhất là tại xóm Sơn Lập. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ ống dẫn đặt tại các khe, mó nước trên núi.

Anh Trương Văn Hiếu, Trưởng xóm Sơn Lập cho biết: "Nước từ ống dẫn trên các mó nước thỉnh thoảng đục ngầu, có váng nhớt màu vàng bám đầy thành xoong, nồi, đun sôi lên nổi đầy bọt trắng. Hộ có điều kiện sử dụng máy lọc nước, khoan giếng, dùng bể lọc để giải quyết tình trạng nhưng cũng không hết, hộ khó khăn thì hứng nước mưa hoặc dùng trực tiếp nước mó không qua xử lý bằng cách đợi lắng, gạn lấy phần nước trong để dùng. Đau mắt, ngứa ngáy và các bệnh da liễu khác là những bệnh thường gặp”.

Nhiều cán bộ xã cho rằng, váng nhớt màu vàng dính đầy thành xoong, nồi có liên quan đến thói quen phun thuốc diệt cỏ của một số người dân khi làm nương rẫy. Bởi, sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở hạn chế sử dụng các chế phẩm hóa học, tình trạng ỗ nhiễm nguồn nước có giảm, nhưng một thời gian sau đâu lại vào đấy. Do ít bãi bằng để canh tác, nhiều hộ tận dụng các sườn núi trồng ngô, sử dụng thuốc diệt cỏ để đỡ tốn công chăm sóc. Nếu tình trạng các xóm khác chỉ là vẩn đục do nhiễm đá vôi thì nguồn nước tại xóm Sơn Phú giống như "tử thần”, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Xóm Sơn Phú nằm ở vùng trũng hơn so với các xóm khác, hóa chất chảy theo mạch nước ngầm ảnh hưởng tới các hộ cũng nhiều hơn. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, ngoài nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, địa bàn cũng thiếu nước trầm trọng, nước qua ống dẫn vừa đục vừa yếu, nhiều hộ phải mang can nhựa ra suối cách xa nhà lấy nước về dùng. Trên địa bàn xã cũng chưa có công trình nước sạch tập trung cho các hộ. Nhiều đoàn khảo sát đã về địa bàn kiểm tra tình trạng nguồn nước nhưng đến nay chưa có sự cải thiện. Từ vấn đề rác thải sinh hoạt và nước sạch, tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới của xã vẫn là "bài toán khó” chưa có lời giải.

Đồng chí Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Mong muốn của bà con xóm Sơn Lập, Sơn Phú cũng là mong muốn chung của xã Cao Sơn được xây dựng công trình nước sạch, bãi rác hợp vệ sinh, xa khu dân cư, đảm bảo sinh hoạt và an toàn sức khỏe cho người dân. Công trình nước sạch chưa có, bãi rác chưa được di dời, người dân vẫn còn phải sống trong cảnh âu lo”.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/156236/xa-cao-son-da-bac-nguoi-dan-buc-xuc-vi-bai-rac-boc-mui,-nuoc-sinh-hoat-bi-o-nhiem.htm