Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Đã bước sang năm học thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chủ trương 'Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa', nhằm xã hội hóa công tác biên soạn sách, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc trao toàn quyền quyết định cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm ý kiến của cơ sở, chính là nguy cơ dẫn đến độc quyền ấn phẩm đặc biệt này.

Phụ huynh đưa con chọn sách giáo khoa và sách tham khảo lớp 1 tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Phụ huynh đưa con chọn sách giáo khoa và sách tham khảo lớp 1 tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Trường chọn một đằng, "Hội đồng" chọn một nẻo!

Thực tế cho thấy quá trình thực hiện Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT "Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông", đang gặp phải nhiều bất cập. Đề cập vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, giáo viên là những người được đào tạo bài bản nên có đủ năng lực thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa. Việc này không nên chỉ để một vài người đại diện cho giáo viên toàn trường chọn thay mà cần có sự tham gia của tất cả giáo viên trong trường, công khai và quyết định theo đa số.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cũng cho rằng: "Theo tôi, nên sử dụng hình thức chọn như trước kia, vì các thầy, cô giáo là người nghiên cứu trực tiếp, và đây cũng chính là người sử dụng nên có đầy đủ cơ sở, thông tin, chuyên môn để lựa chọn. Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lý chung tất cả các lĩnh vực, nên khó có thể có những đánh giá chuyên sâu, phù hợp trong việc đề xuất, quyết định học sách nào".

Qua tìm hiểu của chúng tôi, có tồn tại tình trạng, không ít cơ sở giáo dục không được lựa chọn sách giáo khoa theo ý kiến của đội ngũ đứng lớp. Rất nhiều hiệu trưởng, giáo viên khi được hỏi đều cho biết dù bộ sách giáo khoa nào cũng có những ưu điểm, hoặc tồn tại, nhưng nếu được chọn, họ muốn chọn bộ Cánh Diều với lý do bộ sách gần gũi với cuộc sống, giàu tính nhân văn, ít lỗi, khoa học, có sự nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, thực tế, các thầy, cô giáo đã không được dạy bộ sách mà mình lựa chọn.

Ngay ở địa bàn Hà Nội, năm học 2020-2021 và 2021-2022 đối với lớp 1, 2, bộ sách Cánh Diều được giáo viên chọn dạy ở hầu hết các cơ sở giáo dục và có những phản hồi tích cực. Song, năm học 2022-2023, nhiều trường vẫn tiếp tục lựa chọn bộ sách xã hội hóa này, nhưng chính các thầy, cô cũng không chắc chắn về việc ý kiến chuyên môn có được tôn trọng không!?

Tránh sự độc quyền

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng đặt câu hỏi: Xóa độc quyền sách giáo khoa là xu thế tất yếu. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào kiểm soát được thị trường và có bao nhiêu nhà xuất bản sẵn sàng tham gia thị trường này?

Từ góc nhìn cơ sở giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Quan điểm của tôi là trường nào chọn bộ nào, cuốn nào, hãy để cho họ lựa chọn như vậy. Dù tỷ lệ lựa chọn đó không nhiều, kể cả rất ít đi chăng nữa. Họ chọn bộ sách, cuốn sách phù hợp với học sinh của trường. Và không nên có bất kể tác động gì đến việc lựa chọn của cơ sở. Như thế mới là xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa".

Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đặt vấn đề: "Việc chỉ chọn một bộ sách cho các trường trong toàn tỉnh, giống hệt kiểu "đồng phục" sách giáo khoa, tạo cảm giác bất thường".

Nhìn nhận ở góc độ chuyên môn sư phạm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, phân tích: "Quy định hiện nay, sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập hội đồng để lựa chọn. Trong khi đây phải là công việc của cơ sở. Giáo viên phải là người chọn, vì họ mới biết được cần gì và thiếu gì. Việc đề nghị các trường lựa chọn và trình cho hội đồng lựa chọn tiếp, điều này không khoa học. Như vậy sẽ không phản ánh được vai trò làm chủ của giáo viên, và họ cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn ấy".

"Cấp sở chỉ nên là bộ phận tập hợp các ý kiến từ nhà trường để liên hệ với các nhà xuất bản trong việc in sách. Như vậy mới là lựa chọn của giáo viên, nếu không vẫn có trường hợp giáo viên phải dùng những bộ sách mà mình không lựa chọn", thầy Lâm cho biết.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên nêu quan điểm: "Cơ sở giáo dục, giáo viên ở các trường chọn sách giáo khoa là chuẩn xác nhất. Chính họ, chứ không phải ai khác có quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa nào phù hợp học sinh của mình".

Mỗi bộ sách đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Nếu không thể lựa chọn cả bộ, giáo viên vẫn có thể chọn từng cuốn sách phù hợp trong từng bộ sách giáo khoa. Theo ý kiến từ các cơ sở giáo dục, để tránh những tiêu cực không đáng có, hãy để giáo viên dạy những bộ sách mà họ lựa chọn. Ngay cả cấp sở, cấp phòng cũng không nên can thiệp vào việc lựa chọn sách giáo khoa của các trường. Làm được điều ấy, những bộ sách chất lượng tốt sẽ có đất sống. Đó mới thật sự là công bằng, khách quan, minh bạch. Tránh việc dư luận phải đặt ra những câu hỏi liên quan đến dấu hiệu độc quyền, thao túng thị trường mà chúng tôi từng phản ánh.

Đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên chỉ định hướng chung chung, mà cần có kiểm tra, giám sát về việc lựa chọn sách giáo khoa trước những ý kiến phản hồi từ cơ sở, phản ánh của công luận thời gian qua. Cùng với đó, Bộ cần khẩn trương rà soát, tham khảo thêm các ý kiến chuyên gia, sớm sửa đổi Thông tư 25 cho phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các trường.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/nh%E1%BB%AFng-nguy-c%C6%A1-t%E1%BB%AB-vi%E1%BB%87c-ch%E1%BB%8Dn-s%C3%A1ch-gi%C3%A1o-khoa-ki%E1%BB%83u-%C4%91%E1%BB%93ng-ph%E1%BB%A5c