Xã Đại Thanh: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Đại Thanh được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh (thuộc huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Kiến Hưng (thuộc quận Hà Đông); các xã: Tam Hiệp, thị trấn Văn Điển (thuộc huyện Thanh Trì).

Lý do lấy tên phường mới là Đại Thanh bởi Đại Thanh có nghĩa là vùng đất trong xanh, rộng lớn, lớn mạnh, thể hiện được vùng đất phát triển sau sáp nhập. “Đại” - nghĩa là to lớn, hội tụ, kế thừa, phát triển; “Thanh” - đại diện chung cho Thanh Trì, cho xã Tả Thanh Oai, là làng cổ, làng khoa bảng, nhiều di tích lịch sử, cách mạng. Từ Đại Thanh là tên xã cổ của xã Tả Thanh Oai đã từng xuất hiện trong lịch sử từ trước năm 1965; mang nghĩa là vùng đất lớn mạnh, thanh cao; thể hiện được sức mạnh sau sáp nhập. Vì vậy, việc chọn tên gọi của đơn vị hành chính mới là xã Đại Thanh mang ý nghĩa khoa học, lịch sử to lớn.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Đại Thanh.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Đại Thanh.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Đại Thanh

Xã Đại Thanh giáp các phường: Yên Sở, Phú Lương, Kiến Hưng, Thanh Liệt, Hoàng Liệt và các xã: Bình Minh, Tam Hưng, Ngọc Hồi, Thanh Trì của thành phố Hà Nội. Xã Đại Thanh có diện tích tự nhiên là 18,92 km2; quy mô dân số là 92.557 người.

Xã Đại Thanh được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh (thuộc huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Kiến Hưng (thuộc quận Hà Đông); các xã: Tam Hiệp, thị trấn Văn Điển (thuộc huyện Thanh Trì).

Phường Kiến Hưng (Quận Hà Đông) 0,01km2 136 Điều chỉnh từ phường Kiến Hưng (4,20 km2; 41.580 người)
Thị trấn Văn Điển (Huyện Thanh Trì) 0,29 6.885 Điều chỉnh từ thị trấn Văn Điển (0,91 km²; 20.012 người)
Xã Tả Thanh Oai (Huyện Thanh Trì) 8,03 35.116 Điều chỉnh từ xã Tả Thanh Oai (8,09 km²; 36.541 người)
Xã Hữu Hòa (Huyện Thanh Trì) 2,90 12.336 Điều chỉnh từ xã Hữu Hòa (2,96 km²; 14.370 người)
Xã Tam Hiệp (Huyện Thanh Trì) 2,79 13.868 Điều chỉnh từ xã Tam Hiệp (3,20 km²; 17.746 người)
Xã Vĩnh Quỳnh (Huyện Thanh Trì) 4,90 24.216 Điều chỉnh từ xã Vĩnh Quỳnh (6,43 km²; 30.307 người)

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Đại Thanh

Xã Đại Thanh sở hữu nhiều lợi thế về vị trí, hạ tầng và cơ cấu phát triển. Xã nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô, có vị trí kết nối thuận tiện với nội đô và các tỉnh phía Nam qua các tuyến giao thông như: quốc lộ 1A, quốc lộ 70, đường vành đai 3. Trên địa bàn tập trung nhiều khu đô thị lớn như Đại Thanh, Kiến Hưng,… cùng các khu tái định cư và đất dịch vụ đông dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại - dịch vụ, giáo dục và y tế.

Đặc điểm kinh tế xã Đại Thanh

Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh: Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các tuyến đường lớn như quốc lộ 1A, quốc lộ 70, vành đai 3, xã Đại Thanh là điểm trung chuyển giao thương sôi động giữa nội đô Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Các khu đô thị đông dân như Đại Thanh, Kiến Hưng, khu tái định cư, đất dịch vụ… tạo ra nhu cầu lớn về tiêu dùng, nhà ở, dịch vụ vận tải, logistics, kinh doanh ăn uống, giáo dục và y tế tư nhân.

Tiểu thủ công nghiệp - làng nghề: Một số khu vực như Tả Thanh Oai, Hữu Hòa vẫn còn duy trì các ngành nghề truyền thống như cơ khí, mộc, xây dựng, gia công vật liệu, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu ổn định cho các hộ dân và giữ gìn bản sắc làng nghề ven đô.

Nông nghiệp chuyển dịch: Tuy không còn là ngành chủ lực, nhưng tại các vùng như Vĩnh Quỳnh, Hữu Hòa, người dân vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp với rau màu, cây cảnh, nuôi thủy sản nhỏ, đồng thời đang chuyển đổi dần sang nông nghiệp sạch - nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, đáp ứng nhu cầu thị trường đô thị.

Phát triển bất động sản và xây dựng: Với tốc độ đô thị hóa cao, các dự án nhà ở, hạ tầng, dịch vụ xây dựng phát triển nhanh, đặc biệt là tại các khu đô thị mới. Đây là nguồn lực lớn thúc đẩy kinh tế địa phương, kéo theo nhu cầu nhân lực và dịch vụ đô thị phát triển.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Đại Thanh

Văn hóa truyền thống của xã Đại Thanh được giữ gìn qua các lễ hội dân gian như lễ hội đình Tả Thanh Oai, đình Hữu Hòa và làng Tam Hiệp... Bên cạnh đó nghệ thuật truyền thống như hát chèo, quan họ, các làn điệu dân ca vẫn được duy trì và phát triển trong các dịp lễ hội làm phong phú đời sống văn hóa. Sự phát triển của các hoạt động văn hóa hiện đại như thể thao quần chúng, các câu lạc bộ văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng và giáo dục văn hóa giúp tăng cường gắn kết cư dân và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.

Về y tế, xã Đại Thanh có hệ thống trạm y tế hiện đại với đội ngũ nhân viên y tế chuyên môn cao, kết hợp cùng sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến trên, đảm bảo cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đa dạng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Các chương trình tiêm chủng, dự phòng và giáo dục sức khỏe được tổ chức thường xuyên, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ sức khỏe.

Về giáo dục, xã Đại Thanh có mạng lưới trường học đồng bộ từ mầm non đến trung học cơ sở với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, tạo môi trường học tập chất lượng cao. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập và trung tâm đào tạo kỹ năng được khuyến khích phát triển cũng đã đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập và nâng cao trình độ chuyên môn cho học sinh, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.

Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Đại Thanh: Thôn Huỳnh Cung, xã Đại Thanh (địa chỉ cũ: thôn Huỳnh Cung, xã Tam hiệp, huyện Thanh Trì) - Thôn Quỳnh Đô, xã Đại Thanh (địa chỉ cũ: thôn Quỳnh Đô, xã Vinh Quỳnh, huyện Thanh Trì).
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đại Thanh: đồng chí Đặng Đức Quỳnh.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Thanh: đồng chí Nguyễn Văn Hưng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đại Thanh: đồng chí Nguyễn Đình Hiếu.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-dai-thanh-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344232.htm