Xã hội hóa nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi thiên nhiên
Theo ước tính của Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, rừng nguyên sinh của Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha và chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%.
Sáng nay, 20/6, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SWV), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) tổ chức Hội thảo: “Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khẳng định Việt Nam có đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách như: Sự xuất hiện ngày càng nhiều các hình thái thời tiết cực đoan, tài nguyên đa dạng sinh học suy giảm mạnh, thực trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động cao.
Thông tin tại hội thảo cho thấy, hiện có ba thách thức lớn mang tính chất thời đại mà các quốc gia phải đối mặt đó là: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học.
Theo PanNature, trong 30 năm qua, Việt Nam đã mất đi một khá lớn diện tích rừng tự nhiên, do chặt phá trái phép, khai thác quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tác động của các loài ngoại lai xâm hại.
Suy giảm diện tích rừng tự nhiên không chỉ làm giảm nguồn lợi từ rừng mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mất khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
Để giải quyết các ba thách thức thiên niên kỷ này, mỗi quốc gia và toàn cầu cần huy động sức mạnh tổng lực từ xã hội nhằm thúc đẩy nỗ lực chung trong việc phục hồi thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các sáng kiến xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; các chính sách xã hội hóa cho bảo tồn thiên nhiên; Kinh nghiệm quốc tế về huy động nguồn lực, hỗ trợ, tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên; kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt đồng trồng và phục hồi rừng.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ thịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để giải quyết các thách thức về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học cần huy động sự tham gia của người dân. Theo đó, tất cả người dân đều có thể tham gia hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường
“Mỗi người dân Việt Nam đều có thể làm việc nhỏ, ý nghĩa lớn như: Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Tiết kiệm điện năng, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (thu gom, phân loại, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, nộp phí theo quy định, dùng túi đựng rác sinh học; tái chế và tái sử dụng rác, coi rác là tài nguyên và là nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất; không xả rác ra đường, sông suối, hồ ao, biển, nơi công cộng; Thực hiện lối sống chia sẻ: Quần áo, đồ dùng, thức ăn,…” - Tiến sĩ Trần Văn Miều đề xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) cho rằng, để tạo ra một nguồn tài chính ổn định và bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là công tác bảo tồn các loài hoang dã Việt Nam cần có các định hướng rõ ràng về chính sách tài chính và chiến lược huy động các nguồn lực cho đa dạng sinh học.
“Ngân sách vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo cho các hoạt động quản lý, điều phối, duy trị bộ máy; các nguồn xã hội hóa sẽ được vận động để hỗ trợ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, các loài. Để có được nguồn vốn ngân sách liên tục và dài hạn cho bảo tồn đa dạng sinh học thì cần có được một dòng ngân sách chính thống và chính sách đầu tư dài hạn cho đa dạng sinh học. Ngoài ra, việc xây dựng và ban hành các định mức tài chính, kỹ thuật cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học cần hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để làm căn cứ cho việc xây dựng hướng dẫn lập ngân sách” - Ông Hà cho hay.