Xã có… '1.200 kiểm lâm'!
Sống trong vùng lõi rừng, nhưng không ai chặt phá cây rừng. Cả 1.200 người dân trong xã đều coi chuyện giữ rừng là trách nhiệm, phá rừng là cấm kỵ. Câu chuyện thực tế ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Chúng tôi đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) khoảng 2 tuần sau khi cơn lũ lớn quét qua địa phương này. Dọc con đường ven suối để đi lên rừng, nhiều cây gỗ lớn đổ ngổn ngang; những cây nhỏ hơn đã được cưa gọn và xếp ngay ngắn hai bên đường.
Không có bóng dáng bảo vệ hay kiểm lâm và bằng mắt thường cũng thấy nhiều cây gỗ lớn có thể tận dụng để sử dụng vào nhiều việc… vậy nhưng hoàn toàn không thấy người dân nào vào lấy những cây gỗ đã đổ ngã. Đem ngạc nhiên này thắc mắc với anh Hà Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn – anh Minh cười lớn: “Sau lũ 2 tuần, chứ 2 tháng nữa thì những cây gỗ vẫn nằm đó thôi, đồng bào ở Xuân Sơn bỏ thói quen vào rừng lấy gỗ từ lâu rồi…”.
Tìm hiểu thêm về việc bảo vệ rừng của đồng bào Mường, Dao ở Xuân Sơn, Chủ tịch Minh cho hay: Xã Xuân Sơn nằm trọn trong 15.000 héc-ta vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, bao quanh bởi những cánh rừng tự nhiên, với vô số cây to như: Táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ. Đặc biệt nơi đây còn có rừng chò chỉ giàu và đẹp nhất miền Bắc. Trước năm 1996, khi đó Vườn Quốc gia Xuân Sơn mới là khu bảo tồn, hiện tượng người dân vào rừng chặt phá lấy gỗ vẫn có, nhưng từ khi được công nhận là Vườn Quốc gia, công tác bảo vệ rừng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Năm 2008, có 4 người dân vào rừng khai thác cây nghiến đã bị truy tố, không chỉ bị phạt tiền mà còn phải chịu án treo, chịu sự lên án của chính người dân trong xã.
Ngoài lực lượng kiểm lâm kiểm tra, chốt chặn thường xuyên, đến nay, tại 4 bản của Xuân Sơn, bản nào cũng có một Tổ bảo vệ rừng hoạt động thường xuyên. Ông Đặng Vĩnh Phúc (dân tộc Dao) - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng đặc dụng bản Cỏi chia sẻ: Bản Cỏi có 92 hộ dân với 400 nhân khẩu. Từ khi thành lập Tổ bảo vệ rừng bản Cỏi, mỗi hộ thường xuyên có 1 thành viên tham gia vào tổ. Hiện Tổ bảo vệ có 92 thành viên, được xã phân công bảo vệ 1.652 héc-ta diện tích rừng thuộc bản Cỏi và khu vực giáp với tỉnh Sơn La. “Mỗi tuần chúng tôi lại thay nhau đi tuần một vòng, chủ yếu là canh chừng người dân đi lấy phong lan, chặt cây thuốc, bẫy thú rừng, đốt lửa không đúng nơi quy định… Công việc khá vất vả vì thường đi bộ 15 - 20 km đường rừng mỗi ngày, nhưng hộ nào được phân công đều tham gia rất đầy đủ, mặc dù số tiền nhận được từ công tác bảo vệ rừng chỉ hơn 1 triệu đồng/hộ/năm”.
Cũng theo lời ông Phúc, ngoài việc tham gia vào Tổ bảo vệ rừng, hàng tháng, đơn vị kiểm lâm và UBND xã Xuân Sơn đều thông qua các cuộc họp thôn bản, loa phát thanh, khuyên bà con không đi săn bắn, không chặt cây, đốt lửa bừa bãi; tuyên truyền để bà con nắm rõ về lợi ích cũng như những chế tài xử phạt nếu người dân nào cố tình vi phạm… Không chỉ với người lớn, mà các em nhỏ ở Xuân Sơn cũng được học về giữ rừng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với cố gắng này, từ khi được tuyên truyền, được hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, đồng bào Mường, Dao ở Xuân Sơn đã không còn sống phụ thuộc vào rừng. Chuyện rủ nhau vào rừng chặt cây đã trở thành chuyện cấm kỵ. Đây cũng chính là cơ sở để Chủ tịch Hà Đức Minh rất tự hào khi chia sẻ: “1.200 người dân ở Xuân Sơn, ai cũng có ý thức giữ rừng, nên chúng tôi vẫn hay nói vui là Xuân Sơn có 1.200 kiểm lâm, người Xuân Sơn còn là rừng còn…”.
Đáng nói hơn cả là, khi rừng được giữ gìn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà một số hộ dân ở Xuân Sơn còn có điều kiện để mở dịch vụ homestay tăng thu nhập. Hiện với 8 homestay có thể phục vụ ăn, nghỉ, văn nghệ cho vài trăm khách/ngày, xã Xuân Sơn đang là điểm dừng chân của rất nhiều du khách – những người muốn được hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng không khí mát dịu giữa những cánh rừng xanh bạt ngàn.
Câu chuyện giữ rừng của Xuân Sơn và câu chuyện cả thôn rủ nhau đi phá rừng xảy ra hồi tháng 6 vừa qua ở thôn Đâng Bun, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đang cho thấy: Người dân ở gần rừng, sống cùng với rừng nên giữ được rừng hay không – vai trò của người dân là quan trọng nhất. Chỉ khi hiểu được giá trị của rừng, có được những sinh kế để ổn định cuộc sống thì người dân mới không còn tư tưởng trông vào rừng để khai thác.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xa-co-1200-kiem-lam-122815.html