Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút và phát huy trí tuệ của hàng nghìn chuyên gia giáo dục
Xã hội hóa sách giáo khoa và một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là những chủ trương đúng đắn, là sự thay đổi rất lớn khi lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục chi tiết trước khi xây dựng sách giáo khoa. Những thay đổi này đã đưa chương trình giáo dục hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo từng cá nhân học sinh, tăng cường tính mở, tính dân chủ và xã hội hóa. Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, là cơ sở để đạt được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới giáo dục.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài (Ảnh: moet.gov.vn)
Chủ trương mang tính đột phá, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại
Bước vào thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, nếu tiếp tục mô hình giáo dục đồng nhất, khép kín, tập trung thì nguy cơ nước ta sẽ tụt hậu về nhân lực và vốn con người. Vì vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo”. Từ đó, để xây dựng một nền giáo dục mở, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa thì cần thiết phải xóa bỏ mô hình học sinh cả nước chỉ học một bộ sách giáo khoa.
Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được đánh giá là chủ trương có tính đột phá, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, thay đổi tình trạng trước đó xuất bản sách giáo khoa theo cơ chế độc quyền và giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục. Đồng thời, việc xã hội hóa tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa có sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả, các nhà xuất bản có được những bộ sách chất lượng tốt.
Đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể và chương trình các môn học/hoạt động giáo dục, việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện thống nhất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Đây là chương trình giáo dục được biên soạn chi tiết, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học, tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm; dành quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên.
Đối với chủ trương một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa, trong đó, chương trình mang tính pháp lệnh, đảm bảo các trường phổ thông trên cả nước dạy học thống nhất theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Với một chương trình thống nhất, sách giáo khoa trở thành học liệu, liệu thì học liệu đa dạng sẽ tốt hơn chỉ có một học liệu sẽ đảm bảo thầy cô và học sinh được linh hoạt sử dụng, tiếp cận nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Qua đó, người dạy và người học được chủ động tiếp thu kiến thức, sáng tạo trong học tập, có nhiều cách tiếp cận mới, nhiều sự lựa chọn hơn.
Bộ Chính trị đã có Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Trong đó Kết luận nêu rõ nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới... Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa”.
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút và phát huy trí tuệ của hàng nghìn chuyên gia, thầy, cô giáo
Tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, công tác triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn sách giáo khoa.
Công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo, tổng số 2.656 tác giả. Số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo.
Cùng với đó, tác giả biên soạn sách giáo khoa công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ sách giáo khoa được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.
Công tác cũng đã huy động thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia phát hành sách giáo khoa, sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng sách giáo khoa, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ sách Cánh diều với triết lý “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống" được nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn.
Công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn sách giáo khoa được đánh giá thành công, việc phối hợp giữa các địa phương và các tổ chức biên soạn sách giáo khoa tốt, thực nghiệm đảm bảo độ phủ kín các vùng miền khác nhau trên cả nước. Số tiết thực nghiệm, quy trình tổ chức thực nghiệm bảo đảm theo quy định. Những thông tin phản hồi từ quá trình dạy thực nghiệm và góp ý của giáo viên đã góp phần quan trọng giúp cho các bộ sách chuẩn xác hơn về ngữ liệu, phù hợp hơn đối với điều kiện dạy học thực tế của các địa phương.
Việc biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa, môn học có ít nhất là 1 sách giáo khoa, môn học có nhiều nhất là 10 sách giáo khoa, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Khẳng định thẩm định sách giáo khoa được tổ chức theo quy trình chặt chẽ được quy định tại các thông tư, Vụ trưởng Thái Văn Tài cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí nhận xét đánh giá sách giáo khoa giúp cho việc nhận xét, đánh giá sách giáo khoa khách quan, công bằng, chính xác. Lần đầu tiên huy động số lượng các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đông đảo, khoảng 1404 thành viên, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và các trường phổ thông từ các vùng miền khác nhau và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ quy định tại các thông tư, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương. Quá trình lựa chọn sách giáo khoa giúp các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục năng động hơn, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình.
Quyết tâm lớn, hoàn thành tốt một nhiệm vụ mới, khó, phức tạp
Phát biểu kết luận Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản… đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa - một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm.
Trải qua những thách thức, đến thời điểm này, công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; từ đó khẳng định chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là hết sức đúng đắn.
Quá trình thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia biên soạn. Tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa tăng cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lần đầu tiên việc biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia biên soạn.
Sách giáo khoa được lựa chọn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục; công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những hiệu quả cả về mặt chuyên môn, hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội, nhận được sự đồng tình rất cao; nâng cao nhận thức về công tác biên soạn sách giáo khoa, không chỉ trong ngành Giáo dục, mà còn cho toàn xã hội.
Sau 5 năm triển khai xã hội hóa sách giáo khoa vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số ngữ liệu ở một số môn học còn xuất hiện những quan điểm khác nhau, gây băn khoăn trong dư luận khi đưa vào sử dụng. Việc lựa chọn sách ở một số nơi, ở một số thời điểm còn có khó khăn trong tổ chức thực hiện. Tuy vậy, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã tăng tính cạnh tranh về nội dung, hình thức và phương pháp trình bày khi có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản, thẩm định. Từ đó sách giáo khoa ngày càng được cải tiến, hấp dẫn, dễ hiểu và phù hợp hơn với người học. Tạo ra sự đa dạng và linh hoạt trong việc lựa chọn của giáo viên và học sinh theo từng điều kiện giảng dạy ở mỗi vùng miền khác nhau. Xã hội hóa sách giáo khoa cũng ghi nhận những phương pháp dạy học mới, hiện đại hơn, phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay và tăng cường vai trò phản biện của xã hội, ý kiến góp ý của dư luận xã hội đối với những bộ sách được xuất bản, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa cho phép nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn và xuất bản đã phát huy được vai trò của kinh tế tư nhân trong định hướng phát triển đất nước.