Xã Chăm Phú Lạc háo hức chờ đón năm học mới
Những ngày cuối tháng 8, ghé xã thuần Chăm Phú Lạc – huyện Tuy Phong, ngay thời điểm trường học các cấp cho học sinh tựu trường, mới thấy không khí háo hức, vui tươi của thầy và trò sau 3 tháng hè gặp lại nhau. Niềm vui của người dân nơi đây như nhân đôi khi cách đó chỉ vài ngày, UBND xã Phú Lạc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Rộn ràng ngày tựu trường
Từ sáng sớm, học sinh các cấp học ở Phú Lạc đã háo hức đến trường trong bộ đồ đồng phục tươm tất, đặc biệt là các em học sinh đầu cấp lớp 1 và lớp 6. Với đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên các trường học đã tổ chức các hoạt động vui chơi để tạo hứng thú, đã thu hút trẻ đến trường. Chúng tôi ghé trường THCS Phú Lạc ngay thời điểm thầy cô và học trò bận rộn vệ sinh trường lớp, nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ, tươi cười. Mỗi người một việc, thầy cô thì sắp xếp lại hồ sơ, tủ sách vận chuyển sang dãy phòng mới, còn học sinh thì quét dọn, lau chùi bàn ghế lớp học, rồi thầy và trò cùng nhau vệ sinh sân trường... Tuy điều kiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực của nhà trường, chính quyền địa phương, công tác chuẩn bị năm học mới đã sẵn sàng.
Trường THCS Phú Lạc thay "áo mới".
Thầy Võ Thanh Thông – Hiệu trưởng trường THCS Phú Lạc đang hướng dẫn thợ thay bảng hiệu mới cho trường, gặp chúng tôi vui vẻ cho biết: “Năm học mới này, nhà trường đưa vào hoạt động dãy nhà hành chính mới với 11 phòng, nên giáo viên cũng như công nhân viên chức nhà trường rất phấn khởi. Về phòng học cũng như số lượng giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học này. Đặc thù học sinh của trường chủ yếu là dân tộc Chăm, do đó công tác tuyển sinh cũng như vận động học sinh ra lớp được nhà trường rất quan tâm. Đến nay, công tác tuyển sinh đã đạt chỉ tiêu với 113/114 em”.
Nhà trường đưa vào hoạt động dãy nhà hành chính mới với 11 phòng.
Khó khăn nhất hiện nay mà không riêng trường THCS Phú Lạc gặp phải là chưa được trang bị thiết bị dạy học cho khối 6, 7, 8 theo chương trình mới. Do đó, nhà trường phải vận động xã hội hóa trang bị ti vi cho từng lớp để các em phần nào tiếp cận được những kiến thức mới sinh động, thiết thực.
Thầy và trò chung tay dọn dẹp vệ sinh phòng học
Nhìn các em học sinh xúm xít, đùa giỡn trong sân trường, mới thấy hết không khí vui tươi của những ngày tựu trường. Hầu hết các em đều trông ngóng đến ngày khai giảng năm học mới và sẵn sàng phấn đấu cho 1 năm học với thành tích cao nhất. Không chỉ tập trung tổng vệ sinh, đội văn nghệ của trường này đã tích cực tập dợt các tiết mục hấp dẫn cho ngày khai giảng hơn 1 tuần nay. Được thầy Thông giới thiệu, chúng tôi mới biết đội văn nghệ là điểm sáng của trường nhiều năm nay, khi hơn 20 học sinh trong đội khá chuyên nghiệp thể hiện văn hóa Chăm qua các điệu múa đặc sắc. Cô Lý Thị Tha – Phụ trách văn thể nhà trường cho biết thêm: “Đội văn nghệ này không chỉ biểu diễn trong trường, mà còn chuyên phục vụ các lễ hội văn hóa truyền thống ở địa phương và được lãnh đạo huyện đánh giá cao”.
Đội văn nghệ của trường tích cực luyện tập cho tiết mục lễ khai giảng.
Đội văn nghệ của trường biểu diễn trong buổi công bố xã Phú Lạc đạt chuẩn NTM.
Sự sáng tạo trong cách dạy và học
Cách đó không xa, trường tiểu học Lạc Trị cũng nhộn nhịp không kém, không khí ngày tựu trường cũng đã lan tỏa đến từng lớp học. Khi chúng tôi đến, các cô giáo cũng đang tập dợt cho học sinh các tiết mục văn nghệ đặc biệt cho ngày khai giảng. Trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng, các cô tận tình hướng dẫn các em đứng theo hàng, nhất là các em vào lớp 1, có cô thị phạm cho các em ôn lại các động tác cho tiết mục văn nghệ sắp tới.
Diễn tập văn nghệ cho lễ khai giảng sắp tới
Hướng dẫn các em đi theo hàng, vào đội hình.
Vui nhất là năm học này, trường đưa vào hoạt động thêm 6 phòng học mới, đáp ứng cho tổng số 430 học sinh/15 lớp toàn trường. Hơn 1 tuần nay, tập thể giáo viên, công nhân viên chức của trường đã tập trung tôn tạo cảnh quan, vệ sinh trường lớp, trang trí cho các phòng học mới, bổ sung cho phòng học cũ với rất nhiều hình ảnh, đồ dùng học tập đa sắc màu, được các cô tự tay cắt dán. Cô giáo Qua Thị Nhị Chuế - phụ trách khối lớp 1 chia sẻ: “Với nhiều hoạt động phụ trợ được các cô trong trường tự sáng tạo, cùng nhiều trò chơi sinh động chắc chắn sẽ giúp các em nhỏ hứng thú khi đến trường”.
Các cô tập trung trang trí lớp học với rất nhiều hình ảnh đa sắc màu
Các cô sáng tạo nhiều trò chơi, nhiều hoạt động phụ trợ giúp các em tiếp thu dễ dàng hơn.
Cô Lý Thị Kim Loan – Hiệu trưởng trường tiểu học Lạc Trị chia sẻ thêm: “Thời gian nghỉ hè, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp, cũng như khó tiếp thu kiến thức khi bước vào lớp 1 vì hơn 96% học sinh trong trường là dân tộc Chăm. Do đó, trong hè các cô trong trường đã tăng cường dạy Tiếng Việt cho các em. Đây cũng là nhiệm vụ thường niên của trường khi sắp bước vào năm học mới. Các lớp tăng cường này sẽ giúp học sinh dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1 làm quen với Tiếng Việt. Quan trọng hơn là tạo cho các em sự tự tin trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Bên cạnh đó, ở các khối lớp lớn (từ lớp 2 – 5), việc dạy tiếng Chăm cho các em cũng được quan tâm. Tuy nhiên, so với các năm trước, hiện các em chỉ được học 2 tiết/tuần và khó khăn nhất hiện nay là chưa có sách tiếng Chăm cho giáo viên lẫn học sinh. Sách tiếng Chăm cũng được cải cách, đổi mới, đã thẩm định xong nhưng mấy năm nay vẫn chưa phổ biến về trường. Các giáo viên phải “tự biên, tự diễn” dựa trên chương trình sách cũ, rất vất vả”.
Một tiết mục múa quạt dễ thương của các em nhỏ trường tiểu học Lạc Trị.
Những học sinh đầu cấp tựu trường còn nhiều bỡ ngỡ.
Có thể thấy các trường vùng sâu, vùng xa đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học khi lễ khai giảng đang đến gần. Tuy nhiên, còn 1 nỗi lo lớn nhất khi tôi hỏi đến, các thầy cô cũng ngại trả lời là việc thu học phí. Đặc biệt trong năm học này sẽ áp dụng thu học phí theo quy định mới. Đối với mức thu cũ trong những năm học trước là 270.000 đồng/học sinh/năm, thì với mức mới mỗi em phải đóng 450.000 đồng/năm. So với điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc, với mức mới này càng khó khăn hơn.
Theo Phòng Giáo dục huyện Tuy Phong, về mua sắm trang thiết bị dạy học, trong năm 2023, huyện đã bố trí dự toán 29 tỷ đồng (trong đó chuyển nguồn 10 tỷ đồng bố trí năm 2022 sang năm 2023 do chưa mua sắm được trong năm 2022). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa triển khai mua sắm được, là do cấp thẩm quyền chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo quy định Thông tư số 16 ngày 4/10/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, UBND huyện đã có Công văn số 2148 ngày 7/8/2023 kiến nghị UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác giảng dạy của các đơn vị trường học năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo.