Chuyên gia: Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng là không phù hợp

Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách thuế đối với vàng hiện nay đã đầy đủ và phù hợp. Không thể vì để giảm nhu cầu vàng mà đánh thuế vô tội vạ được.

Chính sách thuế với vàng hiện nay là phù hợp

Chia sẻ tại tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 8/7, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, hiện nay có hai danh mục vàng: Một là vàng ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý, hai là vàng trang sức. Chính sách thuế về hai loại vàng này là rất rõ ràng.

Đối với vàng ngoại hối, vàng nguyên liệu thì Nhà nước thực hiện độc quyền nhập khẩu, với mục đích để ngân hàng trung ương dự trữ cho nền kinh tế. Biểu thuế áp dụng với loại vàng này là 0%.

“Tương tự vậy, vàng loại này thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng, bởi vì và nó là tiền, mà không ai đánh thuế giá trị gia tăng về tiền cả, tiền giấy hay tiền vàng cũng thế. Đã là nguyên lý, đã là thông lệ quốc tế, đó là quy tắc, đã là chuẩn mực thì chúng ta tuân thủ” - ông Phụng nói.

Đối với vàng trang sức, biểu thuế cho nhập khẩu vàng loại này là dưới 3%. Tương tự như vậy, thuế giá trị gia tăng áp dụng cho vàng trang sức sẽ giống như hàng hóa thông thường, mức thuế giá trị gia tăng là 10% ở khâu nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Phụng

Ông Nguyễn Văn Phụng

Hiện nay, chúng ta chỉ có 2 nguồn cung vàng. Nguồn thứ nhất là vàng do Ngân hàng Nhà nước chế tác bán ra cho các công ty vàng bạc trong hệ thống. Từ đó, các doanh nghiệp chế biến ra vàng trang sức. Nguồn thứ hai là người dân có vàng như một loại tài sản cá nhân.

“Người dân có vàng đem ra bán cho các cơ sở kinh doanh thu mua. Các cơ sở kinh doanh vàng sản xuất vàng đáp ứng cho những người có nhu cầu khác, họ ở giữa ăn chênh lệch, một chỉ vàng chỉ mấy chục nghìn.

Luật thuế giá trị gia tăng có quy định là đánh thuế giá trị gia tăng vào giá trị tăng thêm do hoạt động sản xuất kinh doanh, chế tác vàng chứ không đánh vào sản phẩm vàng.

Bởi bản chất vàng là tài sản của người dân, chính sách thuế là không đánh thuế giá trị gia tăng đối với tài sản cá nhân. Còn hoạt động kinh doanh được áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng là thuế suất 10% nhân với chênh lệch giữa giá bán, trừ đi giá mua” – ông Phụng phân tích.

Ngoài ra, nếu đó là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lợi nhuận thì sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

Nếu đó là hộ kinh doanh thì sẽ có hai trường hợp. Một là nộp thuế khoán thì hội đồng tư vấn thuế, xã, phường cùng với chính quyền địa phương sẽ xác định mức doanh thu khoán để ấn định ra mức thuế khoán.

Hai là hộ kinh doanh theo diện hộ kê khai có đầy đủ chứng từ, hóa đơn và kê khai thuế bình thường thì nộp thuế như doanh nghiệp, bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh và thuế giá trị gia tăng là 10% trên phần chênh lệch nêu trên.

Cần minh bạch để chống thất thu

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng cách quản lý thuế đối với vàng như vậy là tốt và minh bạch. Chỉ có điều là hiện nay với những hộ kinh doanh nhỏ, mức doanh thu khoán có thể đâu đó chưa đúng ở một vài thời điểm.

“Mặc dù vậy, ngành thuế đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối giữa người mua, người bán với cơ quan thuế. Khi làm được như vậy, cơ quan thuế sẽ có thông tin, dữ liệu để quản lý thuế tốt hơn và thu thuế theo đúng quy định pháp luật” – ông Nguyễn Văn Phụng cho hay.

Với quan điểm đó, vị chuyên gia cho rằng không nên đánh thuế 10% trên tổng giá trị giao dịch vàng được.

“Với những ý kiến cho rằng nên đánh thuế vàng làm người dân bớt yêu vàng đi mà để tiền luân chuyển trong lưu thông. Tôi cho rằng mục đích để chống vàng hóa nền kinh tế, để người dân bỏ tiền ra lưu thông là tốt nhưng không thể đánh thuế một cách vô tội vạ được. Thuế phải có cơ sở kinh tế của nó, phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì mới ra thuế được” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ông Phụng cho rằng, các chính sách thuế hiện nay là tương đối đầy đủ. Chỉ có điều cách quản lý để công bằng, không thất thu thì sẽ cân bằng giữa người mua, người bán và những người có liên quan.

“Tránh để tình trạng doanh nghiệp bán ra 100 cây vàng mà khai báo thuế bán có 20, 30 cây vàng. Họ trốn về doanh số là chúng ta có lỗi với người dân. Họ trốn về thu nhập là chúng ta có lỗi với Nhà nước” – ông Phụng nhấn mạnh và cho rằng, để làm được điều này thì cần cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng hợp tác và chia sẻ thông tin, dữ liệu để giúp Nhà nước quản lý, nắm bắt được doanh số giao dịch vàng. Quản lý được doanh số thì sẽ tăng được nguồn thu, chứ chưa cần thiết phải thêm một loại thuế khác.

Ông cũng cho cho rằng, khi quản lý tốt thị trường vàng cũng góp phần làm phòng, chống nền kinh tế ngầm, chống giao dịch bất hợp pháp, chống rửa tiền…

Thông qua hoạt động quản lý thuế sẽ nắm bắt được những đối tượng giao dịch như người mua, người bán là ai, mua bao nhiêu, mua lúc nào… Những dữ liệu đó sẽ đóng góp vào cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia để quản lý được xã hội tốt hơn.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-de-xuat-danh-thue-giao-dich-vang-la-khong-phu-hop-post582254.antd