Xã hội bao nhiêu vấn đề nóng bỏng, báo cáo lại 'êm ả, lạc quan'

'Tình hình đất nước, tình hình xã hội bao nhiêu chuyện đang diễn ra, có thể nói đang có những vấn đề rất nóng. Nhưng trong báo cáo của chúng ta vẫn thấy có gì đó êm ả và lạc quan', Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh QH

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh QH

Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về kết quả kỳ họp 7, cho ý kiến bước đầu về kỳ họp 8, Quốc hội khóa 14.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị nghiên cứu giảm hoặc bỏ thảo luận ở tổ do hiệu quả chưa cao; tăng thời gian thảo luận ở hội trường (từ 2,5 lên 3 ngày), đồng thời, giảm thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút.

Trước đề xuất bỏ các phiên họp tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: "Không thể bỏ vì đó là quy trình, nội quy kỳ họp. Các phiên thảo luận tổ cũng rất quan trọng, có chăng chỉ là do cách làm thôi".

Tương tự về đề xuất phương án thời gian phát biểu thảo luận 7 phút hay 5 phút, ông Lưu cũng cho rằng, đề xuất này phải do Quốc hội quyết định và phải sửa quy chế kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn, khi “tình hình đất nước, tình hình xã hội bao nhiêu chuyện đang diễn ra, có thể nói đang có những vấn đề rất nóng. Nhưng trong báo cáo của chúng ta vẫn thấy có gì đó êm ả và lạc quan”.

Về hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực, ông Lưu đặt vấn đề: Tại sao cơ quan kiểm tra Đảng nêu ra bao nhiêu việc, không phải ở một mà ở nhiều địa phương. Quốc hội giám sát chính sách, giám sát pháp luật để thấy rõ bất cập hạn chế nhưng cũng phải có những tác động. Phải có đánh giá, để người ta thấy được Quốc hội đang chuyển mình, đang nói tiếng nói của dân. Quốc hội ban hành nhiều luật, nhưng có những luật không thực sự ưu tiên về những vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi, bức xúc.

“Những vấn đề về đầu tư công tư, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, hay vấn đề đất đai nóng bỏng như thế nhưng chúng ta vẫn đang xin lùi lại. Chúng ta phải đi đúng vào đời sống và làm mạnh mẽ, thực chất. Ngay trong báo cáo tổng kết này, chúng ta cũng có nhắc tới vấn đề này vấn đề kia, vậy địa chỉ cụ thể là ai? Chậm như thế nào? Có dự án luật mời không có đồng chí nào đến dự cả. Nhiều phiên họp do lãnh đạo Quốc hội chủ trì, vắng rất nhiều, phải rút kinh nghiệm sâu sắc, có địa chỉ rõ ràng cụ thể, đừng nói chung chung nữa. Cứ như thế này nói xong lại đâu vào đấy, rồi lặp lại”, ông Lưu nói.

Vắng họp và đi giao lưu nhiều

Đánh giá về kết quả kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, mặc dù có những luật rất “nóng”, nhưng nhìn chung kỳ họp thành công trên nhiều phương diện. Có những vấn đề đại biểu Quốc hội khá quan tâm, thậm chí có những vấn đề đưa vào rất gấp gáp nhưng cuối cùng vẫn thành công. Nhiều dự án luật khó như Luật Giáo dục sửa đổi, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia…có tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự đồng thuận trong Quốc hội.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cũng nêu ra những bất cập cần rút kinh nghiệm. Một “căn bệnh trầm kha” được bà Nga nêu ra là việc gửi tài liệu về dự án luật quá muộn. “Muộn thì đến đại biểu chuyên trách tiếp cận cũng khó khăn chứ nói gì tới đại biểu kiêm nhiệm? Chúng tôi đề nghị nhiều lần tại các phiên họp nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng này. Chính phủ cho ý kiến muộn thì các Ủy ban thảo luận muộn, thẩm tra muộn thì gửi đại biểu muộn. Việc này cần phải cố gắng để khắc phục”, bà Nga nêu.

Một điểm nữa cũng nhận được nhiều ý kiến là công tác xây dựng luật thì rất tốt nhưng tuổi thọ của luật hiện nay quá ngắn. Điều này có phải do chất lượng không? Hiện nay có xu hướng tổng kết thi hành không kỹ. Có những luật tổng kết chưa đầy đủ, còn tình trạng võ đoán, không tổng kết một cách thực chất nên mới đưa ra nguyên nhân là do luật.

Một điểm nữa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp là tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt quá nhiều. “Có những đoàn trong một buổi vắng mặt 13 đại biểu. Như vậy là chưa nghiêm túc. Có thể vì lý do một vài đồng chí trong Ban Thường vụ về họp, nhưng không thể vắng tới 13 đại biểu về họp được. Cử tri rất băn khoăn về tỷ lệ biểu quyết, có khi vắng tới 70 – 80 đại biểu trong một phiên họp. Tôi đề nghị việc này cần phải được chấn chỉnh”, bà Nga nói, đồng thời đề nghị nâng cao chất lượng thảo luận tổ, còn lại không nên bỏ thảo luận tổ.

Về vấn đề đại biểu vắng mặt, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua số đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều nhất. Trong đó đoàn TP HCM, Hà Nội có tổng số đại biểu nhiều và vắng họp nhiều nhất. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tình trạng, tại kỳ họp vừa qua các đại biểu Quốc hội đi “giao lưu” quá nhiều.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/xa-hoi-bao-nhieu-van-de-nong-bong-bao-cao-lai-em-a-lac-quan-1440996.tpo