Xã hội hóa hoạt động thư viện trong Luật Thư viện
Xã hội hóa là một xu hướng và nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Luật Thư viện đã cụ thể hóa các chính sách xã hội hóa của Nhà nước nhằm huy động được nhiều nguồn lực cho hoạt động thư viện, để cùng lan tỏa tri thức, chung tay phát triển văn hóa đọc.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, hoạt động thư viện luôn được coi là hoạt động công ích, vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, chủ yếu do Nhà nước thực hiện. Pháp lệnh Thư viện (sau đây gọi là Pháp lệnh) trước đây chủ yếu điều chỉnh hệ thống thư viện công lập, tập trung đối với hệ thống thư viện công cộng. Sự nghiệp phát triển thư viện chủ yếu do Nhà nước đầu tư, các hoạt động do thư viện công lập đảm nhận. Việc tham gia của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài đối với sự nghiệp phát triển thư viện thư viện đã được Pháp lệnh ghi nhận tuy nhiên chỉ ở mức độ "tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức" (Điều 3) và "khuyến khích đóng góp xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam" (khoản 3 Điều 21). Thư viện tư nhân đã được ghi nhận nhưng chỉ áp dụng đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và điều chỉnh bởi Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 của Chính phủ, quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.
Cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, thực tế nhiều cá nhân, tổ chức có vốn tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu quý hiếm, mong muốn được phục vụ và có điều kiện tổ chức phục vụ cộng đồng; xã hội có nhu cầu khai thác vốn tài liệu đó, các loại hình cũng đã phong phú đa dạng hơn (thư viện của doanh nghiệp, tủ sách dân lập trong khu vực xóm, làng thôn, bản, cafe sách, không gian sách, không gian văn hóa, phòng đọc cơ sở có phục vụ cộng đồng...), các tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng muốn tham gia cung cấp dịch vụ về sách, tài liệu, thư viện cho người Việt Nam… các mô hình này đều tổ chức phục vụ một số đối tượng nhất định, đang phát triển mạnh cần sự định hướng của Nhà nước.
Xã hội hóa các hoạt động thư viện được là một trong các chính sách lớn, là nội dung được triển khai đánh giá tác động từ khi xây dựng đề nghị xây dựng dự án Luật Thư viện. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hạn chế tối đa việc quy định các chính sách ưu đãi cụ thể về giảm thuế, ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, miễn giảm thuế nhập khẩu... tại các luật chuyên ngành mà được thực hiện theo quy định của pháp luật thuế, tín dụng và pháp luật đất đai hiện hành. Đây là thách thức và khó khăn lớn trong quá trình xây dựng Luật Thư viện – một chuyên ngành đặc thù. Luật Thư viện đã phải đổi mới phương thức tiếp cận vừa đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản, vừa đảm bảo hành lang pháp lý khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển sự nghiệp thư viện.
Đa dạng hóa các loại hình thư viện nhằm đẩy mạnh xã hội hóa
Để phát huy các nguồn lực, vốn tài liệu tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, bên cạnh việc củng cố hệ thống thư viện công lập, Luật Thư viện đã bổ sung nhóm thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác. Đặc biệt, thư viện của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; thư viện cộng đồng và thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam được công nhận và ghi nhận trong Luật Thư viện trong nội dung điều quy định về các loại thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam
Đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam, Luật Thư viện đã bổ sung quy định đảm bảo cơ sở pháp lý giúp cho loại hình thư viện này phát triển góp phần thúc đẩy cung cấp dịch vụ công ích phục vụ nhu cầu nhân dân. Các quy định trong Luật vừa đảm bảo khắc phục những vấn đề bất cập của thực tiễn triển khai các quy định về thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong thời gian qua nhằm phát huy cao nhất nguồn lực trong nhân dân phục vụ cộng đồng, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế chính sách và điều kiện cho loại hình này.
Thư viện cộng đồng với sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, vận hành thư viện tại cơ sở đã được quy định trong Luật, trở thành giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho thư viện cơ sở - đặc biệt là thư viện tuyến xã, khi mà hệ thống thư viện cấp xã còn gặp khó khăn, biên chế cán bộ văn hóa xã chỉ có 0,5 người. Quản lý tốt mô hình này góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng về xã hội hóa dịch vụ công, giảm gánh nặng về tổ chức, bộ máy, kinh phí cho mạng lưới thư viện cấp xã - một thiết chế văn hóa quan trọng trực tiếp phục vụ người dân tại cơ sở.
Thư viện số, không gian đọc, phòng đọc cơ sở cũng được ghi nhận trong Luật ở mức độ khác nhau nhằm đa dạng hóa phương thức phục vụ cho người dân. Thư viện số không chỉ là một phương thức hoạt động thư viện hiện đại, Luật Thư viện có quy định mở về điều kiện thành lập thư viện số với tư cách độc lập phù hợp với sự phát triển trong tương lai. Việc ghi nhận không gian đọc, phòng đọc cơ sở trong Luật Thư viện sẽ giúp Nhà nước có chính sách phù hợp đối với nguồn lực trong cộng đồng: đối với cơ sở đủ đáp ứng đủ điều kiện thì thành lập thư viện; đối với trường hợp chưa đủ điều kiện thành lập thư viện quy định tại Luật Thư viện, có thể lựa chọn mô hình không gian đọc, phòng đọc cơ sở là nơi đọc sách quy mô nhỏ, cung cấp kiến thức, thông tin và dịch vụ văn hóa đọc trong khu vực sinh sống của dân cư tại thôn, làng, bản, ấp, tổ dân.
Hoạt động của thư viện trong những năm qua được thực hiện không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường, việc coi thông tin như một thứ hàng hóa, triển khai các dịch vụ thu phí và thực hiện tự chủ đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các thư viện. Với chủ trương xã hội hóa, việc người dân tích cực tham gia cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện đã hình thành và phát sinh nhu cầu kinh doanh từ việc khai thác các nguồn tài nguyên vốn tài liệu và cung cấp các dịch vụ để thu lợi nhuận cũng cần xem xét, điều chỉnh. Luật Thư viện ghi nhận hình thức tổ chức và hoạt động thư viện theo mô hình doanh nghiệp.
Như vậy, từ việc chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức, hoặc đóng góp cho hoạt động thư viện, Luật Thư viện đã cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia thành lập và tổ chức các hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam; là hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai chính sách khuyến khích và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, là cơ sở quan trọng để xây dựng phát triển thư viện trong cả nước, từ đó mở rộng điều kiện và khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân.
Chính sách Nhà nước về xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện
Theo quy định mới các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, đối với các hoạt động chuyên ngành không được quy định. Đây cũng là khó khăn gặp phải khi xây dựng các chính sách của Nhà nước đối với phát triển thư viện – một hoạt động mang tính công ích là chủ yếu. Tuy nhiên, Luật Thư viện đã có quy định mang tính nguyên tắc, tương đối rõ ràng là cơ sở để các luật chuyên ngành khác cụ thể hóa, đồng thời thể hiện rõ chủ trương, chính sách của nhà nước về thu hút nguồn lực đầu tư của toàn xã hội thông qua các nội dung chính như:
Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư cho thư viện, hoạt động thư viện công lập - lĩnh vực trước đây theo Pháp lệnh do Nhà nước đầu tư và chỉ thư viện công lập mới thực hiện, như: Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư cho: Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện...
Luật Thư viện có điều riêng quy định rõ việc cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện để đầu tư, tài trợ, viện trợ, hiến tặng cho, đóng góp phát triển thư viện, văn hóa đọc, xây dựng và phát huy không gian đọc, phòng đọc cơ sở. Cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện, tài trợ, hiến viện trợ, tặng cho, đóng góp để phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc sẽ được hưởng ưu đãi các chính sách ưu đãi khi đáp ứng theo quy định của pháp luật và xem xét để ghi nhận và vinh danh theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Ngoài ra, Luật Thư viện có nhiều quy định thông thoáng để thu hút các nguồn lực, đóng góp của cá nhân, tổ chức như: bỏ quy định về đăng ký hoạt động thư viện thay bằng hình thức thông báo hoạt động thực hiện một bước cơ bản trong việc giảm thủ tục hành chính; các thư viện ngoài công lập ngoài việc được hưởng ưu đãi từ chính sách hỗ trợ và khuyến khích xã hội hóa của Nhà nước sẽ được nhận sách, báo, tài liệu luân chuyển, được liên thông, hỗ trợ và hướng dẫn nghiệp vụ từ thư viện công lập, được tham gia cung cấp dịch vụ công theo quy định của pháp luật khi tham gia phục vụ cộng đồng...
Luật Thư viện đã bổ sung cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất cho các đối tượng, loại thư viện để điều chỉnh toàn diện và phù hợp với xu hướng phát triển đang là nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, đồng thời có các chính sách để phát huy nguồn lực trong xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước và phù hợp với xu hướng phát triển./.