Xã hội hóa để phát triển văn hóa đọc: Mở rộng cách hiểu về thư viện
Thực tế những năm trước, rất nhiều thư viện chỉ có bạn đọc theo 'thời vụ' - khi học sinh, sinh viên đến học vào mùa thi, hoặc số ít độc giả tìm đến để tra cứu. Người dân không có thói quen đến thư viện như một nhu cầu thường xuyên, ngược lại các thư viện cũng chưa có nhiều hoạt động đa dạng để 'kéo' độc giả. Đổi mới cách hiểu về thư viện, mở rộng khái niệm thư viện là một trong những bước đi góp phần đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển thư viện và văn hóa đọc.
Đổi mới thư viện cũ
Xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng mà Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định rõ.
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong những năm qua, với việc đẩy mạnh xã hội hóa, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện Việt Nam đã có được sự hỗ trợ về mọi mặt như phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ người làm công tác thư viện và hình thành mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước. Hàng loạt chương trình, dự án đã được tổ chức hiệu quả như sách hóa nông thôn, lập tủ sách trại giam và các cơ sở giáo dưỡng, tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhờ các nguồn lực xã hội hóa, gương mặt thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi trong những năm gần đây với cơ sở vật chất nâng cao, công nghệ mới được triển khai và các hoạt động có liên quan được tổ chức đều đặn.
Quãng hai chục năm trước, muốn làm thẻ đọc thường xuyên ở Thư viện Quốc gia thì phải có giấy giới thiệu từ trường học hoặc cơ quan nơi công tác, hiện nay mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài đang lưu trú tại Việt Nam chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu là có thể trở thành bạn đọc của thư viện. Đặc biệt, sau khi khai thông tin và chụp ảnh tại chỗ, chỉ chừng 5 - 10 phút sau là bạn đọc có ngay thẻ cứng của thư viện. Mở rộng đối tượng đọc, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân đến thư viện, bởi thế, là hướng đi đúng đắn. Thư viện Quốc gia còn khai trương các không gian đọc mới, phù hợp với thời hiện đại như các thư viện SK Telecom, Không gian chia sẻ S.hub, thư viện văn hóa thiếu nhi và tổ chức hàng loạt hoạt động giới thiệu sách, ngày hội sách, các buổi sinh hoạt chuyên đề với diễn giả trong và ngoài nước...
Các thư viện khác, tùy theo đặc thù và điều kiện của mình cũng có nhiều phương cách khác nhau để đưa sách tiếp cận độc giả được nhanh nhất, nhiều nhất và rộng rãi nhất. Ví như hệ thống Thư viện Quân đội thường xuyên luân chuyển sách giữa các đơn vị, phối hợp với các địa phương nơi đóng quân để tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa đọc, khuyến đọc như triển lãm sách Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, thi viết về Quyển sách tôi yêu, giao lưu tìm Bí quyết khai thác mỏ vàng trong những cuốn sách… Hay Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đổi mới và cập nhật công nghệ với mục tiêu thu hút bạn đọc đến thư viện bằng nhiều hình thức, trực tiếp và qua mạng internet. Song song với đó, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện cũng hết sức được chú trọng. Không còn là cán bộ ăn lương theo tư duy bao cấp nữa, mỗi cán bộ nhân viên thư viện đã và đang chuyển dần sang tư duy phục vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc thời đại mới.
Khuyến khích thư viện mới
Xã hội hóa hoạt động thư viện là chính sách đã được quy định rõ tại Điều 4, Pháp lệnh Thư viện Việt Nam, trong đó nêu rõ “khuyến khích tổ chức cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài tham gia phát triển các loại hình thư viện; thực hiện xã hội hóa hoạt động thư viện”. Nghị định số 72/2002/NĐ-CP cũng khẳng định việc “khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho tài liệu, tiền, tài sản, đóng góp công sức cho việc phát triển thư viện...”. Chính cơ chế khuyến khích này đã làm nên một bức tranh tươi sáng của xã hội hóa hoạt động thư viện những năm gần đây, được chứng minh qua 17.000 thư viện, tủ sách cộng đồng, phòng đọc cơ sở, sự xuất hiện của hơn 100 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, và rất nhiều tủ sách dòng họ được xây dựng trên khắp cả nước.
Xã hội hóa thư viện, trong nhiều trường hợp không nhất thiết phải là tiền, mà còn là việc tranh thủ sự đầu tư từ các nguồn lực khác như đóng góp tài liệu, trang thiết bị, góp công lao động xây dựng phòng đọc, phát triển tình nguyện viên tham gia các hoạt động thư viện... Nhiều thư viện trường học, thư viện dòng họ đã đa dạng hóa đầu sách bằng kêu gọi các thành viên góp sách. Như câu lạc bộ Sách ơi mở ra có chương trình mỗi em nhỏ mang đến 3 cuốn sách mà mình đã đọc thì có thể trở thành thành viên được đọc sách tại chỗ hay mượn sách về nhà miễn phí. “Lệ phí” tham gia này cũng chính là nguồn bổ sung rất lớn cho thư viện CLB.
Song, chỉ riêng lượng sách phong phú chưa chắc đã làm nên sức sống bền lâu cho thư viện, đặc biệt với các thư viện tư nhân, khi mà giờ đây người dân có thể tiếp cận với sách hết sức dễ dàng. Gia tăng chức năng cho các hoạt động của thư viện là cách mà chủ nhiệm CLB Sách ơi mở ra, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã thực hiện thành công. Thư viện của CLB không chỉ đơn thuần là nơi chứa sách nữa mà còn là một không gian đọc thân thiện, hiện đại, đẹp mắt, đa chức năng kết hợp các không gian làm thí nghiệm, hội thảo, tổ chức sự kiện, thậm chí cả không gian vui chơi cho trẻ em. Cùng với sự phát triển của một thư viện tích hợp là các hoạt động câu lạc bộ được tổ chức định kỳ để chia sẻ kỹ năng đọc, giới thiệu tác giả tác phẩm, lan tỏa các giá trị đọc đến cộng đồng.
Rõ ràng, dù là thư viện lâu đời hay thư viện mới được tạo lập trong vài năm trở lại đây, dù là thư viện công cộng hay thư viện tư nhân thì việc đổi mới cách hiểu về thư viện, mở rộng khái niệm thư viện, gia tăng chức năng cho thư viện sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo của thư viện đưa ra nhiều ý tưởng mới, thiết thực để thư viện được hoạt động hiệu quả, góp phần đưa văn hóa đọc phát triển ngày một sâu rộng hơn.