Xã hội hóa – giải pháp hiệu quả xây dựng nhà văn hóa bản ở Điện Biên Đông (bài 3)
Bài 1: Trong cái khó… 'ló sáng kiến'Bài 2: Toàn dân đoàn kết xây nhà văn hóa bảnBài 3: Kết nối đa dạng hóa nguồn lực ĐBP - Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà văn hóa, song song với việc phát huy nội lực Nhân dân, huyện Điện Biên Đông đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng các bản, tổ dân cư xây dựng nhà văn bản. Đồng thời, tăng cường kêu gọi, kết nối, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí, tiếp sức cho người dân thực hiện phong trào thi đua về đầu tư xây dựng nhà văn hóa.
Nỗ lực của cả hệ thống chính trị
Năm 2021, UBND huyện Điện Biên Đông đưa nội dung xã hội hóa nhà văn hóa bản vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đối với các xã, thị trấn. Giao nhiệm vụ cho 8 cơ quan, phòng ban: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế - Hạ tầng; Tài chính - Kế hoạch; Giáo dục - Đào tạo; Ban Quản lý dự án các công trình; Công an; Ban Chỉ huy Quân sự và Văn phòng UBND huyện kết nối, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa bản, tổ dân cư với mức chỉ tiêu tối thiểu 2 nhà văn hóa/đơn vị/năm. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến xã hưởng ứng chương trình, góp kinh phí để làm nhà văn hóa.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan, phòng ban đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ UBND huyện giao. Bình quân mỗi năm, các đơn vị đã hỗ trợ thực hiện 2 - 3 nhà văn hóa, trong đó nhiều công trình được đầu tư khang trang, hiện đại với tổng mức kinh phí 200 - 300 triệu đồng/công trình. Điển hình là các đơn vị: Ban Quản lý dự án các công trình; Phòng Kinh tế - Hạ tầng; Công an huyện và Ban Chỉ huy Quân sự huyện.
Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên Đông là đơn vị tiên phong, đi đầu trong thực hiện phong trào xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa bản, tổ dân cư. Từ năm 2021 đến nay, Ban đã hỗ trợ, hoàn thành xây dựng thành công 8 nhà văn hóa bản tại các xã: Phình Giàng (2 nhà văn hóa); Phì Nhừ (2 nhà văn hóa) và Na Son, Pu Nhi, Pú Hồng, Tìa Dình (1 nhà văn hóa bản/xã). Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp khoảng trên 520 triệu đồng từ đóng góp của cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị và nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện.
Ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên Đông cho biết: 8/8 nhà văn hóa bản, tổ dân cư, Ban đều phân công cán bộ xây dựng bản vẽ thiết kế phù hợp với phong tục tập quán các bản. Sau đó, Ban phối hợp với bản tổ chức họp dân, lấy ý kiến, thống nhất hoàn thiện thiết kế. Do có thiết kế nên các nhà văn hóa do đơn vị hỗ trợ đều rất kiên cố, khang trang, vừa kết hợp các yếu tố hiện đại vừa giữ nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Ban cũng thường xuyên huy động các doanh nghiệp, nhà thầu có dự án trên địa bàn xã hỗ trợ các bản về san gạt mặt bằng, vận chuyển vật liệu… trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh các cơ quan được giao nhiệm vụ, một số cơ quan không thuộc phạm vi chương trình cũng hưởng ứng phong trào nhiệt tình, hiệu quả như: Phòng Dân tộc; Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình; Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông...
Ông Trần Đức Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Mặc dù không thuộc 8 đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ nhưng cán bộ, công chức Phòng Dân tộc tự nhận thấy không thể đứng ngoài cuộc trong khi cả hệ thống chính trị huyện thực hiện phong trào thi đua sôi nổi về xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa bản, tổ dân cư. Trên tinh thần đó, cán bộ, công chức Phòng Dân tộc đã tình nguyện góp kinh phí, đồng thời kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ bản Tào Xa A (xã Phì Nhừ) xây dựng nhà văn hóa trị giá trên 200 triệu đồng.
Tăng cường kết nối
Xuyên suốt quá trình thực hiện chương trình xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa bản, tổ dân cư ở Điện Biên Đông không thể thiếu sự đồng hành và đóng góp quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp. Điển hình như: Công ty Xăng dầu Điện Biên hỗ trợ 300 triệu đồng (xây dựng 6 nhà văn hóa); Sở GD&ĐT hỗ trợ 150 triệu đồng (xây dựng 3 nhà văn hóa); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Điện Biên hỗ trợ 300 triệu đồng (xây dựng 6 nhà văn hóa)...
Cuối tháng 11/2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Điện Biên trao tài trợ an sinh xã hội xây dựng 6 nhà văn hóa cho các thôn, bản khó khăn thuộc xã Keo Lôm, gồm: Keo Lôm 1, Keo Lôm 2, Huổi Xa 2, Suối Lư 3, Huổi Múa B và Tìa Ghếnh B. Mỗi nhà văn hóa trị giá 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Qua sự kết nối của lãnh đạo huyện Điện Biên Đông về phong trào xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa bản, tổ dân cư, Chi nhánh đã phát động chương trình ủng hộ đến toàn bộ cán bộ, nhân viên. Tổng kinh phí tài trợ cho 6 bản là 300 triệu đồng do cán bộ, nhân viên Agribank đóng góp. Đây là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 30 năm thành lập huyện Điện Biên Đông (7/10/1995 - 7/10/2025). Đồng thời, mong muốn người dân các bản có điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng.
Ông Vàng A Bông, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm cho biết: Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên góp phần quan trọng giúp người dân các bản vùng cao hiện thực hóa nguyện vọng xây dựng nhà văn hóa bản. Sau khi tiếp nhận kinh phí, các bản đã khởi công xây dựng công trình. Đến nay, 6/6 công trình đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng cam kết của các bản với đơn vị tài trợ.