Xã công giáo thực hiện nghị quyết 'chắc cây, tốt rễ'
PTĐT - Là xã miền núi có diện tích đất đồi rừng chiếm tới hơn 60% tổng diện tích đất tự nhiên, lợi thế này giúp Đảng bộ xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê lãnh đạo và triển khai thành công nghị quyết phát triển kinh tế đồi rừng.
Ông Nguyễn Đình Xuyên- Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi thường gọi đây là nghị quyết “chắc cây, tốt rễ” bởi nghị quyết này đã khai thác được thế mạnh địa phương, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Trước đây, người dân chỉ khai thác các thứ sẵn có của đồi rừng chứ chưa biết cách trồng và chăm sóc rừng để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi nghị quyết được ban hành, xã đã phối hợp với các đơn vị như Khuyến nông, Ban quản lý các dự án về phát triển rừng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện năng suất bình quân rừng trồng đạt khoảng 50m3/ha, thu nhập trung bình khoảng 30- 40 triệu đồng/năm. Nguồn thu có được từ đồi rừng, trang trại giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi con ăn học, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.Hiện xã Hương Lung có khoảng 300 hộ tham gia sản xuất đồi rừng. Hàng năm toàn xã trồng mới từ 40-70ha cây lâm nghiệp và thực hiện tốt việc bảo vệ trên 40ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Đa phần các hộ đầu tư phát triển theo mô hình VACR, tạo nhiều nguồn thu khác nhau, trong đó có những hộ có diện tích đất rừng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Hoàng Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Bồng, Phạm Văn Tửu…Đảng viên Nguyễn Văn Tân ở khu 7 cho biết: Gia đình tôi hiện có 15ha đất trồng rừng. Sau khi có nghị quyết của Đảng ủy, việc phát triển kinh tế đồi rừng được quan tâm hơn. Xã đã thực hiện việc khoanh vùng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đồng thời phối hợp với các ngành vận động và tư vấn để các hộ dân trồng rừng trong xã đã chuyển từ bạch đàn sang trồng keo lai, vừa góp phần cải tạo đất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiệu quả kinh tế có được từ nghị quyết không chỉ dừng ở đó. Nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ, người dân trên địa bàn xã đã mở các cơ sở khai thác, chế biến gỗ, dịch vụ vận tải, tạo việc làm cho lao động địa phương. Là xã công giáo toàn tòng, Đảng ủy, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với giáo xứ, thông qua nhà thờ tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện tốt việc chăm sóc bảo vệ rừng, cải tạo vườn tạp, mở rộng mô hình trồng cây có giá trị kinh tế trên đất vườn, tạo nguyên liệu tại chỗ phục vụ các cơ sở chế biến nông, lâm sản. Từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã mở thêm đường lên đồi, để người trồng rừng không phải vận chuyển xa, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Đến nay, tổng thu toàn xã từ vườn rừng, trang trại và các ngành nghề dịch vụ đạt khoảng 60 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra, khẳng định hiệu quả có được từ thực hiện nghị quyết của Đảng bộ.Trong nhiệm kỳ 2020-2025, phát triển đồi rừng tiếp tục được địa phương xác định là kinh tế chủ lực, để khuyến khích người dân, Đảng ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho người trồng rừng vay vốn mua cây giống, phân bón hoặc mua máy chế biến gỗ; mở rộng và cứng hóa những tuyến đường vận chuyển nguyên liệu gỗ để giúp người trồng rừng thuận tiện trong khai thác, thu mua lâm sản; tiến hành đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài để các hộ yên tâm đầu tư sản xuất. Ông Dương Văn Công- Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư số 2 khẳng định: Kinh tế hộ phát triển đã góp phần không nhỏ trong việc đưa khu dân cư số 2 trở thành một trong 3 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, là bước đệm để xã Hương Lung hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và khẳng định nghị quyết “chắc cây, tốt rễ” đi đúng hướng.