Xã hội hóa tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Trước nguy cơ lây lan của bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ quan chức năng, huyện, thành phố tập trung rà soát, thống kê số lượng và triển khai các biện pháp cấp bách để dập dịch. Đặc biệt, vận động xã hội hóa thực hiện tiêm vắc xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, đảm bảo nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, cho biết: Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò được các định lây truyền qua các loại côn trùng, như: Muỗi, ve, mòng... Do đó, trâu, bò mắc bệnh không điều trị khỏi, buộc phải tiêu hủy. Giải pháp hữu hiệu nhất là triển khai tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống bệnh trên diện rộng, bao phủ toàn bộ đàn đại gia súc.
Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động đăng ký tiêm phòng vắc xin viêm với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố theo hướng xã hội hóa. Đến nay, đã tuyên truyền vận động tổ chức tiêm phòng được trên 157.000 liều vắc xin phòng chống viêm da nổi cục ở trâu, bò, đạt 32,6 % so với tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh. Tiêu biểu là các huyện Phù Yên, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu…
Là địa phương thứ 2 tổ chức tiêm vắc xin viêm phòng bệnh viêm da nổi cục, huyện Thuận Châu đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi đăng ký tiêm vắc xin bằng hình thức xã hội hóa. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, thông tin: Ngay khi trên địa bàn có 3 xã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, huyện đã tuyên truyền đến các xã, bản chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; vận động hộ chăn nuôi tự nguyện đăng ký tiêm vắc xin cho đại gia súc. Hiện, đã có 20 xã, thị trấn đăng ký tiêm vắc xin phòng, chống viêm da nổi cục, với gần 14.000 liều. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương vận động các hộ còn lại tiếp đăng ký và tổ chức tiêm phòng. Trong thực hiện xã hội hóa việc tiêm phòng, mọi chi phí được các xã tự hoạch toán tài chính và công khai với hộ chăn nuôi.
Bà Lò Thị Khiêm, bản Bon Nghè, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Gia đình tôi có 10 con trâu, bò. Nắm được bệnh viêm da nổi cục rất nguy hiểm, trâu, bò bị bệnh phải tiêu hủy nên tôi đã đăng ký để tiêm vắc xin phòng bệnh để bảo vệ đàn trâu, bò. Chi phí tiêm phòng mỗi liều 45.000 đồng.
Tại huyện Mai Sơn, việc tổ chức tiêm phòng vắc xin được triển khai khẩn trương, đến nay, 100% các xã, thị trấn đã tổ chức tiêm phòng gần 19.700 liều, chiếm gần 50% tổng đàn trâu, bò toàn huyện. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn triển khai đồng loạt cho các hộ đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò để phát huy tác dụng cao nhất. Xã Hát Lót thực hiện tốt nhất, với 100% các hộ chăn nuôi đều đăng ký tiêm vắc xin, đã thực hiện tiêm đạt 90% tổng số liều đăng ký.
Bảo đảm hiệu quả trong tiêm phòng, 100% nhân viên thú y xã, bản trực tiếp thực hiện tiêm vắc xin được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; thành lập các tổ, nhóm tổ chức tiêm bằng nhiều hình thức, như: Tiêm tại chuồng đối với trâu, bò được nuôi nhốt; tổ chức tiêm tập trung tại các địa điểm phù hợp. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục cấp phát khoảng hơn 84.000 liều vắc xin phòng chống viêm da nổi cục trâu, bò từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các địa phương. Tham mưu, chỉ đạo các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ nguồn vắc xin được hỗ trợ, triển khai hỗ trợ và quyết toán đúng quy trình, quy định. Nguồn vắc xin Nhà nước hỗ trợ còn hạn hẹp, các địa phương đang tích cực tuyên truyền vận động xã hội hóa để tiêm vắc xin phòng chống viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Phấn đấu, toàn tỉnh sẽ hoàn thành tiêm 100% đàn trâu, bò thuộc diện tiêm phòng.
Không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, với sự chủ động của các địa phương, ý thức tham gia phòng chống dịch của các hộ chăn nuôi đã góp phần quan trọng kiểm soát bệnh dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, không để lây lan rộng, tránh thiệt hại cho gia đình, cộng đồng hiệu quả.