Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường

Sáng 20-6, tại Hà Nội, Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển tổ chức Hội thảo 'Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu'.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đất nước ta đang chứng kiến những thảm họa thiên nhiên thường xuyên và nghiêm trọng hơn như bão, lũ lụt và hạn hán. Những thiên tai này đã và đang gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và nền kinh tế của đất nước, thậm chí tính mạng con người.

 PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Mất mát đa dạng sinh học cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Gia tăng dân số, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đã chia cắt, phân mảnh và làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng.

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và rác thải nhựa ở các khu vực đô thị, đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống cũng đang diễn ra ở khu vực nông thôn khi nguồn nước và đất đai bị tác động mạnh mẽ do các phương thức canh tác lạm dụng hóa chất nông nghiệp, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững.

PGS, TS Phạm Quang Thao nhấn mạnh, để giải quyết các thách thức thời đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách từ Chính phủ. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Nói về những bất cập của nguồn lực, tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển cho rằng, đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian. Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, xong các kết quả thường khó có thể đo tính được một cách cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn, chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn...

TS Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị, đầu tư cho đa dạng sinh học cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

TS Nguyễn Mạnh Hà gợi ý, các cơ chế mới có thể là các hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngoài hệ sinh thái rừng, chính sách khuyến khích đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho đa dạng sinh học, các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ đa dạng sinh học, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, tín dụng xanh và thiết lập các quỹ về đa dạng sinh học như: Quỹ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, Quỹ cứu trợ loài...

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/xa-hoi-hoa-nguon-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-bao-ve-moi-truong-731729