Xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp: 'Cú hích' cho nền kinh tế Gia Lai
Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được xem là chủ trương đúng đắn nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
4 CCN đầu tiên được xã hội hóa đầu tư hạ tầng
Thực hiện chủ trương của Bộ Công thương và chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kêu gọi và thu hút được 4 đơn vị đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 1.541 tỷ đồng.
Trên cơ sở đăng ký, Sở Công thương tham mưu, trình Chủ tịch Hội đồng đánh giá, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tỉnh phê duyệt kết quả.
Theo đó, tỉnh đã lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 dự án CCN gồm: CCN số 2 huyện Đak Đoa, CCN Ia Grai, CCN số 1 huyện Đak Pơ và mở rộng CCN-Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang.
Trong đó, CCN số 2 huyện Đak Đoa đã được UBND tỉnh trao quyết định thành lập và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần Shinec Gia Lai. Dự kiến, 3 CCN còn lại sẽ trình UBND tỉnh quyết định thành lập trong quý I-2024.
Ông Hoàng Tuấn Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Shinec Gia Lai-cho biết: Dự án CCN số 2 huyện Đak Đoa có diện tích 75 ha, được triển khai tại xã Tân Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 369,8 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.
Công ty làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN với quy mô dự kiến gồm: đất dịch vụ công cộng, đất xây dựng nhà máy công nghiệp, kho tàng, đất cây xanh, đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất giao thông. Công ty sẽ triển khai dự án đồng bộ, hiện đại theo xu thế kinh tế xanh. Đồng thời, nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư đến để xây dựng nhà máy, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Ngành nghề thu hút đầu tư vào CCN gồm các nhóm: sản xuất chế biến sản phẩm nông-lâm sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng, may mặc, công nghiệp cơ khí, sửa chữa máy móc nông cụ, các ngành công nghiệp phụ trợ…
Ông Trần Hưng Nghiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Đoa-thông tin: “Dự án CCN số 2 huyện Đak Đoa dự kiến khởi công vào quý I-2024. Nhưng hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng quy hoạch chung xã Tân Bình, đến tháng 4 sẽ ký quyết định đồ án quy hoạch. Do đó, dự kiến tiến độ khởi công dự án sẽ chậm hơn khoảng 1 tháng.
Tuy nhiên, tín hiệu mừng đó là ngoài việc Công ty cổ phần Shinec Gia Lai đẩy mạnh triển khai đầu tư hạ tầng thì đã có 10 doanh nghiệp đăng ký vào CCN số 2 huyện Đak Đoa với các ngành nghề chế biến, kho đông lạnh…”.
Theo ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: Hàng năm, nhiều người dân trên địa bàn huyện đi vào các tỉnh phía Nam làm công nhân cho các khu, CCN. Người dân rất mong mỏi trên địa bàn huyện có 1 CCN để thu hút các nhà đầu tư và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập CCN Ia Grai với diện tích 52 ha. Để có cơ sở hạ tầng CCN hoàn chỉnh thì cần đầu tư nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng, điều này rất khó khăn cho ngân sách địa phương.
Vì vậy, UBND huyện đã tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết CCN và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Cuối tháng 11-2023, UBND tỉnh đã chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như nhà đầu tư tại CCN.
Cũng theo ông Đông, việc triển khai xây dựng CCN đang gặp khó khăn do năm 2024, dự án này chưa có trong quy hoạch sử dụng đất và chưa được HĐND tỉnh phê duyệt công trình dự án có thu hồi đất để triển khai các bước tiếp theo.
Vì vậy, huyện rất mong muốn các sở, ngành giúp đỡ thực hiện các quy trình, thủ tục về đất đai để sớm triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển, thu hút đầu tư vào CCN.
“Vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, khảo sát các cơ sở kinh doanh thuộc diện phải di dời để tiến hành đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh tại CCN. Đồng thời, thông báo chủ trương, chính sách để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có điều kiện tiếp cận thông tin, đến khảo sát và đặt vấn đề đầu tư sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng CCN”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thông tin.
Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Năm 2023, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kêu gọi và thu hút đầu tư thành lập, phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh, thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 CCN theo hình thức xã hội hóa.
Đây là lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng CCN được thực hiện ở Gia Lai. Việc này sẽ tạo “cú hích” trong việc kêu gọi thu hút đầu tư vào CCN, từ đó hình thành các nhà máy lĩnh vực công nghiệp chế biến nông-lâm sản, phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh để tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp của tỉnh.
Thu hút những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập và quy hoạch chi tiết 13 CCN với diện tích 466,53 ha, trong đó, 8 CCN đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng toàn bộ hoặc một phần với tổng vốn đầu tư 184 tỷ đồng. Các CCN đã thu hút 72 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với diện tích 119,56 ha, tổng vốn đăng ký 2.279 tỷ đồng.
Tính đến nay, 54 dự án đang đầu tư và đi vào hoạt động với diện tích 75,33 ha, vốn đầu tư 1.634 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động có doanh thu hàng năm đạt 1.286 tỷ đồng, thu hút 1.165 lao động.
Các CCN sau khi được UBND tỉnh thành lập bước đầu đã giải quyết mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Từ đó, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần ổn định kinh tế-xã hội tại địa phương.
Đồng thời, việc hình thành các CCN cũng góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ra.
Tuy nhiên, hiện tại, quy trình thành lập, mở rộng CCN (trong đó có lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN) còn có sự chồng chéo giữa các quy định có liên quan, nhất là quy định về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư. Vì vậy, khi triển khai thành lập, mở rộng CCN, thời gian bị kéo dài. Từ đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc triển khai thành lập CCN thực hiện đồng thời, trong đó có thủ tục trình cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Mặt khác, do chưa có cơ chế trong việc chuyển giao quản lý CCN nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa nên việc thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN còn gặp khó khăn.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng xã hội còn chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông tuy phát triển song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Lực lượng lao động tuy nhiều song chất lượng còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có khả năng làm việc trong các dây chuyền sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao như chế tạo thiết bị, điện tử...
Về giải pháp phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, đối với việc thành lập, mở rộng CCN, Sở sẽ tham mưu đẩy nhanh tiến độ xét chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; chủ động phối hợp tham gia ý kiến thẩm định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở sẽ trình UBND tỉnh cấp quyết định thành lập, mở rộng CCN. Để tận dụng nguồn vốn xã hội hóa nhằm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nhất là các CCN đã được Nhà nước đầu tư một phần, Sở Công thương tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển giao CCN đã được Nhà nước đầu tư một phần từ nhiều nguồn vốn khác nhau cho các nhà đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa.
Đồng thời, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp có năng lực, kinh nghiệm đảm bảo các yếu tố như suất đầu tư cao, công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào đầu tư tại các CCN.
Hình thành các CCN theo hướng là các cụm vệ tinh cho các khu công nghiệp tại TP. Pleiku, sản xuất hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên các CCN có vị trí nằm gần các tuyến quốc lộ 19, 14, 25 gắn với các đô thị trung tâm.