Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Trải qua đoạn đường ổ voi, ổ gà cùng những đoạn cua khúc khuỷu dài gần 30km từ trung tâm huyện, chúng tôi cũng đến được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Khoen On. Nằm ở một xã khó khăn của huyện nhưng trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đến trường khi đã cuối giờ trưa, học sinh (HS) vừa tan lớp, chuẩn bị giờ ăn trưa. Vừa cất cặp và rửa tay sạch sẽ, em Vừ Thị Xuân, lớp 9A2 chia sẻ: 'Em ở bán trú tại trường được các thầy cô chăm sóc rất chu đáo, được ăn ngon, đảm bảo vệ sinh, các món ăn thường xuyên được thay đổi nên không bị chán. Chúng em vui lắm, yên tâm theo học'. Được biết, năm học 2021-2022, trường có 14 lớp/557 HS, trong đó có 353 em ở bán trú tại trường.

Nhân viên bếp ăn Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Khoen On chế biến món ăn.

Nhân viên bếp ăn Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Khoen On chế biến món ăn.

Thầy giáo Hà Trung Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Xác định việc đảm bảo dinh dưỡng và VSATTP trong mỗi bữa ăn cho HS bán trú là việc làm quan trọng. Chỉ khi sức khỏe của HS đảm bảo, phát triển tốt mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Vì vậy, bước vào năm học mới, nhà trường xây dựng thực đơn đổi món hằng ngày. Khâu nhập thực phẩm được nhà trường quan tâm, sát sao từ lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, đảm bảo nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tươi, ngon; các thực phẩm tươi chỉ lấy trong ngày. Hàng ngày, khi nhận thực phẩm và trước khi chế biến các nhân viên tại bếp ăn đều thực hiện lấy mẫu lưu theo đúng quy định. Đặc biệt, nhà trường chú trọng công tác kiểm tra sức khỏe cho 5 nhân viên nhà bếp; cử nhân viên nhà bếp tham gia các lớp tập huấn về ATTP và thường xuyên tổ chức sát hạch kiến thức ATTP. Đồng thời, trồng thêm rau củ, nuôi chim cút, ngan… góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. Nhà trường thường xuyên phun khử khuẩn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, khu ở bán trú và bếp ăn. Nhờ đó, từ khi trường triển khai thực hiện bán trú tới nay không xảy ra dịch bệnh, ca ngộ độc thực phẩm nào”.

Theo quan sát, nhà trường còn được trang bị nhiều thiết bị như: máy lọc nước công suất lớn; tủ nấu cơm công nghiệp; tủ lạnh… phục vụ công tác nấu ăn bán trú. Các dụng cụ chế biến, đồ dùng trong bếp đều được bố trí ngăn nắp, lau rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng; bát đũa khi rửa xong đem phơi nắng, khô mới xếp vào tủ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lường Thị Sợi - nhân viên nhà bếp nói: “Làm việc ở bếp ăn được hơn 5 năm, tôi luôn thực hiện đúng quy định về VSATTP. Trước, trong và sau khi chế biến xong tôi đều dọn sạch sẽ và thực hiện lưu mẫu để niêm phong kiểm tra theo quy định. Nhất là hiện nay khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc bệnh, tôi không đi ra khỏi địa bàn, hạn chế tiếp xúc với người khác để đề phòng lây nhiễm”.

Năm học 2021-2022, toàn huyện Than Uyên có 39 trường/719 lớp/20.866 học sinh. Thầy giáo Vũ Minh Khuynh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Để đảm bảo VSATTP, dinh dưỡng mỗi bữa ăn cho HS, phòng chỉ đạo các trường chú trọng tất cả các khâu từ nhập, bảo quản, chế biến và lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Đặc biệt, giữa năm học 2020-2021, phòng đã lựa chọn 4 trường gồm: PTDTBT Tiểu học và THCS xã Ta Gia, Khoen On làm chuẩn tổ chức hội thảo để các trường bán trú trên địa bàn tới học hỏi về thực hiện công tác bán trú, đảm bảo VSATTP tại bếp ăn. Qua đây, cán bộ quản lý và nhân viên bếp ăn các trường được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức. Đồng thời, trước khi bước vào đầu năm học, phòng tổ chức kiểm tra công tác bán trú, giữ gìn vệ sinh và chuẩn bị tại bếp ăn ở các trường. Chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm quy định nhập và lưu mẫu thực phẩm; lựa chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, có đầy đủ điều kiện cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, VSATTP.

Cùng với đó, các trường dựa trên điều kiện thực tế để trồng rau củ quả, chăn nuôi cải thiện bữa ăn cho HS. Đến nay, 100% trường mầm non trên địa bàn có “vườn rau cho bé”, 14 trường thực hiện mô hình nông trại trường học. Trong đó, 2 trường tự cung cấp đủ rau xanh và sản phẩm từ thịt, 10/12 trường tổ chức chăn nuôi... đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch.

Trẻ em là những mầm xanh tương lai của đất nước, vì vậy cung cấp đầy đủ dinh dưỡng với những thực phẩm an toàn, đảm bảo VSATTP sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện cả về trí lực, thể lực. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho địa phương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-b%E1%BA%BFp-%C4%83n-c%C3%A1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-b%C3%A1n-tr%C3%BA