Xã Đồng Tâm: Nông dân sáng tạo thụ phấn cho na để đạt năng suất, chất lượng tốt
Từ lâu, quả na của xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) có tiếng bởi mẫu mã đẹp, ngọt thơm, ít hạt. Tuy nhiên, để có được những mùa bội thu, nông dân xã Đồng Tâm không phó mặc cho thiên nhiên quyết định năng suất, chất lượng quả mà những 'kỹ sư' nông dân đã nghiên cứu, học tập, sáng tạo, tỉa cành, thụ phấn bằng tay cho na. Nhờ vậy, na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt. Đặc biệt, với phương pháp thụ phấn, người trồng na được thu hoạch thêm na trái vụ sau vụ chính khoảng 1 tháng.
Your browser does not support the audio element.
Theo thống kê, tổng diện tích trồng na toàn xã khoảng 40 ha, được trồng chủ yếu ở thôn Đồng Bong và Đại Đồng. Qua nhiều năm gắn bó với cây na, người trồng na tại 2 thôn nhận thấy cây na ra rất nhiều hoa, nhưng tỷ lệ đậu quả thấp vì nhị đực và nhụy cái thường nở lệch nhau. Thường nhị đực nở trước, tung phấn rất lâu, sau đó nhụy cái mới nở, rất khó tự thụ phấn. Nếu tự thụ phấn được thì tỷ lệ đậu quả rất thấp, quả lép. Từ đó, người trồng na tại Đồng Bong, Đại Đồng đã nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm là muốn na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt phải thụ phấn bổ sung bằng tay cho na.
Ông Nguyễn Bá Dũng, thôn Đồng Bong chia sẻ: Người dân thôn Đồng Bong sống nhờ cây na. Na được trồng ở đây đã hơn 20 năm. Trước đây, chúng tôi trồng, chăm sóc na chưa có kỹ thuật, na ra hoa, thụ phấn tự nhiên nên quả chín rộ trong khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, khi na được mùa thì bị tư thương ép giá. Qua thực tiễn và tìm hiểu, chúng tôi biết tới kỹ thuật thụ phấn cho na. Để thụ phấn đạt hiệu quả cao phải chọn ngày nắng ráo, hái những hoa ở gần ngọn, đầu các cành nhỏ để lấy phấn. Thời gian hái hoa tốt nhất là buổi chiều. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra loại bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra rồi đem đi thụ phấn. Sau khi thụ phấn dùng tay cấu 1 cánh hoa để đánh dấu là đã thụ phấn để đỡ nhầm lẫn cho những lần thụ phấn sau. Nhờ phương pháp thụ phấn mà với 5.000 m2 na, mỗi năm cho gia đình tôi thu khoảng 250 triệu đồng.
Không chỉ cho chất lượng tốt hơn, nhờ thụ phấn, người trồng na có thể làm chủ thời gian na chín, không để chín rộ vào cùng một thời điểm mà chín đều nên không bị tư thương ép giá. Phương pháp thụ phấn còn tạo thêm một vụ thu hoạch na trái vụ cho người dân Đồng Tâm. Vụ chính vào tháng 8, trái vụ thu hoạch khoảng tháng 10. Na trái vụ được bán với giá cao, dao động khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg. Năng suất trung bình của na chính vụ đạt 15 - 17 tấn/ha. Thị trường tiêu thụ ổn định, tư thương từ các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam tới mua. Năm nay, đầu vụ na giá bán được 50.000 đồng/kg. Hiện, đã vào cuối vụ chính nhưng giá vẫn ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Nhờ những vườn na cuộc sống của người dân thôn Đồng Bong, Đại Đồng khởi sắc. Năm nay, sản phẩm na Đồng Bong của chủ thể HTX Dịch vụ Đồng Tâm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhằm hỗ trợ chủ thể và các hộ trồng na, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Tâm phối hợp Phòng NN&PTNT huyện mời đơn vị tư vấn về hướng dẫn HTX làm thủ tục hồ sơ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ trồng na quan tâm chăm sóc na như tỉa cành, bón phân, thụ phấn đúng kỹ thuật để năng suất, chất lượng tốt. Xã đang hướng tới trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2021. Cấp ủy, chính quyền và người dân Đồng Tâm đặt nhiều kỳ vọng sản phẩm na sẽ đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh trong năm nay. Nếu được gắn sao OCOP cấp tỉnh sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu na Đồng Tâm.