Xã Hội | Bạn đọc viết TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Đa số người dân trên địa bàn huyện Sìn Hồ kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhiều năm qua bà con gắn bó với rừng bởi họ hiểu rừng mang lại lợi ích thiết thực và bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sinh kế bền vững.

Sìn Hồ được thiên nhiên ưu đãi cho nền nhiệt và độ ẩm thuận lợi để rừng và thảm thực vật sinh trưởng, phát triển. Những năm qua, các cơ quan chức năng huyện tăng cường công tác tuyên truyền để bảo vệ rừng, tạo nền tảng cho Nhân dân phát triển kinh tế từ rừng, góp phần cải thiện đời sống.

Hiện nay, phần lớn người dân trên địa bàn huyện nhận thức được tầm quan trọng của rừng. Bởi khi rừng mất đi, kéo theo việc mất đa dạng sinh học, gây xói mòn đất, biến đổi khí hậu và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của bà con. Giữ rừng và phát triển kinh tế từ rừng từ lâu đã được chính quyền huyện Sìn Hồ xem như mục tiêu kép, cần sự chung tay của người dân để thực hiện đạt hiệu quả.

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra rừng tại địa phận giáp ranh xã Tả Ngảo và xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ). Ảnh tư liệu

Toàn huyện hiện có 67.378ha rừng, trong đó 14.854ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 42,12%. Không gian dưới tán rừng khá lớn, thuận lợi cho người dân phát triển nhiều mô hình kinh tế. Điển hình như bảo tồn, khai thác và trồng mới các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Từ khai thác hiệu quả các loại cây này, huyện đã có sản phẩm thuốc tắm phong tê thấp gia truyền Mý Dao, táo mèo khô Mý Dao, dấm táo mèo Mý Dao được công nhận sản phẩm OCOP năm 2020. Những sản phẩm này sử dụng nguyên liệu từ thực vật dưới tán rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Từ bảo vệ rừng người dân còn được hưởng lợi lớn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Năm 2020, toàn huyện đã được chi trả 35 tỷ đồng tiền DVMTR, qua đó Nhân dân có thêm nguồn vốn để tái đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tả Ngảo, Làng Mô, Sà Dề Phìn... là các địa phương được chi trả tiền DVMTR cao do diện tích rừng được bảo vệ lớn.

Anh Vừ Gió Sinh, người dân bản Lao Lử Đề (xã Tả Ngảo) cho biết: Gia đình mình ngoài thu nhập chính từ cấy lúa, trồng ngô còn nhận chăm sóc và bảo vệ 5ha rừng. Từ rừng mình còn khai thác được cây mây, loài dây leo trong rừng để làm các sản phẩm gia dụng. Dưới tán rừng, mình trồng hơn 1ha thảo quả đã cho thu hoạch. Năm vừa qua, từ rừng, gia đình thu được gần 40 triệu đồng.

Cùng với bảo vệ rừng, việc phát triển rừng được huyện Sìn Hồ quan tâm. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện trồng mới được hơn 350ha rừng, ngoài rừng phòng hộ còn kết hợp trồng các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: quế, mắc-ca... góp phần mang lại nguồn thu nhập cho người dân trồng rừng.

Ông Nguyễn Duy Hoan – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết: Vấn đề bảo vệ rừng kết hợp khai thác, thu hoạch lâm sản phụ giúp bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên địa bàn huyện, người dân các xã vùng cao còn trồng thêm một số loại thảo dược, thảo quả... dù chỉ là tự phát nhưng nhìn chung đều mang lại giá trị kinh tế. Từ thực tế đó, Sìn Hồ tập trung công tác quản lý, giao khoán bảo vệ rừng, xác định chủ rừng để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm giữ rừng. Rừng phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống cạnh rừng có điều kiện thu hoạch lâm sản phụ theo hướng bền vững.

Khai thác tốt thế mạnh từ rừng và điều kiện khí hậu từng địa phương, người dân huyện Sìn Hồ đã phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng và thu hái, bảo tồn nhiều loại thảo dược truyền thống. Trong tương lai nhiều loại cây rừng có giá trị kinh tế cao sẽ được người dân nhân giống, trồng theo hướng hàng hóa để đảm bảo an toàn hệ sinh thái rừng, nâng cao độ che phủ và đảm bảo đa dạng sinh học. Rừng đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sinh kế cho người dân Sìn Hồ.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-t%C3%A0i-nguy%C3%AAn-r%E1%BB%ABng-l%C3%A0-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-sinh-k%E1%BA%BF-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n