Xã hội hóa hoạt động đăng kiểm: Thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Sau 4 năm triển khai xã hội hóa hoạt động trung tâm đăng kiểm, tỉnh Gia Lai đã có 4 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Gia tăng số lượng trung tâm đăng kiểm
Năm 2016, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) cho phép thực hiện xã hội hóa hoàn toàn các trung tâm đăng kiểm thay vì xã hội hóa một phần (doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, Cục Đăng kiểm Việt Nam bố trí nhân lực) như trước đây. Tiếp đó, năm 2018, Bộ GT-VT tiếp tục dỡ bỏ quy hoạch trung tâm đăng kiểm theo từng địa bàn. Đây là 2 yếu tố then chốt để đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và thu hút được sự quan tâm tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Trước đây, toàn tỉnh chỉ có 1 trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GT-VT quản lý. Đến năm 2007, trung tâm này được cổ phần hóa, Bộ GT-VT cấp phép cho Công ty cổ phần Vận tải và Xây dựng Gia Lai quản lý, khai thác. Sau khi có chủ trương xã hội hóa hoàn toàn các trung tâm đăng kiểm, trên địa bàn tỉnh có 3 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gồm: Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), Công ty TNHH Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Gia Lai 81-03D (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-04D (thị trấn Đak Pơ).
Mới đây nhất, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới số 8105D/ĐKVN-1 cho Công ty TNHH Đăng kiểm Cao Nguyên (mã số 81-05D) tại địa chỉ lô số 50 Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku).
Theo ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở GT-VT), giá trị lớn nhất khi tiến hành xã hội hóa trung tâm đăng kiểm chính là doanh nghiệp (DN) có được sự chủ động trong việc đầu tư trang-thiết bị, sử dụng đội ngũ nhân lực.
“Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Gia Lai hầu hết đều được đầu tư dây chuyền hệ thống kiểm định hiện đại, giúp DN tiết kiệm được thời gian kiểm định, nhân công và cho kết quả kiểm định chính xác cao. Có như vậy mới đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao trong hoạt động kiểm định xe cơ giới”-ông Kiên phân tích.
Tạo cơ chế, quản lý bằng chất lượng dịch vụ
Tính đến ngày 15-8, toàn tỉnh có 51.105 ô tô đăng ký quản lý. “Với áp lực gia tăng phương tiện nhanh chóng như hiện nay, nếu không có chủ trương xã hội hóa hoạt động đăng kiểm mà chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước sẽ rất khó khăn, áp lực”-ông Kiên nhìn nhận.
4 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh đang sở hữu 8 dây chuyền kiểm định; năng lực kiểm định đạt 50.000 lượt phương tiện/năm. Sở GT-VT đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng trung tâm đăng kiểm tại huyện Chư Sê và thị xã Ayun Pa.
“Qua bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu nên tôi biết trên địa bàn tỉnh vừa có trung tâm đăng kiểm mới. Do vậy, tranh thủ sau khi trả khách ở Pleiku xong, tôi đưa xe tới Công ty TNHH Đăng kiểm Cao Nguyên để đăng kiểm. Tôi hài lòng với chất lượng dịch vụ ở đây”-ông Võ Văn Minh-tài xế nhà xe Toàn Hoa-chia sẻ.
Tuy nhiên, xã hội hóa hoạt động đăng kiểm có mặt trái là tạo ra nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm, DN giảm chất lượng kiểm định để thu hút khách hàng. “Nhà nước đóng vai trò điều tiết, quản lý bằng các cơ chế, chính sách và hệ thống các quy định pháp luật. Mặc dù tỉnh đã bỏ quy hoạch trung tâm đăng kiểm nhưng trong quá trình thu hút đầu tư, Sở GT-VT luôn chú trọng đến mật độ phân bố hợp lý giữa các trung tâm đăng kiểm để khuyến cáo DN chọn địa điểm xây dựng phù hợp; tránh tập trung tại một khu vực nhất định để đảm bảo quyền lợi, hiệu quả đầu tư cho DN cũng như tránh nguy cơ cạnh tranh thiếu lành mạnh”-ông Kiên cho biết thêm.
Trong quá trình hoạt động, Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định. Song song với đó, UBND tỉnh có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với các trung tâm đăng kiểm. Các trung tâm đăng kiểm đều lắp đặt hệ thống camera đấu nối, truyền dữ liệu trực tiếp với Cục Đăng kiểm và Sở GT-VT để cơ quan quản lý có thể nắm bắt thường xuyên, liên tục hoạt động đăng kiểm phương tiện tại đơn vị mình.